Mọi người vẫn thường nói: “Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn bạn tới thành công”, nhưng sau khi tốt nghiệp cấp 3, sẽ không ít bạn cảm thấy tiếc nuối thời sinh của mình. Khoảng thời gian đại học sẽ là lúc bạn níu kéo những kỉ niệm tươi đẹp của những năm tháng học trò ấy. Tuy nhiên, môi trường đại học rất khắc nghiệt bởi bạn phải nỗ lực vì tương lai của mình. Vậy nên, bạn cần trau dồi những kĩ năng cần thiết để thích nghi với môi trường đại học. Những gì bạn nỗ lực ở thời đại học sẽ trở thành hành trang cho bạn bước vào đời sau này.

Đi làm thêm

Có rất nhiều ý kiến cho rằng sinh viên không nên đi làm thêm nhất là các bậc phụ huynh và thầy cô. Họ cho rằng làm thêm sẽ ảnh hưởng đến việc học của các bạn. Nhưng điều này ảnh hưởng hay không là ở các bạn. Bạn không nên quá đặt nặng việc đi làm thêm khi còn là sinh viên, hãy chỉ làm ở mức trải nghiệm. Đa số sinh viên đi làm thêm vì cần trang trải cho cuộc sống nên đôi lúc sẽ có những bạn làm ảnh hưởng đến việc học. Nhưng một sinh viên giỏi không có nghĩa là họ chỉ biết học mà không đi làm thêm. Có những bạn rất biết cân bằng giữa học và làm, học là chính, làm là để trải nghiệm. Bạn có thể chọn các công việc tại trường hoặc làm cộng tác viên cho một công ty nào đó,… nếu bạn không có quá nhiều thời gian. Đừng quá đặt nặng vấn đề lương bổng mà thay vào đó hãy học hỏi nhiều hơn. Có thể một công việc bạn chỉ làm trong một tháng hoặc một tuần hay thậm chí chỉ có một vài ngày nhưng bạn cũng sẽ hiểu được một ít về công việc bạn làm và có thêm những trải nghiệm mới trong cuộc đời. Bạn sẽ trưởng thành hơn rất nhiều nếu thay đổi nhiều công việc. Chúng ta là sinh viên, chưa cần một nơi ổn định lâu dài để làm việc vậy nên bạn đừng ngại thay đổi.

Tham gia các câu lạc bộ

Tại trường đại học, các câu lạc bộ được lập ra nhằm giúp sinh viên giao lưu và học hỏi. Tại sao lại không tham gia? Đó cũng là cách trau dồi kỹ năng giao tiếp của bạn. Có thể bạn là người rụt rè nhưng mọi người trong câu lạc bộ đều phát huy hết ưu điểm của họ để bạn có cơ hội học hỏi và phát huy khả năng của mình. Những hoạt động trong câu lạc bộ đều đem đến lợi ích rất nhiều cho bạn. Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy cực khi tham gia bởi việc trong câu lạc bộ rất nhiều, bạn sợ ảnh hưởng đến việc học của mình. Nhưng nếu không tham gia, bạn sẽ mất đi cơ hội để phát huy ưu điểm của mình và tỏa sáng. Hãy đến với các câu lạc bộ để trải nghiệm những điều thú vị ở thời sinh viên của bạn.

Làm việc nhóm chung với bạn mới

Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn sẽ phải đi làm và làm việc chung với những người bạn không hề quen biết. Người Việt Nam chúng ta rất yếu về khả năng làm việc nhóm và thích làm việc chung với những người quen hơn người lạ. Vậy nên mới có khái niệm gọi là “gánh team” – một người làm công việc của cả nhóm. Chắc chắn, trong khi làm nhóm, lúc nào cũng xảy ra mâu thuẫn vì sẽ có người làm nhiều, người làm ít, người chẳng làm gì vì thế đôi lúc bạn chỉ muốn làm chung với những người bạn của mình để dễ dàng theo dõi. Nhưng khi đi làm, nhất là mới ra trường, bạn chẳng phải là sếp để có thể chọn những gì mình thích vì thế cấp trên phân bạn vào nhóm nào, bạn phải làm ở nhóm ấy. Do đó, bạn không thể cứ làm việc nhóm chung với bạn của mình mãi được. Tìm những người bạn mới làm việc nhóm chung, bạn sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị hơn, bạn sẽ học hỏi được cách làm việc nhóm của nhiều người. Dù tốt hay xấu, bạn cũng sẽ có kinh nghiệm hơn khi làm việc nhóm. Thành công là khi bạn có thể hòa nhập được với tất cả mọi người.

