Thầy cô luôn là người chắp cánh ước mơ cho lớp lớp các thế hệ học trò. Ngoài những thầy cô trực tiếp giảng dạy chúng ta thì thầy (cô) hiệu trưởng là những người có công lao không hề nhỏ trong việc tạo dựng một môi trường giáo dục chất lượng và lành mạnh để mỗi chúng ta được hưởng nền giáo dục tốt nhất. Nếu bạn gặp đề văn miêu tả thầy (cô) hiệu trưởng bạn sẽ viết như thế nào? Toplist xin giới thiệu một số bài văn với đề bài như thế để bạn tham khảo trong bài viết dưới đây.

Bài văn tả thầy (cô) hiệu trưởng số 7

– Các con trật tự nào!

Một giọng nói ấm áp vang lên từ mi-cờ-rô. Đó là giọng nói của cô giáo hiệu trưởng trường em. Người mà cả trường chúng em ai nấy đều yêu quý và kính trọng.

Em không biết cô bao nhiêu tuổi nhưng nhìn trông cô còn trẻ lắm! Dáng hình cô hơi đậm đà. Nhưng cô mặc bộ nào cũng hợp, nhất là với bộ comlê đen. Em rất thích kiểu tóc xoăn của cô, trông thật hợp với khuôn mặt nhân từ vốn có. Đôi mắt hiền hậu. Còn nụ cười của cô thì thật duyên, khó ai mà quên được.

Em nhớ lần đầu vào trường. Ai cũng bỡ ngỡ khi tiếp xúc với cô thầy, các bạn bè của trường mới. Nhưng ai cũng lấy lại được tự tin khi gặp cô: một ánh nhìn hiền hậu, nụ cười thật thân thiện, giọng nói ấm áp, tất cả gợi lên một điều rằng: ngôi trường rất thân thương, bạn bè thì thân yêu và đoàn kết. Trong đó, cô hiệu trưởng là người đã tạo dựng lên điều đó.

Vì là một người chị lớn trong trường và là người mẹ của hàng trăm đứa con, nên cô rất gương mẫu. Có lần khác, hôm đó là sinh nhật bạn lớp trưởng và lễ sơ kết học kì 1 nên lớp liên hoan rất hậu hĩnh. Mặc dù vui vẻ đến mấy nhưng cũng không thể quên cô hiệu trưởng. Hôm đó, chúng em tập trung ở cổng trường, chờ khi cô đi ra, các bạn xúm lại tặng cô bánh kẹo nhân ngày sinh nhật.

Cô còn hứa sẽ mua quà cho bạn nữa. Chúng em nghĩ, mấy nay cô bận lắm, không mua quà được đâu. Nhưng sau giờ ra chơi hôm sau, cả lớp đều ngỡ ngàng và cảm động trước một món quà xinh xắn được đặt trên bàn bạn lớp trưởng có ghi: “Chúc con chăm ngoan, học giỏi”. Cô hiệu trưởng! Ai cũng cảm động trước tấm lòng của cô: dù có bận trăm công nghìn việc vẫn nhớ đến lời hứa sẽ mua quà của mình.

Lớp em ai cũng bảo cô như Bác Hồ trong câu chuyện Chiếc vòng bạc vậy. Đối với người lớn có thể là chuyện bình thường nhưng đối với chúng em, đó là một tình yêu thương và quan tâm vô bờ bến. Cô là người mang lại cho chúng em tình yêu thương vô tận, không kể xiết được! Em ao ước mai sau sẽ trở thành một người hiệu trưởng tốt bụng và giàu lòng nhân ái như cô.

Bài văn tả thầy (cô) hiệu trưởng số 5

Cô là cô giáo không dạy em nhưng em vẫn rất quý cô. Không chỉ mình em đâu mà cả lớp emvà toàn bộ trường Tiểu học mến yêu đều quý cô. Cô chính là cô hiệu trưởng đáng kính, là niềm tự hào của ngôi trường mà em đang học.

Em không biết cô bao nhiêu tuổi nhưng trông cô còn trẻ lắm! Nhiều người bảo cô mập nhưng theo em thì cô có thân hình đầy đặn. Cô hiệu trưởng mặc gì cũng đẹp, nhất là các bộ quần áo thiết kế theo kiểu Trung Quốc. Mái tóc cô màu nâu, xoăn đều. Nếu ai nhìn kĩ sẽ thấy cô luôn đeo một chiếc bờm cùng màu với mái tóc. 

