Những cây non mới trồng cũng giống như những em bé: non xanh và yếu ớt nhưng nếu biết cách trồng và chăm sóc, chúng sẽ lớn lên, trưởng thành, cho hoa trái và bóng mát. Vẻ đẹp của những cây non mang đặc trưng riêng, ẩn chứa sức sống tràn trề. Hãy cùng Toplist thưởng thức vẻ đẹp đó trong những bài văn miêu tả những cây non mới trồng hay nhất sau đây.

Trồng chậu hoa mào gà

Em vừa được bố mua cho một cái chậu trồng cây cảnh nhỏ nhỏ có thể để được ở gần cửa sổ. Vậy là em quyết định trồng cây hoa mào gà ở đây.

Mới đầu em cho đất vào chậu sau đó lấy hạt cây hoa mào gà gieo vào đó. Hàng ngày, em tưới một ít nước. Sau một thời gian thì cây bắt đầu nhú lên. Khi thấy cây bắt đầu lên, em rất thích và hào hứng. Chẳng bao lâu, cây mào gà con bắt đầu ra lá nhỏ xíu.

Cây chỉ có hai lá màu xanh lá mạ. Em chăm sóc cho cây cẩn thận và cây bắt đầu phát triển cao hơn, cứng cáp hơn. Cây hoa mào gà giờ đã cao được khoảng hai mươi xăng ti mét và chia ra rất nhiều nhánh. Mỗi nhánh có khoảng hai ba cái lá.

Lá cây hoa mào gà lúc này không còn là màu xanh nữa mà nó đã chuyển sang màu đỏ và lá cũng to hơn lúc trước. Vì đây là cây hoa mào gà đỏ nên toàn thân cây cũng màu đỏ và hoa của nó cũng màu đỏ trông rất đẹp.

Hàng ngày em đều tưới nước cho cây nên nó rất là tốt và cây rất là mập. Có lần em còn xin mẹ ít phân lân để bón vào nên cây phát triển rất nhanh. Em rất thích nhìn chậu cây hoa mào gà lúc này. Em sẽ chăm sóc nó cho nó phát triển thật tốt và ra những bông hoa mào gà đẹp nhất.

Cây mít non

Chủ nhật vừa qua em có dịp về quê chơi. Trong chuyến đi vừa rồi, em không chỉ được thăm ông bà, họ hàng mà còn được ở cùng ông bà một vài ngày, cùng ông bà nấu cơm, làm vườn và đặc biệt nhất là em được cùng ông trồng cây trong vườn. Cây non của ông em trồng là cây mít dai.

Trước khi trồng, em thấy ông phải ủ hạt ở trong túi kín, đợi hạt nảy mầm rồi mới đem trồng vào đất. Hạt giống cây khi đã nảy những mầm nhỏ đầu tiên được ông em đem đặt vào khoảng đất tơi xốp đã được ông xới sẵn và phủ một lớp đất khác lên.

Ngày ngày, dưới bàn tay chăm sóc của ông em, hạt mầm ấy đã mọc thành cây non xanh mướt. Cây cao được gần một mét, thân cây màu nâu sẫm, nhỏ như cái chân khẳng khiu của chú gà trống. Cây vẫn còn rất yếu ớt nên gốc cây chưa chắc chắn lắm, rễ cây mỏng manh đang trong quá trình phát triển, cắm sâu xuống lòng đất, hút chất dinh dưỡng nuôi cây.

Cây mít non đã mọc được năm sáu cành cây tỏa ra xung quanh. Cành nào cành nấy mềm dẻo, có thể dễ dàng bị bẻ gãy. Trên cành cây, những chiếc lá non bắt đầu chớm mọc. Có lá nhỏ, lá to, lá nhỏ thì bằng hai ngón của em bé chụm lại, còn lá to thì cũng chỉ lớn bằng cái bàn tay của học sinh tiểu học. Ông em bảo rằng những chiếc lá đầu tiên bao giờ cũng là những chiếc lá quý giá nhất, vì nó là toàn bộ nền móng để cây lớn lên sau này.