Lấy thật nhiều chứng chỉ

Sau khi rời đại học, bạn sẽ phải đi tìm việc làm nhưng nếu trong tay bạn chỉ có tấm bằng tốt nghiệp loại Cử Nhân đại học thì liệu có đủ sức cạnh tranh với những ứng viên ưu tú khác không? Cơ hội việc làm khan hiếm nên mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Nếu bạn không học thêm nhiều thứ khác bổ trợ cho chuyên ngành của mình thì đối với nhà tuyển dụng, bạn là người không có kinh nghiệm. Trong một môi trường chuyên nghiệp, nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi về chuyên môn, kỹ năng,… và bạn nên có bằng chứng cho họ. Nhưng đừng vì thế mà chỉ học đối phó để lấy chứng chỉ mà hãy nỗ lực để có nó, đó mới là chất lượng thực sự. 

Tham gia các hoạt động tình nguyện

Đời sinh viên, nếu không trải qua những ngày tháng hoạt động tình nguyện thì thật uổng phí. Mỗi hoạt động tình nguyện dù không đem đến cho bạn lợi ích về vật chất nhưng bạn sẽ học hỏi được rất nhiều. Thông thường, những hoạt động tình nguyện thường là giúp đỡ, hỗ trợ,… và sau mỗi lần tham gia, bạn sẽ cảm thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Nếu bạn chỉ suốt ngày ngủ trong chăn ấm, nệm êm, được bố mẹ lo cho từ a đến z thì bạn sẽ không thể nào trưởng thành được. Khi tham gia các hoạt động tình nguyện, bạn học hỏi được vô số điều bổ ích vì khi đó, bạn phải tự thân mình vận động, tìm kiếm, giúp đỡ những người xung quanh. Bạn là người hỗ trợ người khác chứ không ai giúp bạn ngoài những chiến sĩ trong đội của bạn. Chẳng hạn như “Mùa hè xanh”, bạn phải đi lao động cực khổ để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Khi ấy, bạn mới hiểu được những mảnh đời khó khăn, nghèo khổ,… Bạn học được tình yêu thương, giúp đỡ cộng đồng từ các chiến sĩ tình nguyện xung quanh. Hoặc tham gia vào các đội tình nguyện mang tính Quốc tế, bạn sẽ học được văn hóa của nhiều nước, được giao tiếp với nhiều người nước ngoài, bạn sẽ hiểu rõ hơn về những đất nước khác cùng sống chung trên trái đất này. Bạn sẽ cảm thấy vũ trụ này bao la, vô tận; xã hội này rộng lớn khôn cùng. Thử trải nghiệm một lần tham gia tình nguyện, bạn sẽ cảm thấy thú vị vô cùng.

Kết thật nhiều bạn

Hãy kết thật nhiều bạn trong môi trường đại học bởi lúc nào đó bạn sẽ cần nhờ đến sự giúp đỡ của họ. Nếu bạn quan niệm rằng đại học chỉ là nơi đào tạo kiến thức về ngành nghề vậy nên chỉ cần đi học rồi về đi làm, bạn bè không thể tốt bằng bạn thời trung học,… thì đó là một quan niệm vô cùng sai lầm. Tuy bạn đại học không mấy thân thiết như bạn bè ở thời cấp ba, nhưng đại học là một xã hội thu nhỏ và trong xã hội bạn phải có quan hệ rộng rãi. Họ sẽ là những người giúp đỡ bạn mỗi khi bạn gặp khó khăn ở trường. Dù chỉ là giúp đỡ việc nhỏ thôi nhưng bạn bè rất cần thiết. Kết bạn là một nghệ thuật, học được nghệ thuật ấy, bạn đã trở thành một nghệ sĩ thành công rồi đấy.

Đặt ra mục tiêu rõ ràng

Trước khi bắt đầu vào một môi trường mới, đặc biệt là đại học, bạn hãy dành ra một ít thời gian để đặt ra mục đích rõ ràng của bạn khi vào đại học (để có một việc làm ổn định, được làm ở những tập đoàn nổi tiếng,…). Điều này giúp bạn xác định rõ ràng về hướng đi của mình và từ đó đề ra những mục tiêu cần phải thực hiện. Ví dụ, bạn muốn ra trường với tấm bằng loại xuất sắc, khi đó, bạn mới có thể đề ra những mục tiêu làm để trở thành một sinh viên xuất sắc. Thông thường, một sinh viên đi học chỉ mong muốn đạt ở ngưỡng trung bình để không bị nợ môn nào là đủ vì rất nhiều lý do: người thì đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống, người thì không thích đi học,… Nhưng bạn nên nhớ rằng, “trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Bạn muốn thành công, bạn phải nỗ lực rất nhiều và phải khác biệt với mọi người. Nếu lớp của bạn chỉ toàn những sinh viên ưu tú thì bạn cần phải làm gì đó khác biệt với họ thì mới có thể thành công. Vì thế, khi vào đại học, bạn nên đề ra những mục tiêu sẽ đạt được, nó sẽ giúp bạn phấn đấu hết sức để hoàn thành. Nếu các bạn đã là sinh viên năm 2, năm 3 mà vẫn chưa có những mục tiêu của cuộc đời mình thì hãy bắt tay vào xây dựng.