Khuôn mặt cô tròn luôn hồng hào, tươi tắn. Đôi mắt cô sáng long lanh toát lên sự phúc hậu. Nụ cười tràn đầy sức sống, ai đã nhìn thấy không thể nào quên. Giọng nói cô ấm áp nhưng nhiều lúc lại lảnh lót. Cô hiệu trưởng rất quan tâm đến học sinh. 

Ngày nào cô cũng vào xem lớp em thế nào, có cần cô giúp đỡ gì không. Trước khi ăn cơm thì cô đi xem chúng em ăn có ngon không, có cần thêm gì không. Cô ăn xong thì cô lại đi xem lại một lượt xem chúng em ngủ chưa, đủ mát chưa hay đắp chăn đủ ấm không.

Cô hiệu trưởng trường em làm việc rất nghiêm túc, khi chào cờ ai nói chuyện cô chỉ cần đưa mắt nhìn là chỗ đó im lặng ngay. Cô rất tốt với lớp em. Hôm em đi thi “Tin học trẻ” cô đã cho cả lớp đi vừa để cổ vũ em vừa để các bạn học hỏi thêm. Hôm đó, em rất run nhưng mỗi khi nhìn vào ánh mắt cô em lại thấy được như tiếp thêm sức mạnh. Chính nhờ ánh mắt ấy mà em đã giành giải nhất trong cuộc thi. Em biết ơn cô lắm!

Chỉ còn vài tháng nữa thôi em đã phải xa mái trường Tiểu học. Em rất nhớ các thầy cô và các bạn. Đặc biệt là cô Hiệu trưởng. Không biết những năm học tiếp theo có được gặp cô Hiệu trưởng khác tốt như cô không?

Bài văn tả thầy (cô) hiệu trưởng số 4

Trường học là ngôi nhà thứ hai của em, thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai của em. Trong trường em, người em yêu quý nhất chính là thầy hiệu trưởng.

Thầy hiệu trưởng trường em năm nay đã hơn ba mươi tuổi. Thầy có dáng người cao, thân hình cân đối và làn da màu bánh mật. Mái tóc thầy được chải chuốt gọn gàng càng làm tăng vẻ trí thức. Mỗi ngày đến trường, thầy đều lịch sự trong chiếc áo sơ mi trắng, chiếc quần tây đen cùng chiếc cà vạt. 

Thầy có khuôn mặt vuông chữ điền với ánh nhìn cương nghị và nghiêm túc. Trong đôi mắt thầy, em nhìn thấy cả một biển trời yêu thương thầy dành cho học sinh và cả nhiệt huyết thầy dành cho nghề. Em ấn tượng nhất với đôi bàn tay của thầy, đôi bàn tay gầy gầy với những vết chai sạn do nhiều năm cầm phấn. 

Thầy có giọng nói trầm ấm và truyền cảm. Thầy hiền lành nhưng cũng rất nghiêm khắc, đặc biệt là trong vấn đề học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh. Khi có học sinh vi phạm, thầy sẽ luôn nhắc nhở khuyên nhủ để học sinh đó tự nhận ra cái sai trong hành vi của mình sau đó tự tìm cách sử lỗi. 

Không chỉ thế thầy còn rất tâm lí. Thầy luôn yêu thương học sinh như con của mình, đối xử với tất cả các học sinh một cách bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, học giỏi hay không học giỏi. Chính vì vậy mà học sinh ai cũng yêu quý thầy.

Em cũng rất yêu quý thầy và coi thầy là người cha thứ hai của mình. Em mong thầy luôn khỏe mạnh, tận tâm và nhiệt huyết với công việc.

Bài văn tả thầy (cô) hiệu trưởng số 6

Thầy hiệu trưởng mới chuyển về trường em được một năm. Tuy thời gian chưa nhiều nhưng thầy đã để lại trong lòng học trò chúng em ấn tượng sâu sắc. 

Thầy hiệu trưởng năm nay khoảng năm mươi tuổi. Thầy cao khoảng một mét bảy mươi. Thầy có khuôn mặt hơi vuông, nước da màu bánh mật, mũi thẳng. Mắt thầy to, đen. Lông mày đậm. Khi đến trường, thầy mặc áo sơ mi trắng, quần tây đen trông rất lịch sự. Thầy đi giày đen được đánh bóng cẩn thận. Hôm nào trời mưa con thấy thầy đi dép quai hậu.

