Có thể nói, chưa bao giờ tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh ung thư ở Việt Nam cao như hiện nay (165.000 ca mắc ung thư – năm 2018). Trong đó, tỉ lệ tử vong do ung thư ở nữ giới của nước ta đứng thứ 4 trong số 5 mức xếp hạng toàn cầu. Để góp phần giảm bớt tình trạng này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về 5 căn bệnh ung thư hàng đầu ở phụ nữ và biện pháp phòng tránh.

Ung thư vú

Ung thư vú là tình trạng khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Khối u ác tính là tập hợp các tế bào ung thư có thể sinh sôi rất nhanh ở các mô xung quanh, hoặc có thể lan ra (di căn) các bộ phận khác trong cơ thể. Mỗi năm, tại Việt Nam, khoảng70% trong số 12.000 ca mắc mới ung thư vú đến bệnh viện trong tình trạng bệnh đã ở giai đoạn muộn vì chủ quan với những triệu chứng của bệnh. Điều đó đã để lại những hậu quả nặng nề cho người bệnh và gia đình người bệnh. Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Ðây là một bệnh hết sức phức tạp mà trong nhiều năm qua đã có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân, bệnh sinh và điều trị. Bạn nên biết rằng, Ung thư Vú là căn bệnh thuộc nhóm dễ chẩn đoán nhất trong số những bệnh ung thư và nếu phát hiện sớm, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi.


Phân loại: Hiện nay có 2 loại ung thư vú lớn là ung thư xâm nhập và chưa xâm nhập.

  1. Ung thư vú chưa xâm nhập: Các tế bào ung thư vẫn còn ở một vị trí cụ thể của vú, mà không phân tán vào xung quanh mô, tiểu thùy hoặc ống dẫn.
  2. Ung thư vú xâm nhập: Các tế bào ung thư vượt qua rào cản mô vú bình thường và lan ra các phần khác của cơ thể thông qua các mạch máu và các hạch bạch huyết.

Ung thư vú cũng được phân loại dựa vào nơi khối u bắt đầu hình thành, cách thức phát triển bệnh và các yếu tố khác. Một số loại khác của bệnh ung thư vú bao gồm: bệnh núm vú Paget, sarcoma của vú, UT tủy, UT biểu mô ống thận, UT biểu mô nhầy, UT biểu mô metaplastic, UT biểu mô adenocystic


Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú:


Ung thư vú ở giai đoạn đầu thường không gây đau đớn và có thể không có triệu chứng gì. Khoảng 10% bệnh nhân không bị đau, không thấy khối u hoặc bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh. Tuy nhiên, nếu khối u vú phát triển, bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Tức ngực: Cụ thể là cảm giác đau nhói từ ngực trái đến phải, do hiện tượng sưng khiến mô vú bị đẩy và khiến bạn cảm giác đau nhói. Theo dõi thời điểm và vị trí cơn đau để bác sĩ tư vấn chính xác.
  • Ngứa ở ngực: Khi các tế bào ung thư phát triển nhanh sẽ làm cản trở quá trình lưu thông máu và gây kích thích da khiến cho da nổi mẩn đỏ và sần sùi, gây đau ngứa.
  • Đau lưng, vai, gáy: Nhiều người dễ nhầm lẫn triệu chứng này với những bệnh lý khác. Tuy nhiên, chuyên gia giải thích, khối u phát triển về xương sườn và xương sống nên gây đau lưng.
  • Hình dạng và kích thước vú thay đổi: Phụ nữ nên tự thăm khám vú. Ngực to, chảy và có hình dạng khác thường là “lời cảnh báo” ung thư vú đặc biệt đối với những phụ nữ có mô vú dày.
  • Núm vú thụt vào trong và tiết dịch, kèm thêm da quanh núm vú bị sần và có vảy, bạn nên cẩn trọng với căn bệnh nguy hiểm này. Một số trường hợp, núm vú có dịch kèm máu thì càng nên đi khám sớm.
  • Ngực sưng hoặc có khối u: Nếu thấy vùng cánh tay có hạch hoặc khối u không rõ nguyên nhân và ngực bị đỏ sưng, bạn nên đi thăm khám sớm.

Điều trị ung thư vú như thế nào?

