Như Bác Hồ đã nói “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý”, bởi đó là nghề tạo nên giá trị lớn nhất cho xã hội, góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng ra các nhân tài với nhân cách, phẩm chất tốt đẹp để phục vụ đất nước. Từ xa xưa đến nay, trong hàng trăm nghìn thế hệ giáo viên đáng kính, theo bạn, những người thầy có cống hiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam là ai?

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888)

Nguyễn Đình Chiểu được biết đến qua hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng như: “Lục Vân Tiên”, “Dương Tử – Hà Mậu”, “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc”… với phong cách thơ văn thể hiện thái độ sống yêu ghét rõ ràng, đề cao chính nghĩa. Ông là một người con hiếu thảo, người thầy đáng kính và thầy thuốc có tâm. Cả đời ông hết mình dạy học và bốc thuốc cứu người, là người chí sĩ yêu nước, thương dân, dùng ngòi bút để làm vũ khí chống quân thù, khước từ mọi cám dỗ của của kẻ địch. Nguyễn Đình Chiểu được nhân dân ca tụng, yêu mến và là người khai mở cho dòng văn học yêu nước, chống xâm lược. 

Đặng Thai Mai (1902 – 1984)

Giáo sư – nhà văn hóa cách mạng Đặng Thai Mai được sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống yêu nước, do vậy ông đã giác ngộ được tình yêu quê hương, đất nước ngay từ sớm. Từ khi còn đi học cho đến khi kháng chiến chống thực dân Pháp, Đặng Thai Mai luôn tích cực tham gia các phong trào cách mạng, đồng thời tích cực tham gia giảng dạy. Thầy luôn luôn quan tâm tới công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ làm văn hóa, văn nghệ. Là người thầy vô cùng tâm huyết và nghiêm cẩn.

“La Sơn Phu Tử” Nguyễn Thiếp (1723 – 1804)

Quê hương của Phu tử Nguyễn Thiếp nổi tiếng là miền đất của nhiều bậc kỳ tài, trí sĩ – ngày nay là tỉnh Hà Tĩnh. Lớn lên trên mảnh đất hiếu học, Nguyễn Thiếp luôn thể hiện là người có tinh thần ham học hỏi, tìm tòi và nghiên cứu để mở rộng kiến thức. Có lẽ, chính bởi vậy nên thầy có sự hiểu biết sâu sắc về địa lý, thông hiểu thời thế và dự báo được các diễn biến của thời cuộc.
Một lòng muốn chuyên tâm vào việc mở rộng hiểu biết, truyền thụ kiến thức và đạo lý cho mọi người nên ông đã nuôi chí xa lánh thế tục, rong ruổi qua nhiều nơi để dạy học. Đi đến đâu phu tử cũng được mọi người yêu quý và kính trọng.
Ngưỡng mộ tài đức của Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ đã ba lần mời ông về phò giúp. Ông là người đóng vai trò quan trọng trong việc quân sự cho vua Quang Trung chiến thắng quân thanh. Khoảng cuối năm 1791, ông chính thức làm việc cho nhà Tây Sơn với cương vị Viện trưởng viện Sùng Chính và có nhiều đóng góp quan trọng cho nhà Tây Sơn. Với cương vị Viện trưởng ông đã đề ra nhiều cải cách về văn hóa, giáo dục và có công lớn trong việc đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt. Cùng với các đồng sự ông đã dịch nhiều bộ sách quan trọng từ Hán tự sang chữ Nôm. Những cống hiến của Nguyễn Thiếp cho thấy thầy có vị trí quan trọng trong nền giáo dục nước nhà.

Chu Văn An (1292 – 1370)

Chu Văn An không chỉ là một người thầy đáng kính mà còn được coi là người đầu tiên có công lớn trong việc truyền bá Nho học vào nước ta. Đỗ Thái học sinh (tiến sĩ đời Trần) nhưng ông không ra làm quan mà ở lại quê nhà tại huyện Thanh Đàm, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội) mở trường dạy dân.
Là người có học vấn uyên thâm, nhân cách cao thượng và đặc biệt tâm huyết nên học trò theo Chu Văn An học lên đến hàng nghìn người.  Ông cũng đã đào tạo ra nhiều học trò giỏi, nhân cách tốt như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Tiếng lành đồn xa, biết ông là người tài cao đức độ, vua Trần Minh Tông đã vời ông ra làm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám (tức Phó hiệu trưởng). Tại đây, thầy cũng đã đạo tạo và phò trợ vua mới Trần Hiến Tông lên ngôi, hết lòng mở mang Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của nước ta. Ông đã biên soạn ra giáo trình giảng dạy đầu tiên chính là “Tứ thư thuyết ước”.
Năm 1357, Minh Tông mất, gian thần kéo bè kéo đảng, vua Dụ Tông ăn chơi vô độ, nghe lời nịnh thần, nhân dân đói khổ lầm than, Chu Văn An đã dâng “Sớ thất trảm” đòi chém đầu 7 tên tham quan, nịnh thần nhưng không được chấp thuận. Chán nản trước thời cuộc, ông cáo quan về núi Phượng Hoàng, Chí Linh, hải Dương sống ẩn dật, lấy dạy học, làm thơ và nghiên cứu thuốc giúp dân làm thú vui đến khi mất.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( 1911 -2013)

Ngoài vai trò là một Đại Tướng, một nhà chỉ huy quân sự tài ba, nổi tiếng toàn thế giới, Võ Nguyên Giáp còn được biết đến với vai trò thầy giáo dạy sử. Từng là thầy giáo lịch sử, do vậy, đại tướng luôn có sự quan tâm sâu sắc tới sự nghiệp giáo dục. Theo Người, giáo dục không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực mà còn có sức mạnh nâng cao giá trị văn hóa, nâng cao phẩm chất đạo đức và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Với vai trò là nhà giáo, ông đã có những đóng góp to lớn cho ngành giáo dục Việt Nam nói chung và bộ môn lịch sử nói riêng với những kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy có giá trị. 