Ngày ngày cây non bé đứng giữa mảnh đất rộng, đón bao tinh túy của trời đất để phát triển, từng chiếc lá rung rinh trong gió, đón nắng, đón mưa bằng tất cả sự căng tràn sức sống. Vì là cây non nên ông chăm sóc rất cẩn thận, ông dạy em khi tưới nước cho cây, không nên tưới quá nhiều vì cây sẽ bị úng và không sống được. Vâng lời ông, em luôn tưới cây vừa đủ, ngắm nhìn cây non lớn lên từng ngày, lòng em cũng tràn đầy niềm vui.

Để cây lớn được đến ngày cho quả cũng là cả một quãng thời gian rất dài, chứ nó không giống như cây leo hay cây hoa nở bông kết giàn khá nhanh. Cây mít nhà em có lẽ cũng vậy, nhưng cho dù có bao lâu, em và ông luôn chờ đợi sau này, khi cây lớn, nó sẽ là một cây cổ thụ to khổng lồ, tỏa bóng mát với những trái mít dai sai trĩu cành.

Ông đã nói trồng cây cần sự kiên nhẫn và chờ đợi. Em cũng sẽ đợi chờ cây mau lớn để được thưởng thức những quả mít ngon. Em sẽ thường xuyên chăm sóc cây để cây luôn phát triển tươi tốt.

Cây bạch đàn mới ươm

Hưởng ứng phong trào trồng cây, bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp, học sinh các khối lớp bốn, lớp năm của trường em trồng cây dọc theo đoạn đường 1A đi ngang qua huyện lị. Loại cây chúng em trồng là cây bạch đàn mới ươm.

Cây giống được hạt kiểm lâm chở tới trường và mỗi lớp lần lượt nhận số cây quy định của lớp mình. Mỗi học sinh trồng hai cây, mỗi cây trồng cách nhau ba mét. Chúng em đem cây trồng theo bờ lề. Cây con mới ươm hạt nhưng đã lên cao độ hai mươi lăm xăng-ti-mét.

Rễ cây ủ kín trong túi đất, thân cây mảnh dẻ bằng nửa ngón tay út của em. Cây có hai lá mầm màu xanh non, thuôn dài. Chúng em đào lỗ đúng chiều sâu quy định rồi đặt cây xuống, lấp đất vừa phủ bầu đất. Cây bạch đàn con trông yếu ớt làm sao.

Để cây vững hơn, chúng em cắm que tre, cột nhẹ thân cây vào que cho nó tựa vào để vững vàng bám đất. Một tuần sau, chúng em đi thăm cây. Tất cả cây đều bám đất, xanh tốt, không có cây nào bị chết. Chúng em tưới nước cho cây rồi vui vẻ ra về.

Cây bạch đàn đã bám đất, bén rễ, tươi tắn. Hai lá mầm của cây lớn lên một chút, tươi giòn chứ không ẻo lả. Chúng em trồng, chăm sóc cho cây được sống và phát triển tốt. Tiền công trồng cây mà Hạt Kiểm lâm trả cho nhà trường được hiến tặng cho Quỹ Ủng hộ trẻ em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam.

Em rất vui vì đã góp một phần bé nhỏ của mình vào công tác từ thiện, chia sẻ nỗi đau, kém may mắn của các bạn nhỏ phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh.

Trồng cây phi lao

Mỗi độ xuân về, trường em có phong trào Tết trồng cây thật vui và cũng thật ý nghĩa biết bao. Những cây non được các thầy các cô trong nhà trường mua ở vườn giống chia đều cho mỗi lớp. Các lớp nhận được số cây non của mình thì mang về lớp nghe sự phổ biến của các thầy các cô xem lớp mình sẽ trồng cây ở đâu.

Nhìn các cây non em thật thích thú làm sao. Mỗi cây non chỉ cao tầm 30 xăng ti mét. Lớp em nhận trồng giống cây phi lao – một loại cây lấy gỗ. Những cây phi lao con có rễ ủ kín trong túi đất vẫn còn bao bọc bởi túi nilon. Thân cây phi lao mảnh dẻ, nó cũng chỉ bằng nửa ngón tay út của em.

Lá của cây phi lao cũng rất lạ nữa, chắc có lẽ vì cây được trồng ở gần bờ biển quê em nên nó cũng thon dài không giống như các lá của các loại cây thân gỗ khá. Lá phi lao giống như lá thông vậy nó suôn dài thật dài cũng phải bằng một gang tay của em.