Thầy không đeo đồng hồ mạ bạc hay mạ vàng như những thầy giáo khác. Thầy đeo một cái đồng hồ điện tử màu đen, tuy là thế nhưng em lại thấy rất hợp với phong cách của thầy. Thầy thường đến trường rất sớm. Có hôm, em phải đi thật sớm để làm trực nhật, vậy mà thầy đã có mặt ở trường. 

Vào ngày thứ hai đầu tuần, thầy lên nhận xét về thành tích cũng như những điểm còn hạn chế của từng khối lớp. Thầy nói rất ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu. Trong đêm liên hoan văn nghệ chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11, thầy đã hát một bài. Chúng em không ngờ thầy lại hát hay như thế. Lời bài hát vừa kết thúc, một tràng pháo tay vang lên không dứt.

Em yêu quý và kính trọng thầy hiệu trưởng trường em nhiều lắm. Trước đây em ước mơ lớn lên con sẽ làm bác sĩ. Nhưng nhìn thầy, em lại muốn sau này sẽ làm thầy giáo. Dù sau này rời xa mái trường, em vẫn không thể nào quên được hình ảnh của thầy.

Bài văn tả thầy (cô) hiệu trưởng số 1

Mỗi tuần một lần, vào sáng thứ hai, sau lễ chào cờ, chúng em được nghe thầy hiệu trưởng dặn dò nề nếp thi đua trong tuần. Cả trường, ai cũng kính trọng thầy.

Thầy hiệu trưởng trường em còn khá trẻ, thầy chưa đến bốn mươi tuổi. Dáng thầy cao, gầy. Mái tóc đen nhánh, cắt gọn gàng khiến gương mặt thầy có vẻ nghiêm nghị với khuôn mặt chữ điền: cằm vuông, nở nang cân đối, sống mũi thẳng và đôi mắt to, tia mắt thẳng thắn, độ lượng. 

Giọng nói của thầy trầm bổng vang xa rất lôi cuốn người nghe. Thầy dặn dò một tuần học tập thi đua mới rất rành mạch, rõ ràng. Hết giờ chào cờ, thầy đi về phòng hiệu trưởng của mình với dáng đi khoan thai, nhẹ nhàng. Gót giày của thầy đi êm, tiếng đế giày gõ lên hành lang vang lên khe khẽ.

Thầy thường mặc áo sơ-mi trắng dài tay, quần âu màu đen ủi li thẳng cứng. Vào những ngày lễ lớn, thầy đeo cà-vạt sẫm màu rất lịch sự, trang trọng. Với chất giọng đặc biệt của mình, thầy đọc lịch sử của các ngày lễ lớn một cách truyền cảm, hùng tráng. Lắng nghe thầy đọc lịch sử ngày lễ Hai Bà Trưng, em nghe như đâu đây vang lên tiếng voi ra trận của Hai Bà hòa với tiếng sóng nước âm vang của dòng sông Hát.

Thầy rất yêu học sinh nên dù thầy có vẻ mặt nghiêm nghị, tình yêu nghề, yêu học sinh của thầy vẫn toát lên trong cái nhìn ấm áp, trong sự ân cần hỏi han chúng em. Trong suốt những năm học đã qua, em chưa thấy thầy hiệu trưởng phạt học sinh bao giờ. 

Trái lại, khi nhà bạn Khanh lớp 5B bị hỏa hoạn, thầy đích thân đến lớp hỏi han tỉ mỉ. Thầy đã ưu ái tặng bạn Khanh phần thưởng cuối năm với rất nhiều sách vở, dụng cụ học tập và cả một phần quà cứu trợ cho gia đình Khanh.

Trong những năm qua, thầy hiệu trưởng đã lãnh đạo trường em đi lên vững vàng, đạt nhiều thành tích trong phong trào học tập, văn nghệ, thể thao. Tất cả các thầy cô giáo trong trường đều kính trọng thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng trường em là một người thầy đáng kính. 

Em yêu ngôi trường Tiểu học của mình và rất kính mến thầy hiệu trưởng. Mai này lên Trung học, chắc chắn hình ảnh của thầy trong tim em sẽ luôn ấm áp, khắc sâu không phai mờ. Hình ảnh ấy là tấm gương sáng để học sinh chúng em noi theo.

