Những thói quen xấu không đáng có nếu không sửa đổi thì sẽ để lại hậu quả xấu. Vậy những thói quen xấu nào của người Việt Nam được liệt kê trong danh sách này? Hãy cùng tìm hiểu xem đó là gì nhé.

Đi muộn

     Đây có lẽ là một trong những thói quen xấu của người Việt Nam mà cần phải thay đổi ngay lập tức. Cứ với cái suy nghĩ hết sức ấu trĩ muộn dăm ba phút thì đã chết ai mà ta gặp biết bao nhiêu rắc rối. Chính vì cái suy nghĩ này mà lịch trình làm việc, lịch trình tổ chức các sự kiện, hội nghị, các chương trình bị trì hoãn và gián đoạn. Khi mà mọi người có thể tới đông đủ, đúng giờ là điều hiếm khi xảy ra. Giả dụ trong giấy mời có ghi rõ thời gian bắt đầu là 2 giờ thì phải tới tận 3 giờ mới tập hợp đủ người. Phần lớn mọi người đều mắc thói quen xấu này. Hậu quả mà nó để lại có lẽ bạn sẽ cho là bình thường nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới bạn. Chắc hẳn sẽ không ai muốn nhận một nhân viên hay đi muộn mà phải không? Rồi chỉ vì cái tình này mà bạn bị trừ lương trong khi cả tuần bạn đã chăm chỉ làm việc? Điều đó là không đáng phải không nào? Bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội chỉ vì thói quen đi muộn thôi đó. Ngay từ bây giờ hãy thay đổi thói quen xấu này nhé!

Thiếu tính kỉ luật

     Thật vậy, tính kỉ luật của người Việt Nam ta rất là kém! Trong một hội nghị, một sự kiện dù lớn hay nhỏ, ta có thể dễ dàng thấy được sự vô kỉ luật của chúng ta như thế nào. Kéo ghế đi chỗ khác, ngồi túm năm tụm ba để nói chuyện rồi cười vang cả hội trường trong khi vẫn đang có người phát biểu. Bất chấp nội quy, biết mà vẫn phạm. Điều này thể hiện rõ nhất ở học sinh. Ví dụ điển hình như việc không tuân thủ nội quy trường học lớp học. Không chấp hành luật lệ giao thông. Làm việc không theo quy củ, thích gì làm lấy hoặc là làm việc theo cảm hứng. Quy định của tập thể không được đặt lên hàng đầu trong khi cái tôi cái nhân lại được đề cao quá mức cần thiết. Vô kỉ luật sẽ dẫn tới việc làm giảm năng suất làm việc, không chỉ có ảnh hưởng tới bản thân mình mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh. Cứ với tình trạng thiếu kỉ luật kéo dài, chúng ta sẽ không còn ý thức được việc mình nên làm gì, đang làm gì và tuân thủ theo những quy tắc mà tập thể đặt ra. Những người thiếu tính kỉ luật thường là những người dễ dãi, có thể ừ để cho qua chuyện, làm việc không hiệu quả! Cũng chính vì cái tình thiếu kỉ luật này mà chúng ta không được đánh giá cao. Do vậy ngay từ bây giờ, hãy rèn cho mình tính kỉ luật, tự giác từ những việc nhỏ nhất bạn nhé. Rèn luyện tính kỉ luật của mình cũng chính là bạn đang rèn luyện bản thân mình trở nên hoàn thiện hơn đó.

Tổ chức chưa chuyên nghiệp

    Thật vậy, khi người Việt chúng ta tổ chức các sự kiện, chương trình gì đó thì thường bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp. Để tôi kể ra cho bạn những thứ được gọi là thiếu chuyên nghiệp ở đây nhé. Từ khâu tổ chức đến khâu chuẩn bị thường rất lôm ca lôm côm. Kế hoạch tổ chức không được lên sẵn cụ thể rõ ràng mà làm theo kiểu đại khái, người ta thường bỏ qua những bước đầu trong khi nó lại có một vai trò rất quan trọng. Khâu chuẩn bị cũng không được chuyên nghiệp, đồ đạc lộn xộn, không được lên kế hoạch sắp xếp cho cẩn thận ngăn nắp mà theo kiểu nước đến chân rồi mới nhảy. Cần gì thì mới lo tới nó! Khả năng giải quyết những tình huống phát sinh của chúng ta cũng rất kém. Khi có một tình huống ngoài ý muốn nào xảy ra, chúng ta chẳng mấy ai có thể xử lí một cách ổn thỏa và êm đẹp cho được. Điều này là do chúng ta luôn luôn để cái đầu của mình thư giãn quá nhiều, làm mất đi sự nhanh nhạy vốn có. Có thể nói rằng chúng ta rất yếu trong khâu tổ chức. Hãy loại bỏ thói quen xấu này đi, không nên làm việc thiếu khoa học, để cái đầu của mình ì ạch quá lâu. Thay vào đó hãy luôn vận động não bộ, đọc nhiều, xem nhiều để có đủ khả năng có thể xử lí tốt những tình huống phát sinh, bên cạnh đó hãy cố gắng lên kế hoạch mọi thứ thật cụ thể và khoa học để có thể trở thành một người có khả năng tổ chức tốt nhé.

Kết thúc kiểu tan đàn xẻ nghé

    Thường thì một chương trình hay một sự kiện gì đó sẽ có kết thúc theo kiểu tan đàn xẻ nghé khi ở Việt Nam. Ví dụ nhưđại hội đoàn trường hay thậm chí là khai giảng chưa kết thúc thực sự nhưng chỉ cần có dăm ba người rục rịch rời khỏi vị trí của mình là y như rằng cả tập thể xôn xao người về trước người về sau, không có gì được gọi là đồng đều hay kỉ luật ở đây cả. Chúng ta chỉ mong được về sớm mà thôi. Hội nghị còn chưa kết thúc mà đã tan đàn xẻ nghé rồi. Mỗi người một phương, tôi thích thì tôi về trước có vấn đề gì chăng? Hết sức là lộn xộn, nó hỗn độn chẳng khác nào cái chợ vỡ. Đây cũng chính là một trong những thói quen xấu khiến chúng ta mất đi hình tượng trong mắt người khác. Hãy đợi cho đến khi kết thúc thật sự rồi hẵng ra về vì bạn đâu có vội gì đâu đúng không nào? Tại sao lại cứ phải vội vội vàng vàng khăn gói về trước là sao. Điều đó không làm cho hình ảnh của bạn trở nên đẹp chút nào cả.

Ồn ào hết mức

      Dường như chúng ta rất là giỏi trong khoản tám chuyện bất chấp thời gian bất chấp địa điểm. Điều này thường xuyên xảy ra ở học sinh là chính. Có thể hai người đó chưa gặp nhau lần nào nhưng cứ hễ ngồi với nhau là có đủ chuyện trên trời dưới đất để bàn tán với nhau như đã quen biết từ lâu. Và đôi khi đó có thể là những câu chuyện chẳng có tí giá trị nào, nhảm nhí, hết sức ồn ào. Việc ồn ào sẽ khiến con người ta mất bình tĩnh, rất khó chịu. Chẳng thể nào đạt được kết quả cao khi mà cái miệng hoạt động nhanh hơn não bộ. Ngay từ hôm nay hãy từ bỏ thói quen xấu này đi thôi nhé.

Trả lời