Thời gian gần đây, vấn nạn trẻ em bị bạo hành, bắt cóc, xâm hại, ấu dâm…đang trở thành đề tài nhức nhối của xã hội. Làm cha mẹ, chắc chắn bạn không bao giờ muốn con mình trở thành nạn nhân của những vụ việc đau lòng trên. Vậy nên, bạn cần trang bị cho con cái những kĩ năng cơ bản nhất để bé tự bảo vệ an toàn cho bản thân. Một trong số các kĩ năng đó chính là cách giao tiếp, tiếp xúc với người lạ.

Dạy con cách trò chuyện với người lạ

Bạn hãy tự tưởng tượng một ngày nào đó con bạn bị đi lạc? Bé sẽ làm gì để tìm được về đúng ngôi nhà của mình? Bạn cần bắt đầu dạy con như thế nào trong tình huống này? Đầu tiên, bạn cần định nghĩa cho bé hiểu thế nào là “người lạ” ? Đó có thể là những người bé chưa từng gặp bao giờ, chưa từng nói chuyện bao giờ, chưa từng được bố mẹ hay người thân giới thiệu bao giờ. Khi họ bắt chuyện, bé cần ý thức được có nên trả lời tất cả các câu hỏi của họ hay không? Tốt nhất, bạn nên dạy con cách ghi nhớ đồng phục của một số “người lạ an toàn” bé có thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Đó là những chú công an, cảnh sát, nhân viên bảo vệ, nhân viên ngân hàng… Khi đi lạc, bé nên nhanh chóng tìm đến những người này để đảm bảo được sự an toàn và được nhanh chóng trở về nhà mình.

Dạy con cách ghi nhớ các số điện thoại quan trọng

Khi bé bị đi lạc, sẽ thật tuyệt vời nếu con ghi nhớ được số điện thoại của bất kì một người thân nào trong gia đình. Hoặc đơn giản hơn, bé biết gọi đến sự giúp đỡ của cảnh sát hoặc công an. Theo ý kiến của các chuyên gia, trẻ 3 tuổi đã có khả năng ghi nhớ được tên của cha mẹ mình. Bạn hãy dạy thêm cho bé cách ghi nhớ số điện thoại, địa chỉ nhà của cha mẹ. Bạn cũng giải thích cho con tại sao lại phải như vậy. Bạn hãy biến việc ghi nhớ dãy số dài này bằng cách kiểm tra trí nhớ của bé hàng ngày. Khi chơi đùa cùng con, bạn có thể hỏi và nhắc cho bé nhớ số điện thoại của bố mẹ. Việc ghi nhớ này sẽ làm giảm độ nguy hiểm của con khi đi lạc.

Dạy con luôn ghi nhớ mình đang ở đâu vào bất cứ thời điểm nào

Dù con bạn đã tự biết đi đến trường một mình, tự đi công viên chơi với bạn bè hay tự ra hiệu sách mua một món đồ bé thích thì bạn cũng nên dạy con cách ghi nhớ chính xác vị trí mình sắp đến vào bất cứ thời điểm nào. Cha mẹ có thể dạy con cách ghi nhớ tên, địa chỉ nhà hoặc số điện thoại của người thân để bé gọi giúp đỡ khi cần. Bạn cũng nên thiết lập cho bé thói quen xin phép cha mẹ trước khi đi ra khỏi nhà. Có như vậy, bạn mới nắm được vị trí con mình ở đâu và giữ được khoảng cách an toàn với bé. Khi ta khỏi nhà, các bé chưa thể ý thức được những nguy hiểm bé có thể gặp trên đường đi và sự cảnh giác với người lạ còn “thiếu” nên cha mẹ phải giáo dục để bé hiểu rằng tự bảo vệ bản thân mình là điều vô cùng quan trọng.

Dạy con tính “cảnh giác”

Nếu bạn có việc bận không thể đến trường đón con đúng giờ và có một người lạ nói quen với bạn muốn đón bé. Đây là tình huống mà cha mẹ nên đặt ra thường xuyên và hướng dẫn con cách xử lí. Bạn hãy dạy con nên cảnh giác và bình tĩnh khi gặp trường hợp này. Cha mẹ hãy giải thích cho con nếu con đi theo người lạ sẽ gặp nguy hiểm (họ có thể không đưa con về nhà, họ làm hại con…). Bé hãy khéo léo từ chối lời đề nghị của người lạ và nhanh chóng quay lại phòng bảo vệ trường hoặc tìm đến nơi có đông người. Bạn nên tập đi tập lại cho bé những tình huống tương tự như thế này bởi có như vậy mới hình thành cho con tính cảnh giác và phản xạ tích cực khi gặp nguy hiểm.

Dạy con nhận biết những nguy hiểm

Trẻ con thường dễ bị dụ dỗ bởi những lời mời chào thú vị như cho kẹo, cho đồ chơi, cho đi thăm thú… Từ đây, những kẻ xấu dễ dàng lợi dụng và thực hiện hành vi xấu của mình. Vậy nên để đảm bảo an toàn cho con cái, cha mẹ nên hướng dẫn con cách nhận biết những mối nguy hiểm dang rình rập xung quanh con. Nếu bé gặp một người lạ, họ có ý đồ mời mọc bé, cho bé món đồ nào đó, bé nên biết cách khéo léo từ chối và nhanh chóng tìm đến những nơi an toàn. Đặc biệt, bé không nên có thái độ xấc láo hay sợ hãi mà cần bình tĩnh tìm các cách giải quyết khi gặp nguy hiểm.

Trả lời