Với những căn bệnh ốm vặt, bố mẹ thường cho rằng có thể tự đi mua thuốc cho bé uống ở nhà. Tuy nhiên không phải căn bệnh nào cũng có thể áp dụng cách này, có những triệu chứng mà chỉ mới xuất hiện thôi bố mẹ cũng cần đưa bé đi khám ngay. Sau đây Toplist xin giới thiệu với các bạn những triệu chứng này nhé!

Đau bụng dữ dội

Đau bụng là một triệu chứng vô cùng phổ biến thường gặp ở trẻ và thường là do trẻ buồn bã, tức giận hay do sự thay đổi trong chế độ ăn hoặc do táo bón. Nhưng cơn đau nặng kéo dài hơn một vài giờ có thể là dấu hiệu của viêm ruột thừa, đặc biệt là nếu vùng đau tập trung ở phía dưới bên phải. Dấu hiệu viêm ruột thừa đột ngột này có thể đe dọa đến tính mạng nhưng tai hại hơn là ở chỗ nó dễ bị phớt lờ ở trẻ nhỏ vì trẻ hiếm khi có những dấu hiệu báo trước mà người lớn thướng gặp phải như bị sốt, buồn nôn hoặc nôn. Vì thế, khi thấy con có dấu hiệu đau bụng kéo dài, hãy đưa con đi kiểm tra ngay.

Sốt kèm theo nốt mẩn đỏ, đau cổ và nhức đầu

Các triệu chứng sốt kèm theo nốt mần đỏ, đau cổ và nhức đầu mà lại đi cùng với việc không thích đèn sáng, nôn mửa, khó đánh thức, hay nhầm lẫn, rối loạn hoặc thỉnh thoảng bị ngất lịm đi, có thể báo hiệu rằng trẻ có thể bị viêm màng não – một sự sưng tấy của màng não và xương sống có thể đe dọa đến tính mạng.

Điều quan trọng cần lưu ý là đôi khi không phải tất cả các triệu chứng xảy ra cùng một lúc – ví dụ như trẻ có thể không bị đau cổ hoặc phát ban. Có rất nhiều bệnh gây nên phát ban, nhưng loại phát ban báo hiệu đó là dấu hiệu nhiễm trùng máu hoặc ngộ độc máu do viêm màng não sẽ biểu hiện dưới dạng các đốm hay vết sưng tấy ở bất cứ đâu trên cơ thể, và không bị mất màu đỏ khi dùng bề mặt bằng thủy tinh đè hoặc nén chúng. Khi nhiễm trùng máu xảy ra cùng lúc với viêm màng não, nó có thể gây triệu chứng đau chân, tróc da, lạnh bàn tay và bàn chân. Nếu bạn nhận thấy con mình bị bất cứ triệu chứng nào trong số này, hãy đến bệnh viện vì điều trị sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng có thể gây tử vong.

Tiêu chảy và nôn kéo dài

Các trường hợp tiêu chảy và nôn kéo dài vài giờ có thể là dấu hiệu nhiễm trùng nghiêm trọng và có thể dẫn đến mất nước – trạng thái nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Vì vậy nếu thấy triệu chứng này ở con của mình thì hãy đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức bạn nhé!

Sốt cao

Chúng ta biết rằng nhiệt độ cơ thể trên 37,5 độ C là sốt nhưng hầu hết các bác sĩ nhi khoa đều nhấn mạnh rằng con số trên nhiệt kế không quan trọng bằng dấu hiệu bên ngoài của trẻ. Nếu chúng vẫn thoải mái chơi đùa và ăn uống bình thường thì có thể không cần phải lo lắng, nhưng nếu chúng có vẻ khó chịu hoặc lờ đờ bất thường thì đó là dấu hiệu rất đáng quan tâm. Đặc biệt nếu bé nhà bạn là trẻ sơ sinh dưới ba tháng có nhiệt độ cơ thể cao, bạn sẽ phải đưa con đi bệnh viện ngay. Hầu hết các cơn sốt ở trẻ em đều do cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm vi rút khác và có thể được điều trị tại nhà bằng cách sử dụng thuốc paracetamol dành cho trẻ em. Nhưng bố mẹ vẫn phải nhớ theo dõi để xem liệu có một sự tăng nhiệt độ bất thường nào khác trong một vài ngày sau đó và trở thành cảm cúm hoặc sốt vi-rút hay không, bởi điều này có thể cảnh báo nhiễm trùng tai hoặc họng biến chứng và sẽ cần đến thuốc kháng sinh.

