Bánh cốm – Hà Nội

Những món ăn có xuất xứ từ Hà Nội đều ít nhiều thể hiện nét văn hiến của thủ đô ngàn năm tuổi, có khi là tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người nơi đây. Bánh cốm cũng vậy, nó mang hình vuông tượng trưng cho đất, màu xanh tượng trưng cho mùa xuân hạnh phúc, nhân dừa đậu xanh ngọt ngào cảm xúc, bánh cốm đã hội tụ rất nhiều ý vị và mong ước cho cuộc sống đủ đầy. Bánh cốm đã trở nên không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi của người dân Hà thành. Không chỉ có thế, bánh cốm còn được dùng trong nhiều dịp khác, có khi thay bữa sáng, có khi ăn lúc thưởng trà ngắm trăng…
 Nét hấp dẫn nhất ở những chiếc bánh cốm là khi đến tay người tiêu dùng vẫn còn thơm nguyên mùi cốm mới. Thưởng thức miếng bánh mà thấy như bao la mùa thu Hà Nội phảng phất đâu đây. Mỗi miếng bánh cốm chứa đủ cái vị dịu ngọt từ ngoài và đậm dần vào trong nhân, cái dẻo thơm của cốm và cái bùi ngọt của đỗ xanh.

 Du khách tới Hà Nội đều không thể không thưởng thức món ăn đặc sản này và mua về cho người thân như chút lòng thơm thảo. Cái dư vị ngọt ngào của hương cốm mới được chắt chiu trong miếng bánh thơm dẻo ấy, đã trở thành món quà sang trọng, mang đậm nét Hà Nội đi tới mọi miền đất nước. Hãy đến địa chỉ: số 53 Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội để mua bánh cốm nhé.

Nem chua – Thanh Hóa

Nem chua là một món ăn ngon nổi tiếng, là niềm tự hào của người dân xứ Thanh. Nem chua được chế biến rất kỳ công, và trải qua nhiều giai đoạn kỹ lưỡng, từ giai đoạn chọn nguyên liệu cho tới khi nem chua được hoàn thiện và bảo quản nem chua đúng cách. Có như vậy mới tạo ra được nem chua, có hương vị đặc trưng. Khi thưởng thức nem chua sẽ gặp vị chua thanh của thịt, dai giòn của sợi bì, cay của ớt, thơm của tỏi, chát ngọt của đinh lăng… một hương vị rất riêng mà không phải nem chua nơi nào cũng có như nem chua Thanh Hóa. Địa chỉ nơi sản xuất: Số 402 đường Hàm Nghi, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa.

Kẹo Cu Đơ – Hà Tĩnh

“Chè xanh thêm chút gừng cay / Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người”. Nước chè xanh đi với kẹo cu đơ, tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời. Vị ngọt đậm của mật mía, vị bùi bùi của lạc…, ăn xong miếng kẹo, nhấp một ngụm nước chè tươi, cái mùi vị béo ngọt, thơm cay dìu dịu thấm dần rồi lan tỏa trên đầu lưỡi để lại cảm giác khó quên cho ai đã được một lần nếm thử … Cái hương vị ngọt ngào của đường mía hòa quyện với chút thơm nồng cay cay của gừng tươi, pha một chút chua nhẹ của chanh cùng với bánh tráng vừng được nướng đúng độ tạo nên hỗn hợp bánh thật giòn tan và ngọt ngào. Bạn có thể ghé nơi này để mua nhé: 485 Hà Huy Tập – Phường Hà Huy Tập – Thành phố Hà Tĩnh.

Bánh gai – Hải Dương

Bánh gai là một sản phẩm ẩm thực, du lịch độc đáo của Hải Dương. Hàng năm tại đây đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan làng nghề, thưởng thức món đặc sản nổi tiếng xứ Đông này. Khi ăn bánh, ai cũng sẽ phải ngất ngây với vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán, lại dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh. Bánh gai Hải Dương được sử dụng như một món quà quê giản dị mà hương vị thật đậm đà, bánh được dùng làm lễ vật trong lễ, tết, tuần, rằm, cúng giỗ tổ tiên theo phong tục Việt Nam, bánh làm lễ vật trong lễ cưới, hỏi, hoặc dùng làm quà trong hội nghị, liên hoan… Đặc biệt trong giao tiếp thì là một nét đẹp văn hóa ẩm thực của người Xứ Đông. Có cả một làng nghề làm bánh gai lâu đời mà các bạn có thể ghé thăm, đó là thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Mè xững – Huế

Mè xững là một đặc sản mang cốt cách và tâm hồn người Huế đã theo chân những đứa con đi xa xứ trong hàng trăm năm qua. Biểu hiện rõ nhất, đó chính là sự xuất hiện của mè xững trong đời sống hàng ngày của người Huế: đám giỗ, đám cưới, đám hỏi, quà tặng ý nghĩa… Đặc biệt nếu thưởng thức món kẹo vừa dẻo, vừa thơm mùi mè, mùi lạc này kết hợp với vị chát và thanh của trà khi tĩnh tâm đọc sách, đôi lúc ngẫm sự đời, đánh cờ hay trò chuyện với người tri kỉ thì cảm giác sẽ như vượt lên giới trần. Cơ sở sản xuất mè xửng nổi tiếng ở Huế là công ty Thiên Hương, số 20 Chi Lăng – Thành phố Huế

Trả lời