Bộ phim hoạt hình Spirited Away (hay còn được biết đến với tên tiếng Việt là Vùng đất linh hồn) do đạo diễn, biên kịch người Nhật Bản Miyazaki Hayao hoàn thành. Bộ phim được công chiếu vào năm 2001 và được đánh giá là bộ phim hoạt hình Anime hay và ý nghĩa nhất của Studio Ghibli. Không chỉ thành công ở Nhật Bản, bộ phim còn gây sốt toàn thế giới bởi những hình ảnh chất lượng cùng với ý nghĩa thiết thực mà bộ phim mang đến cho người xem. Spirited Away còn được giải Oscar cho hạng mục Phim hoạt hình hay nhất tại mùa giải lần thứ 75, giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Berlin. Hãy cùng Toplist khám phá những ý nghĩa ẩn giấu bên trong bộ phim nhé!

Bố mẹ không hoàn hảo

Ngay từ mở đầu của bộ phim, tác giả đã xây dựng hình ảnh bố mẹ của Chihiro là những người đãng trí, tham ăn, không quan tâm đến ý kiến của con cái và là coi trọng tiền bạc lên trên. Khi đưa cả nhà đến nhà mới, bố Chihiro đã đi nhầm đường khiến cả nhà bị lạc và còn lái xe rất ẩu.
    Dường như bố mẹ đều hay đãng trí nhưng họ lại luôn bắt con cái họ hoàn hảo- điều đó là không thể với một đứa trẻ. Giống như rất nhiều bố mẹ khác, bố mẹ Chihiro cũng luôn gạt qua các ý kiến của cô và thường làm theo ý mình.Việc này sẽ tạo nên cho trẻ em áp lực trước những lựa chọn không mong muốn mà bố mẹ áp đặt. Và đôi khi việc bỏ qua các ý kiến, sở thích, mong muốn của con cái cũng khiến bố mẹ phải trả giá rất đắt. Và việc không lắng nghe ý kiến của Chihiro, bố mẹ cô bé đã bị biến thành heo. Còn như ở ngoài là trường hợp con cái có năng khiếu về họa nhưng lại bị bắt ép học các môn tự nhiên.
    Chính sự bắt ép mà bố mẹ cho là đúng đó đã giết chết ước mơ và tài năng của con mình mà không hay biết. Coi trọng tiền bạc, khi cô bé nói:”họ sẽ nổi giận khi chúng ta ăn mà không hỏi trước” bố mẹ cô bé đã gạt phăng và trả lời rằng “không sao đâu, khi họ về chúng ta sẽ trả tiền…Đừng lo bố mang theo tiền và cả thẻ tín dụng nữa”.
    Chính bố mẹ là những người dạy con cái biết cách lễ phép. Ấy vậy mà, chính họ đôi khi cũng quên mất cả phép lịch sự. Tác giả dường như đang cảnh tỉnh các bậc mẹ cha về cách cư xử của chính bản thân họ. Khi mà cách ứng xử đó lại có ảnh hưởng quan trọng đến nhận thức và lối sống của trẻ em – thế hệ tương lai của tế giới. 

Trẻ em cần tự lập

    Cô bé Chihiro được Yubaba nhận xét là đứa trẻ yếu đuối, lười biếng và chỉ biết khóc không biết làm gì, là kẻ vô dụng mà bà ta không muốn nhận. Nhưng vì muốn cứu bố mẹ và thoát khỏi đây, cô bé đã phải đối mặt với rất nhiều chuyện mà trước đây chưa từng được thấy cũng như phải làm. Cô phải quét dọn bồn tắm với rất nhiều rác, phải cọ bồn tắm “két” bẩn… Cô cũng tủi thân đến nỗi khóc nấc lên bên Jin và bên Haku khi thăm bố mẹ về.Chính ước muốn rời khỏi đây và cứu bố mẹ mãnh liệt đã thôi thúc cô làm việc và còn làm tốt hơn thế. Cô bé đã dần dần trưởng thành hơn và suy nghĩ chín chắn hơn.
    Một ví dụ điển hình nữa phải kể đến Boh – con trai mụ phù thủy Yubaba. Vì được mẹ quá cưng chiều nên cậu nhóc đâm nhõng nhẽo, ích kỉ và ỷ lại. Tuy Boh ngoại hình “khổng lồ” hơn cả bà mẹ nhưng cậu chẳng thể đứng dậy mà chỉ bò loanh quanh trong căn phòng của mình.Sau này, Boh bị Zeniba biến thành chuột. Trải qua một chuyến đi thú vị với Chihiro đến nhà Zeniba, cậu bé đã biết tự đứng trên đôi chân chính mình và đã biết quan tâm đến người khác hơn.
    Đó là một bài học dành cho các bậc phụ huynh cũng như trẻ em về cách sống tự lập, không ỷ lại mà Miyazaki muốn nói. Les Brown cũng nói: ” Hãy có trách nhiệm với cuộc đời mình. Hãy biết rằng chính bạn sẽ là người đưa bạn tới nơi bạn muốn đến chứ không phải ai.”