Khi phát hiện bất cứ các biểu hiện nào của bệnh, cần nhanh chóng đi khám bác sĩ sớm nhất để được chẩn đoán chính xác về mức độ bệnh của mình. Tùy theo giai đoạn bệnhsẽ có phương pháp điều trị phù hợp như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…


Cách phòng ngừa ung thư vú:

  1. Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh (BMI < 25)
  2. Nuôi con bằng sữa mẹ.
  3. Tránh uống rượu và hút thuốc
  4. Ăn càng nhiều trái cây và rau quả càng tốt
  5. Tập thể dục thường xuyên, kiểm soát chất béo trong cơ thể
  6. Kiểm soát lượng đường huyết
  7. Thêm các chế phẩm từ đậu nành
  8. Cẩn thận khi bổ sung estrogen thay thế
  9. Duy trì một cuộc sống tích cực lạc quan: Luôn giữ tinh thần thoải mái, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp và lành mạnh, ngủ đủ giấc.
  10. Nên thả ngực trần khi ở nhà và khi đi ngủ.
  11. Không nên can thiệp vào tổ chức mô vú không cần thiết như phẫu thuật thẩm mỹ

Phòng ngừa bệnh ung thư vú bằng tự khám vú hằng ngày trước mỗi khi tắm, phụ nữ trên 40 tuổi nhất thiết phải khám sàng lọc để phát hiện sớm ung thư vú 6 tháng một lần.

Ung thư buồng trứng

Buồng trứng là một phần của cơ quan sinh sản nữ. Ở mỗi bên của tử cung có một buồng trứng. Ung thư buồng trứng là một khối u ác tính trong một hoặc cả hai buồng trứng. Có hai loại bệnh, ung thư biểu mô buồng trứng là loại bệnh ung thư buồng trứng phổ biến nhất và ung thư ngoài biểu mô. Ở NSW, hàng năm có khoảng 450 ca bệnh ung thư buồng trứng khiến nó là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 10 ở phụ nữ và độ tuổi trung bình bị chẩn đoán mắc bệnh là 63.

Nguyên nhân gây ra ung thư buồng trứng vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, các yếu tố sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng của một người phụ nữ. Tuổi, tiền sử sinh con; các yếu tố hoóc-môn. Không có bằng chứng nào về sự liên quan giữa bệnh ung thư buồng trứng và chế độ ăn giàu chất béo, việc thoa phấn rôm quanh cơ quan sinh dục, hay vi rút bệnh quai bị. Khoảng 5-10% phụ nữ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng có thể có một tiền sử trong gia đình làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng.


Ung thư buồng trứng thường là một căn bệnh ngầm trong các giai đoạn đầu, nghĩa là nhiều phụ nữ không có triệu chứng nào. Nếu các triệu chứng xuất hiện, chúng thường khó nhận thấy và có thể bao gồm sưng tấy, áp lực, khó chịu hoặc đau ở vùng bụng; ợ nóng, buồn nôn hoặc phồng rộp; thay đổi trong thói quen đi vệ sinh, ví dụ như táo bón, tiêu chảy và tiểu tiện thường xuyên do áp lực; mệt mỏi và chán ăn; sụt cân hoặc tăng cân một cách khó hiểu; thay đổi trong chu kỳ kinh hoặc xuất huyết hậu mãn kinh; đau trong lúc quan hệ tình dục. Các triệu chứng này xuất hiện ở nhiều căn bệnh, và hầu hết phụ nữ có những triệu chứng này không mắc bệnh ung thư buồng trứng. Chỉ có các phép kiểm tra mới khẳng định được kết quả chẩn đoán. Hầu hết các khối u ung thư buồng trứng đã hiện hữu được một thời gian trước khi được phát hiện. Đôi khi ung thư buồng trứng được bất ngờ phát hiện trong một ca phẫu thuật như phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Bác sĩ sẽ kiểm tra xem có khối u hay không bằng cách khám bụng và âm đạo của bạn. Các hóa chất được tiết ra từ các tế bào ung thư dưới dạng chất đạm được tìm thấy trong máu. Chúng được gọi là chỉ dấu ung thư. Một phép xét nghiệm máu sẽ xác định nồng độ của các chất chỉ dấu ung thư. Các phép kiểm tra khác bao gồm siêu âm bụng, siêu âm qua âm đạo, chụp CT, chụp MRI, chụp x quang.