Cây phi lao con trông cũng thật yếu ớt lắm, khi chúng em được phân chia nhau ra trồng cây ở một khoảng diện tích nhà trường yêu cầu thì chúng em phải cắm thêm một que tre, cắm cột vào dưới đất chắc chắn rồi lấy dây cột nhẹ vào que nhỏ để cây vững chắc hơn.

Khi chúng em cũng đã trồng cây rồi nhưng trong lòng cũng lo lắng lắm, sợ gió biển cũng sẽ quật ngã những cây con mới trồng này. Một tuần sau khi trồng cây xong thì chúng em được ra đó xem cây có xanh tốt không không thì ôi thôi thích quá! Cây nào cũng xanh tốt, chắc vì do cây dễ sống nên mới có thể sống trong điều kiện khắc nghiệt lúc nào cũng phải đối mặt với gió biển.

Nhìn những cây con lớn để giúp cho người dân sống gần biển cũng tránh được nạn cát bay cát chảy cũng như các thiên tai. Trồng cây là một việc làm đẹp và cũng cần được nhân rộng hơn nữa.

Cây đu đủ con

Ông em thích trồng cây ăn quả, ông thường ươm hạt đu đủ trong túi đất nhỏ. Khi hạt nảy mầm lên cây con, ông đem cây đu đủ con trồng ở ngoài vườn.

Cây đu đủ con bé như cây bút chì, nó chỉ cao mười lăm xăng ti mét, tán lá của nó bé tí, chỉ có hai, ba phiến lá nhưng phiến lá xòe ra hình sao rõ rệt. Tuy còn bé thân cây màu xanh non nhưng cây đu đủ con đã có hình dạng của một cây đu đủ trưởng thành.

Ông trồng cây đu đủ trong hố đã đào sẵn có lót phân tro. Trồng xong, ông cắt lá chuối che nắng cho cây đu đủ. Ba ngày sau, khi đu đủ đã bén rễ, ông bỏ lá chuối đi. Hai ba ngày ông mới tưới nước một lần vì đu đủ không chịu nước, tưới nhiều nó úng rễ, chết cây.

Ông dùng que tre rào xung quanh cây để tránh người dẫm đạp hay con gà, con chó phá cây. Cây đu đủ con chỉ cao bằng cây mạ mới cấy nhưng cứng cáp, dẻo dai và có một sức sống mãnh liệt. Ông bảo chăm sóc cây tốt thì độ năm sáu tháng đu đủ sẽ ra hoa kết trái. Lúc đu đủ có quả chắc nhìn sẽ rất thích!

Mảnh vườn bé tẹo là niềm vui cho ông lúc tuổi già. Ngoài việc chăm sóc mấy giò phong lan với mảnh vườn tí hon ra, ông còn hay ngâm thơ, khề khà tách trà với mấy ông bạn. Em rất vui được giúp ông tưới nước, chăm sóc cây trồng.

Cây đào non

Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Hằng năm, cứ đến ngày mồng 4 âm lịch, bố mẹ em lại trồng cây để tạo thêm màu xanh cho vườn cây của gia đình, hơn nữa để nhắc nhở em hưởng ứng lời kêu gọi trồng cây mà Bác Hồ kính yêu đã từng phát động. Năm nay, mẹ bảo em: “Mùa xuân này, con sẽ tự tay trồng một cây đào và chăm sóc nó thật tốt để mỗi năm Tết đến, xuân về cả gia đình ta sẽ có cành đào đón Tết con nhé”.

Cây đào em trồng được bố em xin ở vườn bà nội từ mấy ngày trước, khi mới đưa về, nó trông rất khẳng khiu và yếu ớt. Em đưa cây đào ra trước vườn nhà, đào một hố đất để trồng cây. Em nhẹ nhàng bỏ cây xuống rồi xới đất vun gốc cho cây, thân cây nhỏ xíu, chỉ bằng ngón tay út của em, cao khoảng 80 xăng ti mét, trên ngọn cây lưa thưa mấy chiếc lá non xanh biếc hình mũi mác.

