Nét đặc trưng trong trang phục của người phụ nữ miền sông nước Cửu Long ngoài chiếc áo bà ba, chiếc khăn rằn choàng cổ, người ta không thể không nhắc đến chiếc nón lá. Nón lá không chỉ đơn thuần dùng để che nắng, che mưa mà hơn thế nữa, đó là nét riêng, cái duyên của người phụ nữ. Và đâu đó ở miền Tây, vẫn còn những xóm nghề, những con người đang âm thầm giữ hồn cho nón lá. Và để chằm (ngôn ngữ địa phương) nên một chiếc nón lá đẹp phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Xoay lá trên khuôn nón

Công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận nhất là xoay lá trên khuôn. Người làm nón phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp. Đầu tiên là xoay lớp lá bên trong trước, rồi đến lớp giấy báo hoặc lá chuối, cuối cùng là xoay lớp lá bên ngoài. Sau khi xoay đầu nón xong, người ta dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài khuôn nón để giữ cho lá nằm cố định, giúp người thợ chằm được dễ dàng.

Lựa chọn nguyên liệu

Nguyên liệu chính để chằm nón là lá huế và trúc. Đây là điểm khác biệt của nón miền Tây so với nón ở một số vùng miền khác vốn được làm từ lá buông và dây thao. Nguồn lá làm nón được vận chuyển từ Huế vào tận trong xóm chằm nón. Còn khuôn nón lá được làm từ cây trúc. Nguồn nguyên liệu này thì không bao giờ thiếu do tre trúc trong vườn nhà luôn xanh tốt quanh năm. 

Kiềng vàng lên khuôn nón

Tiếp đến là công đoạn kiềng vành lên bộ khuôn nón. Khác với cách làm nón ở những nơi khác là vừa chằm, vừa gác nan lên khuôn để làm sườn nón lá. Ở miền Tây quê tôi, người dân đã quen với cách làm kiềng vành lên khuôn nón trước rồi mới chuyển sang kết lá. 16 chiếc vành làm từ nan trúc với kích cỡ khác nhau được kiềng lên mô nón vô cùng khéo léo.

Xuống kim chằm nón

Hoàn thành công đoạn xoay lá trên khuôn, người làm bắt đầu chằm nón. Công đoạn này tương đối dễ. Chỉ cần mũi kim đều, khoảng cách giữa các mũi kim vừa phải, không xa quá là đã đạt yêu cầu. Tùy theo khoảng cách của từng mũi kim mà người ta phân biệt ra nón thưa và nón dày. Chọn mua một chiếc nón đẹp trên cở sở chiếc nón ấy có bền hay không, đan dày hay thưa, vành vót vừa hay nhỏ.

Làm khuôn nón

Muốn chằm nón phải có cái khung chằm hình chóp, kích thước bằng chiếc nón lá, được gọi là cái mô nón hay khuôn nón. Vào những thập niên 80 trở về trước, nón lá được làm từ khuôn có 15 vành. Sau này, người tiêu dùng lại chuộng nón bài thơ có 16 vành. Vì lẽ đó, người dân miền Tây cũng nhanh chóng thay đổi cách làm, sử dụng khuôn nón 16 vành để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Vót nan trúc

Khi nào có nhu cầu chằm nón, người ta cần đốn trúc cho vừa đủ số lượng làm. Trúc được chọn làm khuôn nón vì tính dẻo dai, dễ uốn cong nhưng lại bền chắc. Trúc vót thành từng nan trúc có kích thước lớn nhỏ khác nhau để làm khuôn nón.

Nức vành và buộc quai nón

Công đoạn cuối cùng là nức vành. Người làm sẽ vót một đến hai cọng nan trúc có thân dẹp gọi là cây tiến, cặp vào vành nón số 16 để khi nức, vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền. Chỉ màu được buộc khéo léo vào hai bên vành nón để móc quay nón. Đến lúc này thì nón có thể mang ra sử dụng hoặc đem bán cho các chợ đầu mối.

Trả lời