Xác định xem ung thư đã lan đến đâu được gọi là phân giai đoạn. Việc phân giai đoạn ung thư giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị. Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng tùy thuộc và loại bệnh phát hiện, giai đoạn, tình trạng sức khỏe chúng của bệnh nhân, các khuyến nghị của bác sĩ. Ung thư biểu mô buồng trứng thường được điều trị bằng phẫu thuật, hóa học trị liệu và/hoặc trị liệu bức xạ. Các khối u giới hạn thường được điều trị bằng phẫu thuật. Ung thư buồng trứng ngoài biểu mô thường được điều trị bằng phẫu thuật và/hoặc hóa học trị liệu.

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 1% các loại ung thư. Đây là ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 9 trong số các loại ung thư ở nữ giới, đứng hàng thứ 20 trong số các loại ung thư ở nam giới. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, điều trị tích cực, cơ hội kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân trên 5 năm là gần 100%.


Nguyên nhân gây bệnh

  • Bệnh nhân được điều trị tia xạ lúc bé, khi có u đơn nhân giáp trạng dễ nghi ngờ ung thư. 
  • Bệnh nhân sống gần biển, nơi có đủ Iod trong thực phẩm, khi có u đơn nhân giáp trạng dễ bị ung thư hơn so với những nơi thiếu Iod.
  • Bệnh nhân có u đơn nhân hoặc đa nhân giáp trạng.

Dấu hiệu nhận biết

  • Khối u ở cổ: Nếu phát hiện có một khối u lớn ở trước cổ, dưới yết hầu, hãy đi khám và tư vấn. Khoảng 90% nhân giáp là lành tính. Thông thường, khối u lành tính sẽ di chuyển lên xuống khi nuốt, trong khi đó hầu hết các khối u ác tính không di chuyển khi nuốt. 
  • Bị khàn giọng: Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết ung thư tuyến giáp là giọng nói khàn. Bởi các dây thần kinh thanh quản kiểm soát các cơ mở và đóng dây thanh âm, nằm ngay phía sau tuyến giáp.
  • Xuất hiện u giáp trạng: u có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề khi sờ vào, di động theo nhịp nuốt.
  • Xuất hiện hạch vùng cổ: hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.
  • Một số triệu chứng giai đoạn muộn: Khối u to, rắn, cố định trước cổ. Khàn tiếng, có thể khó thở. Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép. Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét chảy máu. Siêu âm có thể nhận biết ung thư tuyến giáp.

Nếu nhận thấy những bất thường trên bạn hãy đến ngay cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, mỗi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe của mình.

Ung thư cổ tử cung

Cổ tử cung của chị em phụ nữ được bao phủ bởi một lớp mô mỏng – lớp mô này được tạo thành từ các tế bào. Ung thư cổ tử cung là do các tế bào ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung) bắt đầu phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể gây ra. Các tế bào mới này phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung.


Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Bệnh có thể được chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên phần lớn những người mắc bệnh không biết mình mắc bệnh do bệnh thường không có những dấu hiệu nổi bật. Ung thư cổ tử cung thường phát triển âm ỉ trong một thời gian dài (mất khoảng vài năm). Trong thời gian này, các tế bào ở cổ tử cung sẽ biến đổi một cách bất thường do sự thay đổi môi trường âm đạo hoặc do nhiễm virus HPV. Sự biến dạng của những tế bào này xảy ra trước khi ung thư xuất hiện được gọi là loạn sản hoặc viêm lộ tuyến cổ tử cung (CIN).

Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết ung thư cổ tử cung đó là chảy máu bất thường ở âm đạo, ví dụ như chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, thời gian dài hơn so với chu kỳ bình thường, chảy máu sau hoặc trong khi quan hệ. Dấu hiệu của ung thư phát triển có thể bao gồm đau vùng chậu, tiểu tiện bất thường và sưng chân. Nếu ung thư đã lan đến các cơ quan lân cận hoặc các hạch bạch huyết, các khối u có thể ảnh hưởng đến sự hoạt động của các cơ quan đó, ví dụ khối u nằm đè lên bàng quang hoặc làm tắc tĩnh mạch.


Nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung

Hầu hết tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm trùng papillomavirus (HPV). Có rất nhiều loại HPV, trong đó có một số loại vi-rút có nguy cơ cao gây ra các bệnh như ung thư hậu môn, ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ và dương vật, ung thư đầu và cổ. Các loại HPV khác có thể gây ra mụn cóc sinh dục. Để điều trị ung thư cổ tử cung có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật (cắt tử cung), xạ trị, hóa trị liệu (sử dụng thuốc diệt ung thư). Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp đối với người bệnh. Sau khi điều trị, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung thường xuyên trong vài năm đầu để đảm bảo rằng tất cả các tế bào ung thư đã được loại bỏ.


Cách ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung

Để giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư chỉ có một cách duy nhất đó là tiêm vắcxin HPV phòng ngừa. Vắc-xin được đánh giá là an toàn và có thể chống lại các tác nhân gây ra ung thư, tiền ung thư và mụn cóc sinh dục. Các bác sĩ khuyến cáo, độ tuổi an toàn để tiêm vắcxin đạt hiệu quả cao nhất là từ 9 đến 26 tuổi. Hiện nay, với sự phát triển của y học hiện đại ung thư cổ tử cung có khả năng chữa trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Trong đó, sàng lọc ung thư cổ tử cung chính là “Chìa khóa” để phát hiện và đưa ra biện pháp điều trị hiệu quả.

Ung thư đại – trực tràng

Ung thư ruột hay ung thư đại trực tràng là tên gọi chung của ung thư ruột kết và ung thư trực tràng, tức là ung thư phát triển từ ruột kết hay trực tràng (là những phần của ruột già),  gây nên bởi sự phát triển bất thường của các tế bào có khả năng xâm lấn hoặc lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể. Dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm máu trong phân, giảm cân, có sự thay đổi trong nhu động ruột và luôn cảm thấy mệt mỏi.

Hầu hết các nguyên nhân gây bệnh ung thư ruột là do các yếu tố về lối sống và độ tuổi, với chỉ một số ít trường hợp là do rối loạn gen di truyền. Các yếu tố nguy cơ bao gồm chế độ ăn, bệnh béo phì, hút thuốc, và ít hoạt động thể chất. Những yếu tố về chế độ ăn làm tăng nguy cơ bao gồm thịt đỏ, thịt đã qua xử lý để giữ được lâu, và rượu. Một yếu tố nguy cơ là bệnh viêm đường ruột, trong đó bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Một số điều kiện di truyền có thể gây ra ung thư ruột bao gồm: đa polyp tuyến gia đình và ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp, tuy nhiên, các ca bệnh này ít hơn 5% tổng các trường hợp. Ung thư ruột thường bắt đầu bằng một khối u lành tính, thường dưới hình thức là một polyp, lâu dần nó sẽ trở thành ung thư.


Dấu hiệu và triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư đại trực tràng phụ thuộc vào vị trí của khối u trong ruột, và nó có thể đã lan rộng ra những nơi khác trong cơ thể (di căn). Các dấu hiệu cảnh báo sớm bao gồm: táo bón, đi ngoài phân nhỏ, ra máu, co thắt dạ dày, chán ăn, mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân, và buồn nôn hoặc nôn ở một người trên 50 tuổi. Thông thường, các triệu chứng này không phải do ung thư. Các vấn đề sức khỏe khác có thể gây ra một số các triệu chứng này. Ung thư giai đoạn đầu thường không gây đau. Trong khi chảy máu trực tràng hoặc thiếu máu là đặc điểm nguy cơ cao ở những người trên 50 tuổi, các triệu chứng khác thường được mô tả bao gồm giảm cân và thay đổi thói quen đi tiêu thường chỉ liên quan nếu kết hợp với chảy máu.

Một vài xét nghiệm dựa trên phân cần thực hiện định kỳ như sau: xét nghiệm hóa miễn dịch phân có độ nhạy cao (FIT) – một năm một lần, xét nghiệm Guaiac tìm máu ẩn trong phân (gFOBT) – một năm một lần, xét nghiệm DNA phân đa mục tiêu (MT-sDNA) 3 năm một lần. Tổ chức này cũng khuyên nên khám trực quan đại – trực tràng bằng cách nội soi 10 năm một lần, chụp cắt lớp CT và soi đại tràng sigma linh hoạt 5 năm một lần. Nếu phát hiện tình trạng bất thường bằng bất kỳ xét nghiệm nào khác, người bệnh vẫn cần được theo dõi bằng nội soi.

Trả lời