Mùa hè nắng nóng, nhiệt độ tăng cao khiến sức đề kháng của trẻ bị giảm sút, đây cũng là điều kiện rất tốt để các loại vi khuẩn, virut phát triển mạnh, tấn công và gây bệnh cho trẻ. Top 8 bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ dưới đây sẽ mang đến cho phụ huynh những kiến thức cần thiết khi chăm sóc trẻ vào mùa hè.

Bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bệnh lây nhiễm do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây ra. Bệnh lây lan rất nhanh khi người bệnh ho, sổ mũi,… virus theo nước mũi, nước bọt phát tán trong không khí. 

Triệu chứng của bệnh thủy đậu: ban đầu trẻ có biểu hiện sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ, cá biệt có một số trẻ không có biểu hiện ở giai đoạn này. Sau đó bắt đầu xuất hiện các nốt ban hồng, sau vài ngày mới xuất hiện các nốt đậu. Các nốt đậu này ban đầu có chứa dịch trong suốt, sau đó chuyển dần sang mủ đục, rồi đóng vảy dần. Sau khi các bọng nước khô, đóng vảy sẽ bay đi rất nhanh và không để lại sẹo nếu không có biến chứng, trẻ dần hết sốt, ăn uống trở lại và bình phục.

Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh thủy đậu, mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để khám và hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc hạ sốt, thuốc bôi ngoài da. Mẹ nên chú ý vệ sinh cơ thể cho trẻ, dùng nước ấm, khăn mềm lau nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các bọng nước.
Để phòng tránh bệnh thủy đậu ở trẻ, tốt nhất mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để tiêm chủng ngừa bệnh.

Bệnh tiêu chảy

Hệ tiêu hóa ở trẻ nhỏ còn khá yếu, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng, rất dễ mắc bệnh trong đó nhiều nhất là bệnh tiêu chảy nếu ăn phải thức ăn lạ, không đảm bảo. 

Mùa hè thức ăn nhanh bị ôi thiu, vi khuẩn, ruồi muỗi phát triển mạnh, nếu thức ăn không được chế biến và bảo quản cẩn thận rất dễ bị nhiễm khuẩn, gây nguy hiểm cho trẻ. Những trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột cũng là đối tượng rất dễ mắc bệnh tiêu chảy.

Mẹ có thể nhận biết biểu hiện của bệnh thông qua sự thay đổi thói quen đi đại tiện của trẻ: số lần tăng lên hoặc giảm đi bất thường, phân lỏng hoặc rắn hơn, có chứa chất nhầy, mùi tanh,… Trẻ có thể gặp phải tình trạng đau bụng, cơn đau âm ỉ, hoặc theo từng cơn. Nếu ở trẻ sơ sinh, mẹ nên chú ý khi trẻ quấy khóc nhiều, kiểm tra để nhanh chóng nhận biết bệnh của trẻ.

Để phòng tránh bệnh tiêu chảy ở trẻ vào mùa hè, phụ huynh nên đặc biệt chú ý vấn đề vệ sinh, tắm, lau người sạch sẽ cho trẻ, đối với trẻ lớn nên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Thức ăn của trẻ phải được đảm bảo vệ sinh, chế biến và bảo quản đúng cách.

Bệnh viêm màng não ở trẻ

Viêm màng não là một trong số những bệnh đặc biệt nguy hiểm cho trẻ nhỏ vào mùa hè mà phụ huynh cần lưu ý. Nguyên nhân gây bệnh là do trẻ tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm vi khuẩn như: đồ chơi, bình sữa,… do không khí bị nhiễm khuẩn hay do biến chứng của một số bệnh khác như thủy đậu, chân tay miệng…

Trẻ bị viêm màng não có các biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, rối loạn ý thức, hôn mê, có thể bị liệt nếu tình trạng bệnh nặng. 

Khi trẻ có những biểu hiện của bệnh viêm màng não, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bệnh chân tay miệng ở trẻ

Bệnh chân tay miệng là một trong những bệnh ở trẻ em rất dễ bùng phát thành dịch vào mùa hè, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Nguyên nhân gây bệnh chân tay miệng ở trẻ là do virut cấp tính thường lây qua đường tiêu hóa. Trẻ bị bệnh chân tay miệng thường sốt, khó ngủ, thường xuyên quấy khóc, sau đó trên cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện những bọng nước dễ vỡ, mọc nhiều nhất là tại vùng chân, ta

Khi trẻ có các biểu hiện của bệnh chân tay miệng, mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để được khám và tư vấn điều trị. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị chân tay miệng, thuốc chỉ có tác dụng điều trị các triệu chứng của bệnh, cho trẻ uống thuốc hạ sốt và vệ sinh cơ thể theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trẻ bị chân tay miệng cần được nghỉ ngơi ở nơi thoáng, mát, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, cho trẻ ăn các thức ăn được chế biến lỏng, mềm, dễ ăn, bổ sung chất đạm, béo, chất xơ và vitamin,… để giúp tăng sức đề kháng cho trẻ.
Vệ sinh sạch sẽ cơ thể trẻ, môi trường xung quanh, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng vào khẩu phần ăn của trẻ là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh chân tay miệng cho bé yêu.

