Quảng Nam, hay gọi âm địa phương là “Quảng Nôm”, là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Tên gọi Quảng Nam có nghĩa là mở rộng về phương Nam. Đây là vùng đất giàu truyền thống văn hóa nên có rất nhiều di tích lịch sử, bên cạnh đó cũng là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Chúng ta cùng tìm hiểu về vùng đất chứa đựng nhiều điều thú vị này nhé.

Hòn kẽm đá rừng

Hòn Kẽm Đá Dừng là một nơi phong cảnh sơn thủy hữu tình nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn. Ðịa danh này từ xa xưa đã gắn liền với những câu ca buồn, gắn liền với những giai thoại về cuộc khởi nghĩa nổi tiếng của thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu (1847 – 1887) trong Phong trào Cần vương chống ách đô hộ của thực dân Pháp, với bao nhiêu nỗi niềm được mất của những cảnh đời, những phận người xuôi ngược buôn bán tìm kế mưu sinh dọc mạn sông Thu Bồn, dòng sông “phù sa bên lở bên bồi, người xuôi về bến kẻ trôi lên nguồn”…
Dòng sông Thu Bồn thơ mộng chảy qua nhiều cụm núi đá, trong đó có Hòn Kẽm Đá Dừng như hai ngọn núi đá nhô ra, tắm mình trên sông nước, để rồi theo dòng chảy của thời gian, Hòn Kẽm Đá Dừng như được bàn tay của tạo hoá nắn nót thành những hình nét kỳ bí, ẩn mình trên những phiến đá, hoà quyện với thiên nhiên, cây rừng, sương mù, nắng ấm.

Trà Kiệu

Trà Kiệu được xem như là kinh đô của vương quốc Champa. Trà Kiệu tên một làng thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một địa danh lịch sử nằm cách Đà Nẵng khoảng 38 km, gần thánh địa Mỹ Sơn. Tại Trà Kiệu hiện nay có Giáo xứ Trung tâm Thánh Mẫu Đức Mẹ Trà Kiệu. Trước năm 1975 nhiều người còn gọi tên Trà Kiệu là hòn Bửu Châu.
Trà Kiệu được coi là kinh đô Sinhapura hay “Kinh thành Sư Tử” của Vương quốc Champa từ khoảng thế kỉ 6 đến thế kỉ 7. Simhapura là kinh đô của tiểu quốc Avamarati một trong 5 tiểu quốc của vương quốc Champa. Theo văn bia cho biết, người đặt đô đầu tiên ở đây là vua thứ 9 Vikrantavacman II vào khoảng 686 – 731, thuộc dòng Gangaraja trị vì từ thế kỉ 3 đến giữa thế kỉ 8.

Bàng Than – vũng An Hòa

Một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất hiện nay của tỉnh Quảng Nam chính là Bàng Than – vũng An Hòa, thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Tam Hải khoảng 4km.
Mỗi dải đá đen tuyền lấp lánh như than đá trải dài trên bờ cát, bao quanh mũi An Hoà khoảng 3km, đó là Bàng Than. Từng là lớp đá xếp chồng lên nhau, đó là những phiến thạch có nguồn gốc trầm tích biển.
Trên mũi An Hoà có hai bãi biển, đó là: Bãi Bấc (ở phía Bắc), và bãi Nồm (ở phía Nam). Trên bãi Nồm có hai mỏm dài nhỏ nhô ra ngoài biển, được nhân dân địa phương gọi là ông Đụn và bà Che, giống như hòn non bộ được thiên nhiên tạo ra để tô điểm cho Bàng Than.

Cù lao Chàm

Cù lao Chàm là một cụm đảo, về mặt hành chính trực thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15 km và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3.000 người. Tháng 10 năm 2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo, là 1 trong 15 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam vào thời điểm 2007.
Du lịch Cù Lao Chàm mấy năm trở lại đây thu hút khá nhiều du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của các bãi biển, và dịch vụ du lịch ổn định. Nếu có dịp đi miền trung Huế, Đà Nẵng, Hội An, bạn cũng đừng quên thu xếp 1 ngày đi Cù Lao Chàm nhé.

Thánh địa Mỹ Sơn

Ngoài Ninh Thuận, thì Quảng Nam cũng là một nơi có người Chăm sinh sống, chính vì thế mà nơi đây hiện vẫn còn lưu trữ những nền văn hóa của người Champa, tiêu biểu là thánh địa Mỹ Sơn.
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm pa hay hoàng thân, quốc thích.
Nghệ thuật và kiến trúc qua bố cục đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ. Khu Thánh địa gồm nhiều cụm tháp, bố cục mỗi cụm tháp đều có một tháp chính (kalan) ở giữa và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Kalan thường thờ Linga (sinh thực khí) hay linh tượng Shiva. Mặt trước mỗi cụm tháp là một tháp cổng (gopura), tiếp đến tiền đình (mandapa), hạng mục công trình có chức năng là nơi sắp xếp lễ vật và múa hát nghi thức hành lễ.
Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Marrakesh (Morocco) ngày 01 tháng 12 năm 1999 đã công nhận Khu Di tích Chăm Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí: Là điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa.

Nhóm Tháp Khương Mỹ

Tháp Khương Mỹ là di tích văn hóa Chăm pa còn sót lại thuộc thôn 4, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Khu tháp nằm cách quốc lộ 1A (đoạn đường tránh Thành phố Tam Kỳ) khoảng 200m về phía tây theo hướng từ thành phố Tam Kỳ vào.
Nhóm tháp Khương Mỹ gồm 3 công trình kiến trúc xếp thành hàng ngang theo trục Bắc-Nam. Đây là kiểu tháp Champa truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng đông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch. Mỗi tháp có một cửa ra vào và 5 cửa giả.
Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Khương Mỹ được đưa về trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng. Một pho tượng thần Vishnu có 4 tay hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh.

Phố cổ Hội An

Nhắc đến Quảng Nam, nơi đầu tiên người ta nghĩ đến chính là phố cổ Hội An, một bức tranh cổ kính, truyền thống mang chút bí ẩn, thơ mộng và lung linh. Phố cổ Hội An nằm cách thành phố Đà Nẵng 30 km về phía Đông Nam, cách thành phố Tam Kỳ 60 km về phía Đông Bắc. 
 Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, Hội An được xem là trung tâm thương mại sầm uất nhất thế kỉ 18, 19, nơi trao đổi mua bán của nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Nhật, Trung Quốc, Bồ Đào Nha,..Chính vì vậy mà có lẽ kiến trúc nơi đây cũng bị ảnh hưởng nhiều từ các nền văn hóa của các nước này, tạo nên một Hội An nhiều màu sắc nhưng vẫn đậm đà bản sắc con người Việt, đặc biệt là người miền Trung.
Dù đã trải qua thời kì lịch sử khá dài, Phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình  nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ … những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.

Trả lời