Tin vào chính mình

Trong phần kết, khi Chihiro phải đưa ra quyết định xem ai là bố mẹ mình trong đống heo trước mặt, cô bé đã tự tin, quả quyết rằng cha mẹ mình không có trong đó. Dù bị Yubaba hỏi đi, hỏi lại nhằm làm phân tâm thì chihiro vẫn chọn tin tưởng quyết định của mình và không thay đổi. Chính sự tự tin đó đã giúp cô bé được đoàn tụ với bố mẹ.

Quyền trẻ em

    Miyazaki không chỉ đề cập đến vấn đề môi trường trong Spirited Away mà ông còn đề cập đến vấn đề nóng được thế giới quan tâm là quyền trẻ em. Ông muốn nói đến sự bóc lột sức lao động của trẻ em. Ở đây nhân vật đại diện cho những kẻ bóc lột sức lao động của trẻ em chính là Yubaba – mụ phù thủy tham lam cai quản vùng đất linh hồn. Bà ta bắt Chihiro làm việc như những nhân viên của mình và sai cô những công việc không tưởng. Đây chính là hành động đáng phê phán mà tác giả muốn phản ánh. Nếu như ở đời thực họ ràng buộc các trẻ em làm việc cho mình bằng đòn roi và những lời dọa nạt thì trong tác phẩm của ông Yubaba cũng dọa biến cô bé thành heo hoặc than đá và lấy mất tên để ràng buộc Chihiro cũng như người làm.
    Với một người đôn hậu, quan tâm đến môi trường và đặc biệt yêu quý trẻ em như tác giả Miyazaki, ông kịch liệt phản đối việc bóc lột sức lao động trẻ em. Chính vì vậy, ông đưa nó vào trong bộ phim của mình thay cho lời muốn nói. Và mong muốn trẻ em có đầy đủ quyền của mình, được học hành, được vui chơi và hưởng các phúc lợi xã hội…

Người tốt luôn tồn tại dù cho thế giới đó có quái dị

    Nhân vật người tốt ở đây chính là cậu bé pháp sư Haku, ông Kajima – Nô lệ của những cái nồi đun nước, cô hầu gái Jin, vô diện, phù thủy Zeniba… Nếu không nhờ có Haku giúp đỡ thì Chihiro khó có thể tồn tại trong thế giới mà chính cô bé cũng không tin là thật – một thế giới quái dị. Thoạt nhìn ông Kamaji có vẻ đáng sợ, xa cách, tuy nhiên tính cách của ông lại không như thế. Thực ra ông Kamaji là người hiền lành, tốt tính, và đã giúp đỡ Chihiro rất nhiều trong thời gian cô bé sống ở đây. Hình ảnh ông lão sáu tay Kamaji tạo cho ta cảm giác về người tốt không liên quan đến bề ngoài và bản chất của họ. Và Jin, một cô hầu gái luôn bị ức hiếp và thường bị mọi người chê cười chính là người ở bên chăm sóc, chỉ dạy Chihiro cách sống và làm việc khi cô làm việc cho bà phù thủy tham lam Yubaba. Ngay cả ma Vô Diện cũng giúp đỡ cô bé trong công việc cọ tẩy bồn tắm khi giúp cô bé có những tấm thẻ thảo dược quý. Ma Vô Diện được cho là kẻ tham lam và nguy hiểm nhưng khi ở bên Chihiro – một tâm hồn trong sáng, ta thấy một Vô Diện chậm rãi, từ tốn và hiền lành. 
    Miyazaki từng nói rằng cuộc sống không chỉ đơn giản là “cái thiện thắng cái ác”, hay cái gì cũng đẹp; mà trong cuộc sống này, cái xấu có, cái tốt có; chúng ta luôn sống chung với tốt và xấu, nên điều quan trọng là nhận ra cái tốt. Sẽ tới lúc trẻ em lớn lên và đụng phải những cái gì kỳ cục, khó hiểu, nhưng từ từ rồi chúng sẽ hiểu. Chỉ cần để trẻ con biết cách nhận ra người tốt, biết lao động, thì chúng sẽ trở nên tự tin và sẽ tỏa sáng dù chúng có bị ép phải sống ở đâu đi chăng nữa. Đó là những gì tác giả muốn gửi gắm đến các em nhỏ qua thước phim sống động của mình.