Sau khi trồng cây xong, em tưới nước cho cây và lấy mấy thanh tre rào xung quanh che chắn cho cây. Hằng ngày, em thường ra ngắm cây, em có cảm giác mỗi ngày cây một khác. Mới hôm nào, những chiếc lá trông có vẻ buồn buồn khi phải xa cây đào mẹ thì hôm nay, chúng có vẻ tươi tỉnh hơn, tràn trề sức sống dưới ánh nắng mùa xuân.

Em nghĩ: mình sẽ chăm sóc cây thật tốt. Bây giờ cây còn bé xíu thế này, nhưng chỉ một thời gian nữa, cây sẽ lớn lên, thân cây chuyển sang màu nâu và có nhiều cành, nhiều lá. Lúc đó em sẽ chăm bón cây thật tốt để cây cho thật nhiều hoa, gọi thật nhiều ong bướm, chim chóc về, vườn nhà em sẽ đẹp như vườn cây của ông bà nội. 

Em rất thích cây đào của em, ngày ngày chăm sóc cho cây, em thầm nói với cây: hãy lớn nhanh cây ơi, mùa xuân đang đợi chúng ta. Và bỗng nhiên em nhớ đến bài thơ ”Bài hát trồng cây” của nhà thơ Bế Kiến Quốc:

“Ai trồng cây,
Người đó có hạnh phúc.
Mong chờ cây.
Mau lớn theo từng ngày…”

Cây hoa hồng còn non

Những ngày còn bé, em ở cùng với ông bà nội. Bà nội em là người rất thích hoa. Bởi vậy, bà thường mua những giống cây non ở chợ về trồng tại góc vườn nhỏ phía trước nhà. Biết bao nhiêu loại hoa đẹp nhưng em thích nhất vẫn là những gốc hoa hồng nhỏ xíu mà bà em thường mua để trồng ở mảnh đất đầu nhà.

Hôm ấy, bà đi chợ về, mang theo một gốc cây nhỏ màu xanh, nhưng bé chỉ bằng ngón tay út của em mà thôi. Quanh thân chỉ có những chiếc gai nhỏ, nhưng các bạn được coi thường những chiếc gai nhỏ ấy nhé. Chúng bảo vệ cả cây hoa khỏi những chú sâu phá hoại. Và khi trưởng thành, trở thành những cây hoa hồng lớn, những chiếc gai ấy trở nên cứng hơn bao giờ hết.

Trên thân, những cành hoa nhỏ bằng que tăm vươn ra một cách yếu ớt nâng những chiếc lá non bên mình. Lá hoa hồng được bao phủ bở một lớp răng cưa mỏng ở bên ngoài. Lá có màu xanh nhạt, nhưng khi lớn hơn thì màu xanh nhạt sẽ chuyển thành màu xanh thẫm hơn và những chiếc răng cưa cũng sắc bén hơn. Bà dỡ cây hoa một cách nhẹ nhàng, cẩn thận ra khỏi túi bóng trắng và gọi ông để ông trồng xuống đất nhà mình.

Ông nội bắt đầu cầm lấy cuốc và xới đất ở dưới lên tạo thành một hình lõm vừa phải cho cây trụ vững dưới đất lâu dài. Sau đó, ông đặt cây non xuống và vun đất xuống, đắp một ụ đất nho nhỏ vào gốc cây. Giúp cho cây càng thêm chắc chắn. Nhiệm vụ của em là tưới nước cho cây để cây nhanh lớn và ra hoa, tỏa hương thơm cho đời.

Chỉ sau một tuần được chăm sóc mà cây lớn hẳn. Những chiếc lá trở nên đậm màu hơn, thân cũng cứng cáp hơn. Bà bảo, hoa hồng nhanh lớn lắm, chỉ sau một khoảng thời gian nữa được chăm sóc, cây sẽ lớn và có hoa thơm. Em rất thích cây hoa hồng của bà. Mỗi lần tưới cây, em lại thầm mong cây nhanh lớn nhanh để em có thể ngắm vẻ đẹp của những bông hoa hồng ngát hương.

Cây xoài mới mọc

Buổi sáng xuân mới đẹp làm sao. Mưa phùn nhè nhẹ rơi trên mái tóc em. Trên đường đi học về em đã phát hiện thấy một mầm cây xoài mới mọc.

