Ngay từ lớp 1, học sinh đã được làm quen với đơn vị đo độ dài là cm, biết đọc, viết và đo các đoạn thẳng hoặc các vật có độ dài dưới 20cm và đơn vị đo thời gian. Lớp 2,3 các em dần dần làm quen lần lượt với các đơn vị đo độ dài, đơn vị đo khối lượng, đơn vị đo thời gian và dung tích (lít), biết thực hành cân, đo và đổi một số đơn vị đo đã học. Lớp 4 học sinh được hoàn chỉnh bảng đơn vị đo khối lượng, đo độ dài, đo thời gian (từ giây đến thế kỷ), được học các đơn vị đo diện tích từ mm2 →m2 và bước đầu biết đổi các đơn vị đo đơn giản. Lớp 5: hoàn chỉnh bảng đơn vị đo diện tích, được biết về một số đơn vị đo thể tích thường dùng và phép đổi đơn giản, củng cố toàn bộ hệ thống các đơn vị đo lường thông qua nhiều tiết luyện tập. Chương trình đo lường lớp 5 chiếm tỷ lệ lớn hơn so với chương trình đo lường của các lớp dưới, rèn kỹ năng đổi đơn vị nhiều hơn và mang tính tổng hợp hơn. Mặt khác lớp 5 học sinh đã được học đến số thập phân nên các dạng bài tập cũng phong phú hơn, phức tạp hơn. Và bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về kinh nghiệm giúp học sinh tiểu học đổi các đơn vị đo lường.

Đánh số thứ tự từ 1 đến 7

Giáo viên chỉ học sinh đánh số thứ tự từ 1 đến 7. Đổi từ lớn đến nhỏ lấy số lớn trừ nhỏ còn lại bao nhiêu số thì thêm bấy nhiêu số 0. Còn đối với đổi từ nhỏ đến lớn cũng trừ như vậy và còn lại bao nhiêu thì bớt bấy nhiêu số 0. Tương tự với đổi đơn vị diện tích thì sau khi trừ còn bao nhiêu nhân 2 lên để biết bớt hay thêm bao nhiêu số 0.

Chú ý: Các bảng đơn vị tính đều có 7 đơn vị. Khi học sinh đổi tránh nhầm lẫn thì giáo viên nói học sinh viết ra nháp và đánh số thứ tự. Sẽ không thể nhầm được dù đổi ngược hay xuôi.

Phân loại bài tập đổi đơn vị đo lường

Để rèn luyện kỹ năng đổi đơn vị đo cho học sinh trước hết giáo viên phải tìm hiểu kĩ nội dung, yêu cầu của sách giáo khoa từ đó phân loại được các bài tập về đổi đơn vị đo lường. Có thể chia các bài tập về đổi đơn vị đo lường bằng nhiều cách khác nhau nhưng tôi căn cứ vào quan hệ của 2 đơn vị liền nhau trong các đơn vị đo để có thể chia thành 4 nhóm bài như sau:

  • Loại thứ nhất: Đổi đơn vị đo độ dài và khối lượng
  • Loại thứ hai: Đổi đơn vị đo diện tích.
  • Loại thứ ba: Đổi đơn vị đo thể tích.
  • Loại thứ tư: Đổi đơn vị đo thời gian.

Trong mỗi nhóm bài trên đều có đủ các bài tập.

Dạy các con nhớ thứ tự đơn vị đo và dạy cách đổi trên cơ sở quy tắc

Dạy các con nhớ thứ tự đơn vị đo.

  • Đơn vị đo độ dài: mm, cm, dm, m…
  • Đơn vị đo diện tích: mm^2, cm^2, dm^2, m^2…
  • Tương tự cho đơn vị thể tích.

Dạy cách đổi trên cơ sở quy tắc: Hai đơn vị đo độ dài liền nhau hơn, kém nhau 10 lần. Diện tích 100 lần. Thể tích 1000 lần nên khi chuyển đổi ta chỉ cần đọc thuộc và thêm số hoặc bớt số hoặc di chuyển dấu phẩy.

Ví dụ:

35 dm đổi ra đơn vị cm thì làm như sau 35 dm = 35,0 dm.

Dời dấu phẩy sang bên phải một chữ số được 350cm. Tương tự, đổi ra đơn vị mm thì dời dấu phẩy sang bên phải hai chữ số.

35dm sang đơn vị m thì dùng cách dời dấu phẩy trong số thập phân sang trái một chữ số. 35dm = 3,5m.

Hai đơn vị đo diện tích liền nhau hơn, kém nhau 100 lần. Cũng làm như trên nhưng dời dấu phẩy sang bên phải hoặc trái hai chữ số.

Hai đơn vị đo thể tích liền nhau hơn, kém nhau 1000 lần. Cũng làm như trên nhưng dời dấu phẩy sang bên phải hoặc trái ba chữ số.

Chú ý: nếu khi dời dấu phẩy mà thiếu chữ số thì chữ số đó được thay bằng số 0.

Cần nhớ kĩ 2 nguyên tắc đổi như sau.

1. Khi đổi từ đơn vị lớn sang bé thì thực hiện tính nhân. Từ bé sang lớn thì tính chia.

2. Xác định được mối quan hệ giữa hai đơn vị đo cần đổi (xem gấp bao nhiêu lần) để thực hiện các tính nhân hay chia.

Chia làm 4 dạng

  • Đơn vị từ lớn ra bé thì nhân
  • Từ bé ra lớn thì chia
  • Từ 1 đơn vị ra hai đơn vị hay từ 2 đơn vị ra 1 đơn vị thì hướng dẫn học sinh kẻ bảng đơn vị đo ra rồi lần lượt điền các chữ số tương ứng với giá trị đơn vị đo.

Đây là cách dễ hiểu nhất cho học sinh kém.

Phương pháp giảng dạy thích hợp

Như chúng ta đã biết các dạng bài tập về đơn vị đo lường lớp 5 được sắp xếp từ đơn giản đến phức tạp, từ các bài dạng đổi đơn vị đo lường đơn giản để củng cố lý thuyết rồi nâng cao dần đến các bài tập đổi đơn vị đo phức tạp. Vì vậy muốn nâng cao chất lượng đổi đơn vị đo lường giáo viên phải giúp học sinh:

  • Nắm vững từng bảng đơn vị đo. Thuộc thứ tự bảng đó từ nhỏ đến lớn và ngược lại từ lớn sang nhỏ.
  • Nắm vững được quan hệ giữa 2 đơn vị đo lường liền nhau và giữa các đơn vị khác nhau.
  • Xác định loại bài và biết cách chuyển đổi đơn vị đo.

Muốn vậy đòi hỏi giáo viên phải căn cứ vào đặc điểm nhận thức của học sinh Tiểu học để lựa chọn phương pháp phù hợp với nội dung và đối tượng học sinh, tạo hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em phát huy trí lực, chủ động lĩnh hội kiến thức, năng động, linh hoạt trong việc luyện tập đổi đơn vị đo.

Các phương pháp thường vận dụng để dạy các bài toán về đo lường là: trực quan, đàm thoại, thảo luận nhóm, trò chơi…

Trả lời