Vấn đề ô nhiễm môi trường

Miyazaki là một đạo diễn, biên kịch tuyệt vời khi mỗi bộ phim của ông đều phản ánh chính xác thực tại của xã hội. Ở đây chính là vấn đề ô nhiễm môi trường mà hiện nay rất nhiều quốc gia đang phải đau đầu để đưa ra các giải pháp bảo vệ môi trường. Ông lấy hình ảnh là một vị thần sông nổi tiếng bị ô nhiễm nặng và bốc mùi. Sự ô nhiễm đó kinh khủng đến mức không một nhân viên nào muốn phục vụ ông khi đến phòng tắm của Yababa. Nó còn có thể khiến một bát cơm bị ôi thiu ngay lập tức khi cách xa cả mấy mét mà jin mang đến cho Chihiro.
    Chính Haku cũng là một vị thần cai quản sông, có tên thật là Nigihayami Kohaku Nushi. Nhưng do Sông Kohaku bị con người lấp đi để xây nhà nên Haku không còn chỗ ở, cậu phải lang thang đến vùng đất linh hồn và được Yubaba thu nhận làm người học việc.
    Vị thần bị ô nhiễm khiến cho cơ thể toàn bùn, biến dạng và bước đi khó nhọc. Có vẻ như con người đã làm các vị thần sông trở nên xấu xí bởi cách xả rác vô ý thức của mình. Ngài còn bị Yababa hiểu nhầm là một linh hồn “ô uế” cho đến khi được Chihiro giúp đỡ móc ra một chiếc xe đạp. Con người quả thật cần phải xem xét lại chính những hành động của mình.

Biết lỗi và biết sửa sai là một đứa bé ngoan

    Khi biết Haku tuân lệnh Yubaba cướp con dấu vàng của Zeniba, Chihiro vội vã muốn tận nơi ở của bà để trả lại chiếc ấn và mong Haku hồi phục sau khi bị ‘người giấy” tấn công. Cô bé hỏi ông Kamaji và mong muốn được đến trả lại con dấu dù chuyến tàu đến đó không có chuyến về. Cùng với Vô Diện tìm đến nhà Zeniba ở cánh rừng nơi trạm dừng tàu số sáu, có tên Đáy Đầm lầy, Chihiro đã khiến cho chị gái song sinh của Yubaba cảm thấy mến yêu bởi lòng dũng cảm, tấm lòng trong sáng và nhân cách tuyệt vời. Zeniba cho cây đèn ra chỉ đường và đón Chihiro niềm nở. Bà rót trà, mời bánh và trò chuyện với cô cùng các người bạn mà cô mang theo. 
Zeniba đã từng rất tức giận khi biết Haku lấy trộm con dấu vàng. Nhưng khi thấy Haku biết sai và cúi đầu xin lỗi, bà liền cười xòa tha thứ.
    Phải chăng tác giả đang muốn nói với người xem về lòng trung thực và biết sửa sai khi phạm lỗi? Và sửa sai không bao giờ là quá muộn? Nhân cách cao đẹp của Chihiro chính là tấm gương sáng mà Miyazaki muốn trẻ em noi theo qua bộ phim này.

Chỉ có tâm hồn trong sạch mới cảm hóa được sự tham lam

    Như ở trên đã nói, ma Vô Diện sống nhờ vào lòng tham của con người. và thể hiện rõ ở cách nó biến ra vàng dụ lòng tham của những nhân viên trong phòng tắm để được phục vụ. Khi Vô Diện ăn hết thức ăn, hắn quay sang ăn một vài nhân viên nhà tắm và gây nên náo loạn cho mọi người. Điều duy nhất cảm hóa Vô Diện là một tâm hồn trong sáng, không bị vấy bẩn vì lòng tham, giống như tâm hồn cô bé Chihiro vậy. Sau khi ăn phải mẩu bánh thuốc của Chihiro (do thần Sông tặng), Vô Diện đã nôn ra tất cả những gì hắn đã ăn, kể cả 3 nhân viên nhà tắm mà hắn đã nuốt và giận dữ đuổi theo Chihiro. Chihiro đã dụ được Vô Diện đuổi theo mình ra biển, xa khỏi phạm vi nhà tắm, nơi mà hắn trở lại tính cách thực của mình: chậm rãi, từ tốn và hiền lành. Cuối cùng, Vô Diện trở thành người giúp việc cho phù thủy Zeniba, người chị song sinh của Yubaba.
    Chihiro đã cảm hóa được một linh hồn tham lam qua chính tâm hồn trong sáng, thánh thiện của mình. Và thành công đưa Vô Diện trở về đúng bản chất của mình: hiền lành, dễ mến.

Trả lời