Thoáng nhìn nó thấp lùn nhỏ tí như cây nấm que mẹ mua ở chợ về chỉ khác là toàn thân nó xanh tuyền, trên đầu nó hai lá mầm vẫn chưa lột khỏi vỏ hạt. Hai ba hôm sau nhờ mưa xuân tiếp sức cái mầm cây ấy bật lớn thật nhanh thì ra nó chính là mầm một cây xoài.

Em xin với mẹ mang mầm cây xoài ấy về trồng trong vườn nhà. Vì cây còn non quá sợ nhỡ có ai đi qua không để ý dẫm bẹp nên mẹ lấy rào cắm xung quanh gốc cây để đánh dấu. Ngày qua ngày cây đã bắt đầu lớn ban đầu từ hai lá mầm những chiếc lá bắt đầu vươn dài ra.

Thế rồi thấm thoát thời gian trôi đi rất nhanh cây xoài mỗi ngày một lớn, cây xoài giờ đã cao khoảng một mét hai. Thân cây nhỏ tí ngày nào giờ đã to bằng ngón chân cái. Lớp vỏ ngoài từ màu xanh non giờ đã dần chuyển sang sẫm màu. Sợ đến mùa mưa cây không thể chống đỡ được với gió mẹ đã dùng tre cắm và buộc chặt vào thân cây để tránh cho cây khỏi nghiêng ngả.

Qua mùa mưa thân cây cứng cáp hẳn nhiều cành lá mọc thêm ra cây giờ đây đã xòe tán  cho bóng mát. Em coi cây xoài như người bạn. Em thầm hứa sẽ chăm chút mầm cây này thật tốt để cây sẽ ngày càng phát triển và sớm cho quả ngọt.

Cây cam sành nhỏ

Nhà em có một khu vườn rất rộng, trong đó có những luống rau của mẹ, cây cảnh của bố và những cây ăn trái của bà như: cây xoài, cây nhãn, cây vú sữa, và có rất nhiều cây cảnh của ông. Trong chuyến đi công tác Hà Giang vừa qua, khi về bố em đã mang theo rất nhiều những cây cam sành nhỏ, nó còn là những cây non nên bố em đã phải rất cẩn thận mới mang nó về được đến nhà.

Bố em trồng nó ở một góc vườn, nơi đất rộng nhất và không có những chú gà vào kiếm ăn, bổ lá. Cây non mà bố em mang là giống cam sành Hà Giang, đây là một loại cam nổi tiếng ở Hà Giang, khi chín quả sẽ rất mọng nước và ăn rất ngọt. Mẹ em cũng rất hay mua những quả cam này về ăn, nhưng bây giờ bố em đã mang cây non này về, tương lai nó sẽ rất ra nhiều quả ngọt, mẹ em cũng không cần phải mua nữa, em thì có thể thoải mái thưởng thức.

Nghĩ đến việc cây cam sẽ lớn nhanh, đơm hoa kết trái thì em rất vui mừng. Bố em mang về hai cây cam non, vì còn nhỏ nên chúng cũng thấp hơn những cây cam bình thường rất nhiều, nó chỉ cao tầm năm mươi xăng ti mét. Thân cây cũng rất nhỏ, lá mọc thưa và chưa có quả.

Vì bố em đi đường rất xa mới có thể về đến nhà nên cây cam được bọc rất cẩn thận, dưới rễ của cây cam non này có một túi đất nhỏ, bố em nói phải để đất trong vồng đất như vậy thì cây cam mới có thể sống được. Khi được mang về vườn, bố em cũng chỉ bóc lớp vỏ ni lông bên ngoài ra, còn đất ở rễ bố em để nguyên và cho xuống hố trồng.

Trước khi trồng cây, em và bố đã phải ra vườn dọn sạch cỏ một khu đất, sau đó bố em xới chỗ đất ấy lên khoảng một gang tay, đất cũng được bố em dùng cuốc làm cho tơi ra. Sau khi đào hố và làm tơi đất thì bố em cho hai cây cam non xuống hố, sau đó cẩn thận đắp lại đất nền, giữ cho những cây non này không bị ngả sang các bên.

