Tuổi thơ bạn sẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh những buổi trưa hè trốn mẹ, trốn ba để chạy đi chơi trốn tìm, hay thức đêm thức ngày để chặt tre làm ống thụt. Rồi cả chuyện chia phe đánh trận giả hay làm nhà hàng với những món ăn tự chế…Hãy cùng sống lại tuổi thơ của các bạn qua những trò chơi một thời gắn bó.

Trồng nụ trồng hoa

Trồng nụ trồng hoa là trò chơi được các chị em rất ưa thích khi còn nhỏ. Trong trò này, có hai người “bị” cùng một lúc. Hai người này sẽ ngồi duỗi chân, chạm vào nhau làm mầm, rồi sau đó dần dần đặt bàn chân, bàn tay lên trên để làm thành nụ, thành hoa,…Những người chơi còn lại lần lượt nhảy, qua là thắng, không qua là thua, phải vào làm người “bị”.

Chơi chuyền

Để chơi trò này cần 10 que nhỏ (thường là bó đũa) và một vật hình tròn( ngày xưa thường dùng quả cam, quả quýt; sau này sử dụng bóng tennis). Cầm quả cầu ở một tay tung lên, nhặt từng que ở tay còn lại, cho đến hết bài đồng dao là thắng, còn làm rơi quả cầu thì mất lượt.

Chơi bắn bi bằng trái mù u

Bạn còn nhớ cái cảm giác mỗi buổi trưa đi dọc các con kênh, bờ ao để tìm những quả bi u thật tròn, thật nặng, thật đẹp để mang về chơi. Ngày ấy không có bi chai như bây giờ. Ngày ấy, số lượng bi u nhiều có khi được chất đầy một góc nhà. Giữa trưa lại lốc cốc mang sang một khu đất rộng, bảy tám đứa tụm lại để thi trò. Một số trò chơi bi u bạn còn nhớ: Bi u thùng, bi u vào lỗ, ném bi u…tất cả những trò chơi ấy giờ đây không còn nữa nhưng nó nhắc chúng ta nhớ lại một thời tuổi thơ đẹp.

Ô ăn quan

Ô ăn quan là trò chơi trí tuệ rất được trẻ em thế hệ xưa yêu thích. Ngày nay, bọn trẻ ít khi chơi trò này,
bởi bố mẹ thường thích cho con rèn trí tuệ bằng các trò chơi hiện đại. Ngoài ra, các ông bố bà mẹ cũng không thích con vẽ bẩn ra nhà, ra sân. Trong khi trò ô ăn quan cần một bàn cờ, thường được vẽ bằng phấn. Bàn cờ ô ăn quan là hình chữ nhật lớn chia làm 10 ô nhỏ, hai đầu có hai vòng cung lớn. Ở hai ô to đặt mỗi ô một viên sỏi lớn, tượng trưng cho quan, các ô nhỏ mỗi ô đặt năm viên sỏi nhỏ, tượng trưng cho quân. Trò chơi ô ăn quan có hai người tham gia. Cách chơi rất đơn giản, chỉ cần lấy sỏi trong một ô để rải. Nhưng để chiến thắng cần phải tính toán đường đi, nước bước khôn ngoan.

Làm súng chuối

Ngày ấy những cây chuối chắc sẽ thù lũ nhỏ chúng tôi lắm, bởi nó chưa kịp lớn, thì những tàu lá được cắt đi một cách hồn nhiên. Và từ đó, những cây súc kêu bành bạch được ra đời. Sẽ hạnh phúc và tuyệt vời nếu cây súng của mình nó dài và kêu to hơn những đứa trẻ trong xóm…

Trốn tìm

Một người nhắm tịt mắt úp mặt vào gốc cây hoặc vào tường, đếm “năm, mười, mười lăm, hai mươi,…cho tới một trăm. Trong thời gian đó, lũ bạn sẽ đi trốn. Và người “bị” sẽ đi tìm. Ai bị phát hiện sẽ phải làm người đi tìm trong lượt tiếp theo.

Chơi đồ hàng

Chắc những cô gái, chàng trai nơi làng quê không thể nào quên những gian hàng đầy đủ màu sắc và món ngon. Ngày ấy, vào những buổi trưa hè, từng đứa nhỏ trong xóm lại tụ tập với nhau để chơi đồ hàng. Đứa phân công ở nhà này, đứa ở nhà kia…Thế rồi, chia nhau đi tìm những nắp chai nhựa, những mảnh chén bị vỡ, những bông hoa để làm nên những món ăn đầy màu sắc và đặt tên riêng cho nó…Và ngày ấy, tiền để trao đổi, mua những món ăn là những chiếc lá được chia nhau theo kiểu: 1 ngàn, 2 ngàn, 5 ngàn…Giờ khi nhớ lại, chúng ta bật cười vì đã có một tuổi thơ hồn nhiên như thế.

Nhảy dây

Ngày xưa, mỗi khi đến lớp, trong cặp sách của cô học trò nào cũng có một sợi dây nối từ dây nịt (dây chun). Mỗi lần tới giờ ra chơi, mọi người lại cùng nhau đem ra nhảy. Có hai người “bị” đứng cầm hai đầu dây, nâng từ thấp tới cao theo các bậc: dẫm, gót chân, đầu gối, hông, nách, mang tai, đầu, gang tay, sải tay.  Có hai kiểu chơi: dây một, dây hai. Dây một thì chỉ cần nhảy qua là xong, dây hai thì phải nhảy thành bài: nhảy vào giữa, hai chân sang hai bên dây, hai chân vào trong dây, rồi nhảy ra ngoài.

Chơi bè chuối mùa lũ

Ở những nơi của cái nắng, cái gió, nơi của những cơn mưa lũ tràn về…Nói về mùa lũ của làng quê, nó để lại nhiều câu chuyện buồn, thế nhưng bên cạnh đó cũng là những kỷ niệm của tuổi thơ không bao giờ quên.
 

Đá bóng mùa rơm rạ

Sống ở miền quê nghèo chắc các bạn sẽ không quên được trò chơi này. Khi mùa gặt xong xuôi, những gốc rạ ấy được đốt cháy đi và nó nghiễm nhiên trở thành sân vận đồng bất đắc dĩ đêm ngày cho các chàng trai trong làng mỗi khi chiều về. Ngày ấy, nói là quả bóng đá cho sang nhưng thực chất đó là một ít rơm khô được độn vào quả bóng nhựa cũ kỉ…chỉ cần sút vài phát là rơm đi đường rơm, bóng đi đường bóng. Dù khó khăn là thế, nhưng tiếng cười vẫn hiện lên trên khuôn mặt từng người.

Trả lời