Bệnh sốt xuất huyến

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virut gây nên, muỗi chính là vật trung gian truyền bệnh. Mẹ có thể nhận biết trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết thông qua các biểu hiện như: trẻ sốt cao trong nhiều ngày, đau đầu dữ dội, hạ sốt xong lại sốt lại, sốt không kèm theo sổ mũi, ho, tiêu chảy. Trên cơ thể xuất hiện các nốt ban đỏ, khi kéo dãn da không biến mất, có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết chân răng, đi ngoài ra máu.

Bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị, mẹ nên chú ý hạ sốt cho trẻ, thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể để tránh tình trạng sốt cao có thể dẫn đến co giật, mê sảng, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng và nước cho trẻ.

Bệnh sốt xuất huyết nếu được chăm sóc đúng cách sẽ khỏi sau từ 7 – 10 ngày, tuy nhiên nếu bệnh tiến triển nặng có thể dẫn đến xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, nguy hiểm đến tính mạng. Mẹ nên chủ động phòng tránh bệnh cho trẻ bằng cách vệ sinh thân thể trẻ và môi trường xung quanh, mắc màn khi đi ngủ để không cho muỗi bay vào.

Rôm sảy ở trẻ

Đứng đầu trong danh sách những bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè phải kể đến bệnh rôm sảy, đây là bệnh có tỉ lệ mắc rất lớn, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh do các nang chân lông bị viêm, trồi lên bề mặt da tạo nốt đỏ, ngứa. Bệnh xảy ra khi vệ sinh da không tốt trong thời tiết nắng nóng, các chất bẩn gây bít tắc lỗ chân lông dẫn đến viêm. 

Để điều trị bệnh rôm sảy ở trẻ nhỏ, mẹ nên đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh da hằng ngày cho bé, có thể sử dụng các loại lá như kinh giới, diếp cá nấu với nước để tắm cho bé, có tác dụng phòng và trị rôm sảy rất tốt. Nếu tình trạng rôm sảy nặng, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng các loại thuốc có chứa sterocorticoid cho bé.

Một trong những sai lầm của mẹ khiến tình trạng rôm sảy ở bé nặng hơn đó chính là việc sử dụng phấn rôm, khiến da bé không những không khô thoáng hơn mà còn khiến lỗ chân lông bị  bít, tắc làm tình trạng viêm nặng hơn.

Bệnh sởi ở trẻ

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất dễ bùng nổ thành dịch, đặc biệt là trong những môi trường đông đúc như các trường mầm non, tiểu học. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh qua đường hô hấp.

Biểu hiện của bệnh sởi ở trẻ là: trẻ bị sốt, xuất hiện các ban đỏ trên khắp cơ thể, có kèm theo các triệu chứng như: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp. Bệnh sởi ở trẻ nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ. 

Hiện nay vẫn chưa  có thuốc đặc trị bệnh sởi, các biện pháp chỉ có tác dụng điều trị các triệu chứng. Khi trẻ bị sởi mẹ nên chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho trẻ. 
Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh sởi ở trẻ là tiêm vắc-xin phòng bệnh, hiện nay vắc-xin phòng sởi có 2 mũi, bên cạnh đó mẹ cũng có thể đưa trẻ đến trung tâm y tế để tiêm phòng vắc-xin 3 trong 1 phòng quai bị, sởi, rubella.

Sốt virus

Biểu hiện của sốt virus ở trẻ là: trẻ sốt cao 39 – 40 độ C, kèm theo các biểu hiện như: đau nhức đầu, nhức mỏi cơ, quấy khóc liên tục, bú kém, bỏ ăn, khó ngủ…

Hầu hết các trường hợp sốt virus đều tự khỏi sau từ 5 – 7 ngày, không để lại di chứng do đây là bệnh khá lành tính. Tuy nhiên mẹ cũng nên thường xuyên theo dõi nhiệt độ và tình trạng của trẻ để tránh trường hợp trẻ sốt cao quá dẫn đến co giật. Khi trẻ xuất hiện các ban đỏ, có thể trẻ đã mắc một số các bệnh khác như: sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết.

Trẻ bị sốt virus thường rất mệt mỏi, mẹ nên bổ sung các chất dinh dưỡng thông qua đường uống, bổ sung đầy đủ nước. Nếu trẻ dưới 5 tuổi sốt cao trên 39 độ C, mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để được khám và hướng dẫn điều trị, tránh các tình trạng co giật, mê sảng. 

Trả lời