Tiết kiệm là thói quen tốt. Và điều quan trọng nhất khi bắt đầu là tạo hứng thú để tiết kiệm và có kế hoạch cụ thể. Bạn là sinh viên, hàng tháng vẫn được gia đình trợ cấp và có một khoản thu nhập nhờ công việc bán thời gian nhưng chi tiêu vẫn không đủ, tiền vẫn không cánh mà bay? muốn tiết kiệm tiền nhưng không biết bắt đầu từ đâu, hãy cùng .vn tìm hiểu nhé!

Tự nấu ăn, tự tập luyện thể duc buổi sáng

Sinh viên thường có tính ì cao. Ăn uống xong ngồi cắm cúi vào chiếc máy tính, smartphone cũng là nguyên nhân khiến nhiều bạn “phì cân”. Từ tập luyện thể dục thể thao, bạn sẽ tiết kiệm được số tiền kha khá thay vì đến các phòng tập gym. Tự nấu ăn tại nhà, sẽ giúp bạn tiết kiệm được tiền ăn ngoài, mà vẫn đảm bảo sức khỏe. Tạo cho mình thói quen này sẽ giúp các bạn sinh viên tiết kiệm tiền hiệu quả.

Ăn uống lành mạnh và dựa trên một khoản chi phí nhất định. Thói quen ăn uống không lành mạnh có thể dẫn đến bệnh tật và bạn phải chi tiêu nhiều hơn. Bạn nên hạn chế ăn vặt nhất là những bữa ăn đêm. Để tiết kiệm chi phí về lâu dài, bạn nên sắm một bộ dụng cụ nấu nướng đơn giản và dành thời gian tự nấu ăn tại nhà vừa đảm bảo vệ sinh, vừa tốt cho sức khỏe lại hợp khẩu vị mặc dù cách này ban đầu sẽ làm bạn tốn một khoản tiền kha khá. Với những bạn không khéo tay trong khoản nấu nướng thì đây chính là cơ hội giúp bạn được rèn luyện tay nghề trong lĩnh vực này nhiều hơn.

Lên thư viện để tiết kiệm điện

Sinh viên đi ở trọ sẽ khó có thể chịu được cái nắng nóng mùa hè, tiền lắp điều hòa không có, vậy bạn sẽ làm thế nào để tránh nóng? Hãy lên thư viện vừa có quạt mát, điều hòa lại wifi miễn phí hơn thế nữa đây là môi trường cực tốt giúp bạn học tập hiệu quả. Vừa học tốt, vừa tiết kiệm được khoản tiền điện nho nhỏ thì tội gì không áp dụng đúng không nào!

Đặc thù của học Đại học đó là có những môn chỉ học 1 kỳ và sau đó tuyệt nhiên không cần dùng lại nữa. Vì thế mua những cuốn giáo trình và chỉ dùng trong thời gian ngắn thực sự rất tốn kém và lãng phí so với túi tiền của sinh viên. Hãy tận dụng nguồn sách của thư viện. Hầu hết thư viện trường nào cũng cho mượn giáo trình cùng rất nhiều tài liệu tham khảo. Bạn cũng có thể xin sách của các tiền bối đi trước. Mỗi kỳ có thể tiết kiệm được vài trăm nghìn đấy!

Luyện tập tính cẩn thận

Tại sao cẩn thận lại giúp ta tiết kiệm? Mới nghe dường như chúng chẳng có mối quan hệ gì với nhau. Nhưng nếu nghĩ kĩ ra, các bạn sinh viên sẽ thấy, cẩn thận giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều thứ. Cẩn thận giúp bạn tránh khỏi việc bị móc ví, mất điện thoại khi đi xe buýt. Nhà khóa cửa cẩn thận sẽ giúp bạn tránh được việc mất đồ. Đã có rất nhiều trường hợp bị mất hết giấy tờ, laptop, xe cộ…

Sử dụng các vật dụng hàng ngày cẩn thận cũng giúp kéo dài hạn sử dụng của chúng, bạn đỡ mất một khoản sửa chữa hay thay mới. Nhiều khi sinh viên ở trọ với các vật dụng thấy nó không có giá trị lớn như ô, áo mưa,… hay để bừa bãi. Đến lúc cần dùng không có, lại phải đi mua.

Thay đổi phương tiện đi lại

Nếu chỗ làm thêm, chỗ đi học của bạn không quá xa so với nơi ở, thay vì đi xe máy hãy dùng xe đạp hoặc đi bộ. Xe bus cũng là phương tiện để bạn lựa chọn, vừa giúp bạn tiết kiệm xăng xe, thời gian được ngồi trên xe bus bạn có thể đọc sách, tìm hiểu những cái mới. Dành thời gian thay đổi các phương tiện đi lại cũng là cách giúp cơ thể khỏe mạnh hơn đấy.