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585)

Nhà giáo Nguyễn Bỉnh khiêm được biết đến với tên quen thuộc là Trạng Trình, ngoài ra ông còn được coi là nhà tiên tri kỳ tài của nước ta. Xuất thân trong một gia đình nội ngoại đều có học vấn uyên thâm, do vậy ngay từ bé, cụ đã bộc lộ là người thông minh xuất chúng. Tuy nhiên, như các vị hiền nhân khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không hứng thú chốn quan trường. Mãi tới thời Mạc Đăng Doanh ông mới ứng thi và đỗ Trạng Nguyên, hết lòng phò vua, giúp nước. Sau khi Mạc Thái Tông mất, triều chính nhiễu nhương, gian thần lộng hành, cụ đã dâng sớ trị tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp thuận. Bởi vậy, năm 1542, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xin về quê làm trí sĩ, mở trường dạy học tại quê nhà ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ đã đào tạo ra nhiều học trò nổi tiếng như Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan…

Hồ Chí Minh (1890 – 1969)

Hồ Chí Minh được cả thế giới biết đến với cương vị một vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, Bác còn là một nhà thơ nổi tiếng, nhà giáo tâm huyết. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành được học trò quý mến vì Người luôn hết lòng với học sinh và có phong cách giáo dục nhẹ nhàng, ân cần mà thấm thía. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, trên cương vị Chủ tịch nước, với nhiều công việc còn bộn bề khi nước vừa độc lập nhưng Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp giáo dục. Người tâm niệm “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, bởi vậy ngay khi vừa độc lập, Hồ Chủ Tịch đã kêu gọi toàn dân học chữ quốc ngữ, xóa mù chữ cho nhân dân. Trong cuộc đời làm Chủ tịch lúc nào Bác cũng gửi gắm kỳ vọng vào các thế hệ thầy và trò, luôn tâm huyết và quan tâm tới sự nghiệp “trồng người”. Trong ngày khai giảng năm học đầu tiên Hồ Chủ tịch đã viết thư gửi học sinh trên toàn quốc, mong các em chuyên tâm học hành để giúp Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Từng câu từng chữ trong bức thư  của Người đã in sâu trong tâm trí nhiều lớp thế hệ học sinh, sinh viên, định hướng con đường phát triển đất nước phải từ con đường giáo dục. 

Giáo sư Nguỵ Như Kon Tum (1913 -1991)

Nguỵ Như Kon Tum – hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với tài năng xuất chúng, năm 1932, ông nhận được học bổng du học ở Trường Đại học Sorbonne, Paris. Bằng sự thông minh và lòng say mệ học tập, cùng ý chí quyết tâm đạt tới đỉnh cao khoa học, sau 6 năm, Nguỵ Như Kon Tum đã giành được bằng thạc sĩ Lý – Hoá vào hàng xuất sắc. Sau khi về nước, năm 1941, thầy giảng dạy tại trường Bưởi, cùng các đồng sự giảng dạy tất cả các bộ môn ở bậc Cao đẳng Tiểu học, khởi đầu cho nền giáo dục bằng tiếng Việt ở Việt Nam. Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, giáo sư được giữ cương vị Tổng giám đốc Trung học vụ , cũng chính thời kỳ này là giai đoạn thầy dốc hết sức xây dựng nền Trung học trên quy mô cả nước và biên soạn nên bộ sách Vật lý cho các trường. Không chỉ là được biết đến với vai trò là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà giáo sư cũng góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng Hệ thống Đại học ở phía Nam sau năm 1975. Thầy hết lòng vì sự nghiệp “trồng người” tới cuối đời, khi ngót 80 tuổi, giáo sư vẫn tham gia biên soạn phần Vật lý của Từ điển bách khoa Việt Nam.

Lê Qúy Đôn (1726 – 1784)

Thầy Lê Quý Đôn là một vị quan, một nhà giáo và một nhà khoa học lỗi lạc thời Hậu Lê. Từ bé ông đã nổi tiếng là người thông tuệ, ham học hỏi, có trí nhớ vô cùng tốt và được ca tụng là “thần đồng”. Với sự hiểu biết rộng rãi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, lê quý đôn đã làm cho các sứ thần Triều Tiên vô cùng nể phục và khen ngợi. Bên cạnh đó, ông còn là một người thầy vô cùng tài năng, đức độ. Dưới sự chỉ dạy của ông nhiều học trò đã thành công và giữ các cương vị quan trọng trong triều đình: Bùi Huy Bích, Bùi Bích Tựu… Năm 1784, thầy lâm bệnh qua đời và để lại cho hậu thế một kho tàng sách vô cùng giá trị ở nhiều lĩnh vực khác nhau: địa lý, văn thơ, lịch sử…

Trả lời