Khi đến với Thành phố Thanh Hóa hãy cùng dạo quanh phố phường để trải nghiệm các cung bậc của vị giác qua những món ăn tuy đơn giản, nhưng lại là nét đẹp truyền thống, đậm chất con người xứ Thanh.

Bánh dì ( bánh dầy)

Thường được bán rong trên phố vào mỗi sáng nên nếu muốn tìm ăn món này, bạn hãy ghé qua phường Nam Ngạn để thưởng thức. 
Bánh dì là món quà kỳ công nhất và ít phổ biến hơn cả ở thành phố Thanh Hóa. Có thể bạn đã bắt gặp món này ở đâu đó trên đường phố Hà Nội nhưng tìm về quê Thanh ăn thử một lần bánh dì mềm dẻo ở đây, bạn sẽ không thể nào quên được. Gạo nếp được chọn lựa kỹ càng, sau khi ngâm sẽ đồ lên thành xôi, để nguội rồi giã nhuyễn thành một thứ bột dẻo quánh. Sau khi đã có bột người ta làm thành viên tròn nhỏ bằng nắm tay, cho nhân đậu xanh đường vào làm nhân và lăn qua vụn đậu xanh đồ. Vì thao tác giã xôi thành keo nhuyễn rất kỳ công và làm bằng tay nên những hàng bánh gia truyền thường chỉ làm với số lượng ít.

Nem chua

Đã nhắc đến Thanh Hóa là phải nhắc đến nem chua. Nem chua Thanh Hóa có vị lạ rất khác với nem chua Hà Nội hay nem lụi ở Huế, lại càng khác xa với nem rán hay nem tai. Nó vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị, có vị ngọt của thịt làm ta không thể không ăn tiếp vài cái nữa. Người dân xứ Thanh vào Nam ra Bắc, dù bận trăm công nghìn việc, dù mang vác nặng nề cũng cố đem vài chục chiếc để cho người nhà hoặc biếu người thân…Nem chua gồm bì lợn thái chỉ, thịt mông nạc, thính gạo, gói cùng lá đinh lăng hoặc lá ổi bánh tẻ và các gia vị đặc trưng, để tạo ra một chiếc nem chua ngon đúng điệu cần phải có bí quyết gia truyền riêng. Từ chiếc nem chua cổ truyền, người dân Thanh Hóa sáng tạo ra rất nhiều loại và cách chế biến, thưởng thức khác nhau. 

Bạn có thể dạo qua các phố Đinh Lễ, Ngọc Trạo, Tô Vĩnh Diện… để thưởng thức.

Chả tôm

Chả tôm là món ăn độc đáo và lạ miệng với những thực khách phương xa. Cách làm khá cầu kỳ và tỉ mỉ. Tôm bột tươi sau khi mua về rửa sạch, bỏ vỏ, rút chỉ đất ở sống lưng và giã nhuyễn bằng cối đá. Để cho nhân có màu hồng đẹp mắt, người ta giã cùng một lượng gấc vừa đủ, sau đó trộn cùng thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay, xếp vào vỉ, đem nướng trên bếp than hoa. Vị bùi ngọt của nhân tôm cùng vị chua dịu của dưa góp lẫn chút cay cay của ớt tươi và rau sống thanh mát tạo nên hương vị khó quên cho món ăn. Xuất cho 2 người ăn khoảng 30.000 – 40.000 đồng.
Nếu có cơ hội ghé qua nơi đây, bạn hãy tìm đến các phố Nhà thờ, Đào Duy Từ, Chợ Vườn hoa cũ,…

Bánh răng bừa

Chỉ với gạo tẻ, nhân thịt lợn trộn với mộc nhĩ, hành khô gói trong lá chuối xanh, người xứ Thanh đã tạo nên món bánh ăn một lần nhớ mãi. Bánh răng bừa được làm từ gạo tẻ xay nhuyễn gói trong lá chuối, nhân thịt lợn, hành khô, mộc nhĩ. Chọn gạo làm bánh cũng là công đoạn cầu kỳ, gạo không khô quá, cũng không dẻo quá để tránh cho chiếc bánh không bị nát khi luộc lên. Gạo đem ngâm vài tiếng trong nước lạnh rồi đem xay nhuyễn, xay càng mịn thì bánh ăn càng ngon. Chọn thịt lợn làm nhân bánh cũng chọn thịt ba chỉ, có chút mỡ để khi luộc bánh, mùi thơm mỡ màng của thịt trộn với mùi gạo chín, lá chuối xanh… khiến người ăn không bao giờ biết chán.