Học giao tiếp bằng tiếng Anh

Bạn sẽ nghĩ như thế nào nếu bạn là một sinh viên giỏi nhưng khi gặp người nước ngoài hỏi đường, bạn không thể trả lời cho họ? Chắc chắn điều này sẽ khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Có những người thi TOEIC đến hơn 700 điểm nhưng lại không hề nói được tiếng Anh, lý do nằm ở đâu? Bởi vì họ chỉ chú trọng phần nghe và đọc hiểu chứ chưa hề dùng vốn tiếng Anh đã học được của mình để giao tiếp. Bạn nên cố gắng nói tiếng Anh thật nhiều cho dù có sai nhưng vẫn phải nói, đừng ngại sai vì có sai bạn mới có kinh nghiệm để sửa chữa. Ở trường đại học, bao giờ cũng sẽ có những hoạt động giao lưu với người nước ngoài, nếu bạn không nói được tiếng Anh, bạn đã mất đi cơ hội để giao lưu với họ, đó là một điều đáng tiếc.

Tập thuyết trình trước đám đông

Thuyết trình trước đám đông là một kỹ năng mà ai cũng bắt buộc phải có dù là sinh viên hay đã đi làm. Bạn không thể rụt rè, núp sau lưng làm người hỗ trợ mãi được. Muốn thành công, bạn phải tự tin vào chính mình. Hãy bước lên và nói trước đám đông. Bạn đừng sợ người khác cười khi bạn nói sai bởi người ta chỉ cười lúc đó thôi và sẽ quên ngay sau khi buổi thuyết trình kết thúc, rồi sau đó bạn sẽ lại về và khắc phục những thiếu sót của mình. Sau nhiều lần nói trước đám đông, bạn sẽ trở nên tự tin và bản lĩnh hơn và điều đó không những quyết định thành công của bạn trong môi trường đại học mà còn cả trong cuộc sống của bạn.

Rèn luyện sức khỏe và tâm lý vững vàng

Đại học là môi trường khắc nghiệt đúng nghĩa đối với những bạn xác định rõ ràng mục tiêu của cuộc đời và nỗ lực đấu tranh trên con đường mình đã chọn. Có những đêm bạn phải thức đến sáng để hoàn thành bài thuyết trình, đồ án, tiểu luận,… vì thế bạn cần phải có sức khỏe tốt để chống chọi trong những ngày ấy. Thực ra, bạn không nên thức khuya nhưng so với thực tế, bạn không thể tránh khỏi việc thức khuya dậy sớm. Vì thế, tranh thủ trong những ngày rảnh rỗi, bạn hãy luyện tập thể thao để có sức khỏe tốt. Điều quan trọng hơn đó là tâm lý của bạn phải vững vàng, nếu không sẽ dễ rơi vào tình trạng stress hoặc trầm cảm. Môi trường đại học là nơi bạn phải tự lập hết mọi thứ (nhất là đối với những bạn sống xa nhà), vì thế sức khỏe và tinh thần là hai yếu tố quan trọng giúp bạn vượt qua những khó khăn, vất vả.
Lời khuyên cho bạn là hãy ngủ đủ giấc vào những thời điểm còn rảnh rỗi, hạn chế thức khuya online, xem phim,… Chơi thể thao nhiều hơn hoặc có thể đi bộ mỗi ngày từ 10 đến 15 phút để thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, không sử dụng chất kích thích như trà, cà phê,…

Lập kế hoạch cụ thể

Bất kì một công việc gì cũng cần phải có một kế hoạch cụ thể để hoàn thành, nếu không sẽ rơi vào tình huống “nước đến chân mới nhảy”. Thời gian là thứ trôi đi rất nhanh. Bạn không thể nào hoàn thành tốt một công việc nào đó nếu không có kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Khi lịch trình của một công việc được lập ra rõ ràng, bạn sẽ dễ dàng quản lý và theo dõi được tiến độ công việc đến đâu để có thể hoàn thành đúng thời hạn. Mỗi ngày, bạn chỉ cần làm một phần nhỏ của công việc như kế hoạch đã lập ra thì đến deadline bạn chỉ cần tổng kết lại, vậy là xong. Đôi khi bạn than vãn về một đề tài đồ án quá nhiều, quá khó với sức của bạn,… nhưng nếu bạn bắt tay vào lên kế hoạch tìm hiểu và làm từ đầu, bạn sẽ thấy không có gì là khó mà còn có thể hoàn thành tốt đồ án của bạn nữa đấy.

Trả lời