Chi phí đi lại bằng xe buýt được coi là thấp so với các phương tiện khác. Chỉ với 100.000đ/tháng dành cho tất cả các bạn sinh viên. Thủ tục làm vé tháng xe buýt dành cho sinh viên khá đơn giản, bạn chỉ cần xin mẫu đơn tại điểm đăng ký làm vé tháng, thường sẽ có gần các trường Đại học, Cao đẳng bạn đang học tập. Sau đó xin xác nhận của nhà trường và trở lại nộp chúng tại điểm đăng ký này.

Đi làm thêm

Đặt chân lên thủ đô, đến với những môi trường mới chắc chắn sẽ có nhiều cám dỗ hơn. Việc chi tiêu từ đó cũng khác hơn so với cuộc sống ở quê, chính vì vậy việc đi làm thêm là điều đầu tiên các bạn trẻ nghĩ đến để trang trải cuộc sống. Những lợi ích của việc làm thêm khác nhiều, bạn vừa có thêm thu nhập, vừa có thêm mối quan hệ, tích lũy kinh nghiệm lại giảm bớt thời gian tiêu tiền. Những bài học cuộc sống từ việc làm thêm sẽ là những trải nghiệm giúp các bạn sinh viên có cái nhìn rộng hơn về cuộc sống và giá trị của đồng tiền.

Cần lưu ý, không để công việc ảnh hưởng đến quá trình học tập. Nên nhớ rằng, đây chỉ là công việc làm thêm, giúp bạn có thêm thu nhập và tích lũy một phần kinh nghiệm. Khi gia tăng thu nhập, bạn nên biết cách sử dụng chúng sao cho hợp lý và hiệu quả, đừng vì cả tháng làm việc vất vả mà chi tiêu chúng trong vài giờ chỉ để phục vụ cho nhu cầu cá nhân mà thực sự không cần thiết như: mua một chiếc váy hàng hiệu hay một đôi giày đắt đỏ,…

Lập kế hoạch tài chính cá nhân

Việc lập kế hoạch tài chính cá nhân cho bản thân cũng là cách để bạn quản trị tài chính cho chính mình. Các bạn sinh viên hãy tạo thói quen này ngay từ khi mới đi học như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền. Số tiền bạn có mỗi tháng hãy vạch ra trước những khoản nào cần chi bao gồm khoản cứng như tiền nhà, điện, nước, tiền học, tiền ăn… và các khoản mềm như :’tình phí’, tiền mua sách, tiền tiết kiệm, tiền mua đồ, tiền đi chơi với bạn bè. Hãy chia nhỏ thành các khoản cần chi và nghiêm túc thực hiện, như vậy đến cuối tháng khi nhìn lại bạn sẽ thấy mình chi tiêu khoa học và có một số tiền tiết kiệm tương đối.

Hãy hạn chế tối đa việc ăn vặt và mua sắm khi cần thiết. Trước khi mua sắm nên có kế hoạch cụ thể, rõ ràng và cân nhắc xem chúng có thực sự cần thiết cho nhu cầu hiện tại hay không. Để hạn chế và kiểm soát chi tiêu một cách tối đa, hãy lập ngân sách cho khoản chi: ăn vặt và mua sắm. Chẳng hạn, ngân sách cho khoản ăn vặt là 200 ngàn và mua sắm là 300 ngàn. Và chỉ cho phép bản thân chi tiêu trong hạn mức này, tuyệt đối không lấy ngân sách từ khoản này bù cho khoản kia. Sẽ giúp bạn hình thành thói quen chi tiêu hợp lý và có kiểm soát.

Chăm chỉ học tập tiết kiệm tiền học phí thi lại, học lại

Thực trạng học lại, thi lại, nợ môn của sinh viên năm cuối đang ở trong tình trạng báo động. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chủ yếu là xuất phát từ phía sinh viên. Sinh viên chưa thực sự nhập tâm trong việc học, đi học như đi chơi, đi học chỉ để điểm danh, hoặc bỏ học đi chơi.

Nếu không chăm chỉ học tập, bạn sẽ phải “đốt tiền” vào việc thi lại, học lại… Chưa kể có những trường học phí khá cao, bạn sẽ phải đối đầu với nó mỗi kỳ. Chính vì vậy hãy chăm chỉ học tập ngay từ đầu, vừa không phải mất tiền thi lại, vừa có khả năng nhận học bổng của trường giúp bạn có khoản tiền kha khá.

Trả lời