Hai cây cam được bố em trồng cách xa nhau, vì bố em nói nay mai hai cây này lớn lên rồi, cành lá um tùm sẽ cọ vào nhau, như thế sẽ không được nhiều quả. Sau khi đã trồng xong, em và bố cùng nhau dùng nước tưới cho hai cây non này. Lượng nước tưới cũng vừa đủ, vì cây non còn rất yếu, không thể tưới nhiều, như thế sẽ bị ngập úng, cây sẽ dễ chết hơn.

Từ hôm cùng bố trồng hai cây cam ở vườn. Ngày nào em cũng ra vườn tưới cây cho chúng, em thấy vui lắm và mong sao cho hai cây cam này lớn thật nhanh, cho những trái quả thơm ngon, mọng nước, để em và mọi người trong gia đình có thể thưởng thức.

Ngày ngày chăm sóc của hai cây cam nhỏ em thấy rất vui và thú vị, mỗi ngày ra vườn là em lại thấy hai cây cam lớn hơn một chút. Nếu cứ phát triển nhanh như vậy thì không mấy chốc hai cây cam sẽ trưởng thành, phát triển to lớn và sẽ đơm hoa, kết trái. Những trái cam chín mọng, thơm ngon mà em vẫn tưởng tượng, hình dung sẽ trở thành sự thật. 

Cây phượng non

Hôm nay đã là mùng 4 Tết rồi chỉ còn một ngày nữa là đi học. Sáng nay em dậy thật sớm để học bài chuẩn bị cho ngày mai đến lớp. Buổi sáng xuân mới đẹp làm sao. Mưa phùn nhè nhẹ rơi trên mái tóc em, tiết trời không lạnh buốt như mấy hôm trong Tết nữa. Khung trời ngoài cửa sổ bỗng trở nên thật rạo rực. Ô kìa! Một cái mầm cây mới mọc.

Thoáng nhìn nó thấp lùn nhỏ tí như cây nấm que mẹ mua ở chợ về chỉ khác là toàn thân nó xanh tuyền, trên đầu nó hai lá mầm vẫn chưa lột khỏi vỏ hạt nên nó có dáng một chú lính chì đội mũ sắt trông thật là ngộ nghĩnh. Hai ba hôm sau nhờ mưa xuân tiếp sức cái mầm cây ấy bật lớn thật nhanh thì ra nó chính là mầm cây phượng.

Em liền hỏi ý kiến mẹ đưa mầm phượng lên trồng ở trước cửa nhà để ngày ngày cây phượng con có thể nhìn thấy cây phượng mẹ đối diện bên đường, mẹ đồng ý ngay. Thế là em và mẹ đưa cây non từ cửa sổ lên sân trước. Vì phượng còn non quá sợ nhỡ có ai đi qua không để ý bị dẫm bẹp nên mẹ và tôi lấy rào cắm xung quanh gốc cây để đánh dấu.

Ngày qua ngày phượng đã bắt đầu lớn. Ban đầu từ hai lá mầm, những tàu phượng bắt đầu vươn dài ra như răng lược trên đó những chiếc lá nhỏ li ti như lá me xanh non nhìn mà thích mắt. Thế rồi thấm thoát thời gian trôi đi rất nhanh cây phượng mỗi ngày một lớn, phượng giờ đã cao khoảng một mét hai.

Thân phượng nhỏ tí ngày nào giờ đã to bằng ngón chân cái. Lớp vỏ ngoài từ màu xanh non giờ đã dần chuyển sang sẫm màu. Sợ đến mùa mưa này phượng không thể chống đỡ được với  giông và gió bão nên mẹ tôi đã dùng tre cắm và buộc chặt vào thân phượng để phượng khỏi đổ.

Qua mùa mưa, phượng cứng cáp hẳn. Nhiều cành lá mọc thêm ra,  cây phượng giờ đây đã xòe tán cho bóng mát. Thu sang lá phượng rụng khắp khoảng đất trước sân nhà những chiếc lá nhỏ xíu vàng ươm tạo thành một tấm thảm vàng. Nhìn những lá phượng rơi trong gió em thầm nghĩ rồi một ngày không xa những bông phượng đỏ sẽ nở rực rỡ cả một khoảng trời.

Áp mình vào thân phượng em thầm mơ về một mùa hè rợp trời hoa. Em thầm hứa sẽ chăm chút  cây phượng này thật tốt để phượng sẽ làm đẹp cho ngôi nhà em.

Trả lời