Ngất xỉu

Nếu trẻ đột ngột ngất xỉu dù chỉ là trong thời gian ngắn cũng là một dấu hiệu mà bố mẹ nên cảnh giác và đưa con đi gặp bác sĩ ngay. Nếu trẻ không hồi phục nhanh trong một vài giây, hít thở khó khăn, mạch đập yếu hay bị co giật thì hãy đưa con đi gặp bác sĩ càng nhanh càng tốt bạn nhé.

Đau đầu, đặc biệt là sau khi bị ngã

Đau đầu là chuyện khá phổ biến nhưng những triệu chứng sau đây cần đặc biệt chú ý bao gồm: con bạn bị nôn mửa, thay đổi thị lực, chóng mặt, nhầm lẫn, nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn và thay đổi tâm trạng sau khi bị va chạm ở vùng đầu, vì những va chạm dù nhỏ nhưng với những đứa trẻ vẫn có thể gây choáng hoặc chấn thương não.

Khóc nhiều

Các bác sĩ cho rằng cha mẹ đều có thể cảm nhận và phát hiện ra được khi nào con khóc quá nhiều hoặc tiếng khóc có vẻ gì đó bất thường. Nhưng nói chung, nếu trẻ khóc dai dẳng, liên tục, âm độ cao hơn bình thường và có sốt thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc thậm chí viêm màng não, vì vậy hãy nhờ giúp đỡ ngay lập tức hoặc đưa trẻ đến ngay cơ cở y tế gần nhất nhé!

Các vấn đề về hô hấp

Nếu con bạn thở khò khè hoặc thở gấp và khó nhọc, trẻ sẽ cần sự giúp đỡ của y tế ngay lập tức. Các bạn có biết rằng vấn đề về hô hấp chiếm một phần ba số ca cấp cứu ở khoa nhi và là nguyên nhân phổ biến đứng thứ 5 gây tử vong ở trẻ em Anh từ 1 đến 14 tuổi. Nguyên nhân gây ra có thể là do hen suyễn, hoặc nhiễm vi rút như viêm phổi, đó là lý do tại sao khó thở thường đi theo các triệu chứng cảm lạnh như sốt, chảy nước mũi, ho hay đau họng. Những áp lực hoặc sự khó nhọc khi hít thở, có nghĩa là con của bạn không có đủ oxy và phải gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Các dấu hiệu khác có thể là:
– Xuất hiện những vết thâm nhạt xung quanh miệng, môi hoặc móng tay.
– Da nhợt nhạt hoặc xám.
– Lỗ mũi phồng lên quá mức.
– Da có dấu hiệu bị “lõm” ở giữa, trên, hoặc dưới xương sườn.

Đi tiểu nhiều, giảm cân, khát nước và đuối sức

Nếu trẻ có triệu chứng đi tiểu nhiều, giảm cân, khát nước và đuối sức thì đây có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 1. Điều quan trọng là phải gặp bác sĩ càng sớm càng tốt vì nó có thể dẫn đến tình trạng mất nước và hôn mê nghiêm trọng.

Những phản ứng nghiêm trọng

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp trẻ em bị dị ứng như dị ứng thời tiết, đồ ăn, lông vật nuôi… Đặc biệt, dị ứng thực phẩm có thể gây tử vong. Các mẹ hãy lưu ý những loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng ở trẻ em nhiều nhất là trứng, cá, các loại hạt (đặc biệt là đậu phộng), hải sản và sữa. Các chất gây dị ứng nghiêm trọng khác bao gồm vòi ong và một số thuốc. Các dấu hiệu tiềm ẩn của loại phản ứng dị ứng có thể đe dọa đến mạng sống bao gồm khò khè hoặc khó thở, phát ban hay mề đay, sưng môi, cổ họng hoặc lưỡi…

Trả lời