Bài văn tả thầy (cô) hiệu trưởng số 2

Có một người thầy ở trường không dạy chúng em nhưng lại quản lý mọi hoạt động của trường, người mà được cả trường kính trọng và học sinh yêu quý đó chính là thầy hiệu trưởng.

Thầy năm nay cũng đã hơn năm mươi tuổi. Hằng ngày, thầy đều mặc áo sơ mi và quần tây hoặc quần Jeans. Vóc dáng thầy cao ráo, thầy ốm nhưng bù lại thầy có một khuôn mặt rạng rỡ, phúc hậu. 

Thầy có một sóng mũi hài hòa với khuôn mặt. Thầy luôn luôn mỉm cười khi được chúng em lễ phép nói “con chào thầy ạ!”. Tóc thầy đã gần bạc hết. Mắt của thầy luôn luôn phát ra những tia nắng ấm áp.

Thầy luôn là người đến trường sớm nhất và cũng là người về trễ nhất. Thầy hiệu trưởng rất thương chúng em. Lúc chúng em học bài, thầy thường đi xem từng lớp một, có khi thầy còn tham gia truy bài cùng chúng em. 

Khi chúng em trả bài lưu loát hoặc trả lời được những câu hỏi của cô giáo thì thầy lại gật gù tỏ vẻ hài lòng. Còn những ai không trả bài lưu loát hay không trả lời được câu hỏi thì thầy lại nhắc nhở là về nhà phải chăm chỉ học bài, không được lười biếng. 

Thầy không bao giờ la mắng chúng em. Chúng em rất mến và yêu quý thầy. Cả trường, ai cũng mến thầy, kể cả cô giáo và thầy giáo dạy ở trường. Chỉ còn vài một tháng nữa là chúng chúng em đã phải xa thầy rồi, nhưng em sẽ không bao giờ quên những kỉ niệm bốn năm về thầy. Em hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi hơn nữa để xứng đáng là học trò của thầy.

Bài văn tả thầy (cô) hiệu trưởng số 3

Ở trường em, thầy hiệu trưởng là người mà mọi người đều kính trọng.

Thầy đã ngoài năm mươi tuổi, mái tóc điểm bạc, tuổi nghề của thầy cũng khá cao. Tuy vậy, thầy là người năng động nhất ở trường. Với dáng đi nhanh nhẹn cùng với vóc người tầm thước và làn da ngăm ngăm nên trông thầy thật chắc, thật khỏe. Thầy thường mặc những bộ âu phục màu nhạt. 

Em thích nhất là chiếc áo sơ mi trắng mà thầy thường mặc vào mỗi buổi sáng thứ hai. Màu áo ấy cũng là màu áo mà bao lớp học trò của thầy đã mặc. Những ngày lễ, hội thầy thường mặc bộ veston màu xám. Tuy tuổi cao nhưng khuôn mặt của thầy vẫn vuông vức luôn thể hiện sự vui tươi, trìu mến với chúng em. 

Thầy thường mang kính trắng nhưng khi trò chuyện với chúng em, thầy thường không đeo kính. Những lúc ấy chúng em nhìn thật rõ đôi mắt sâu và sáng của thầy, đôi mắt luôn biểu lộ sự nhanh nhẹn và giàu lòng nhân ái.

Thầy gương mẫu về mọi mặt, tận tụy với công việc ở trường. Có lần cô giáo chủ nhiệm lớp em bị ốm đột xuất, thầy đã trực tiếp đến dạy lớp chúng em. Thầy giảng bài thật rõ ràng, khúc chiết, ai cũng thích. Thầy luôn quan tâm đến học sinh, lo lắng cho từng hoàn cảnh của học sinh nghèo. Đối với những học sinh chưa ngoan, thầy tận tình uốn nắn. 

Nhờ sự tận tâm với học sinh và sự tận tụy với công việc của thầy nên trường em luôn dẫn đầu về mọi mặt. Trường lớp mỗi ngày một khang trang, các học sinh yếu kém mỗi ngày một tiến bộ hơn. Thầy mong từng học sinh chăm ngoan, học giỏi và thành đạt.

Ở ngôi trường tiểu học này, thầy hiệu trưởng là người lo toan nhiều nhất, thầy lo cho trường, lo cho chúng em và chúng em hầu như ai cũng nghĩ rằng: mình có một người cha thứ hai luôn quan tâm lo lắng cho mình.

Trả lời