Bánh khoái tép

Đây là món ăn bạn sẽ được người xứ Thanh giới thiệu đầu tiên, bởi lẽ món này chỉ có ở thành phố Thanh Hóa và rất ít huyện lân cận. Cách thưởng thức bánh khoái tép là “làm đến đâu, ăn đến đó”. Nguyên liệu chính gồm bột gạo tẻ xay dạng nước, rau cần nước rửa sạch cắt khúc nhỏ, bắp cải thái sợi và tép loại tươi ngon. Bột gạo được tráng lên chảo gang, sau đó cho rau cần, bắp cải, tép đã xào vào, lật cho bánh chín đều và giòn. Người làm phải biết điều chế củi lửa phù hợp để bánh không bị cháy cạnh, cũng không được mềm quá. Một quả trứng gà đập vào giữa bánh tạo nên màu vàng rộm, ngon mắt ngon miệng. Nước chấm chỉ cần nước mắm chanh ớt là đã đủ làm ngây ngất lòng thực khách.
Bạn có thể tìm đến các hàng ở phố Đào Duy Từ, Hàn Thuyên… để thưởng thức bánh khoái tép.
 

Ốc mút

Chùa Thanh Hà, phố Bến Ngự là địa chỉ quen thuộc của những thực khách trót mê mẩn món ốc hút và các món từ ốc. Vị đậm đà của ốc được tẩm ướp gia vị kỹ lưỡng cùng mùi sả ớt thơm nức mũi sẽ là một trải nghiệm khó quên với những ai mới thưởng thức lần đầu. Vị cay nồng đằm thắm của món ăn sẽ khiến bạn bị “xúc động” đôi chút. 

Bánh nhè

Bánh nhè gần giống bánh trôi nước, bánh ngào mật của Nghệ An. Vỏ bánh làm từ bột nếp dẻo mịn, nhân đậu xanh và dừa bào sợi. Bánh nấu bằng đường mật mía và gừng, là thức quà chiều dân dã. Món này được bán bởi những cô hàng rong, hoặc ở chợ Vườn Hoa, giá chỉ 5.000 đồng một bát.

Cháo canh

Đây là món ăn được xem chỉ có ở Thanh Hóa và cũng rất ít hàng bán, làm nên được hương vị tuyệt vời này. Cháo được nấu từ bột gạo, sợi bánh canh và quan trọng là nước hầm xương ống. Tô cháo canh đặc sánh có sườn lợn, tôm bóc vỏ, rắc thêm rau mùi thái nhỏ và chút ớt bột, vô cùng hấp dẫn. Muốn ăn cháo canh, bạn đến bên hông chợ Vườn Hoa, quán bán từ 2h chiều, luôn đông khách và chỉ 5h là hết hàng. Giá dao động từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng một tô tùy yêu cầu của khách.

Bánh ích

 Bánh ích có hình tròn, bên trong là nhân tôm thịt, ăn cùng mắm chế chua ngọt, rất mềm và ngon. Chỉ với 7.000 đồng là bạn đã có thể thưởng thức 2- 3 chiếc rồi. Được bán nhiều ở các chợ Vườn Hoa, Tây Thành hoặc một vài quán vỉa hè trên phố Đinh Lễ, bánh ích luôn hấp dẫn người ăn và thường hết hàng sớm.

Bánh cuốn

Bánh cuốn Thanh Hóa có vị mềm, dai của bột và thơm của thịt, mộc nhĩ cùng với hành khô giòn tan. Chúng ta có thể thưởng thức một đĩa bánh cuốn ngon, rẻ ở khắp nơi trong thành phố. Bột làm từ thứ gạo dẻo thơm, nên kể cả khi nguội bánh vẫn ngon như thường.
Người Thanh Hóa thường ăn bánh cuốn buổi sáng. Nếu muốn ăn bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bạn có thể ghé đường Tống Duy Tân, Trần Phú, Lê Quý Đôn…

Trả lời