Chả lụa Huế

Trên thị trường chả lụa hiện nay thì hai loại chả có mùi vị đặc trưng nhất là chả lụa Sài Gòn và chả lụa Huế. Chả lụa Sài Gòn đặc, mặn, trong khi chả lụa Huế lại ngọt, vị mặn dễ chịu hơn. Nấu bún bò Huế phải dùng chả lụa Huế mới ngon, chả lụa miền nam dù cao cấp đến mấy thay thế cũng không thể ngon đúng vị được. Đây cũng là món quà biếu tặng rất được ưa thích của những người đến Huế.  

Mè xửng

Là món quà biếu tặng lý tưởng từ chuyến du lịch Huế, mè xửng đã trở thành món ăn đại diện cho cả một vùng miền đến với các tỉnh thành khác và cả bạn bè quốc tế. Mè xửng không ngọt đậm như mạch nha, bởi còn có sự kết hợp của mè và đậu phộng. Mè xửng có hai loại chính gồm: mè xửng mềm và mè xửng cứng. Mè xửng mềm thường dành cho những tín đồ hảo ngọt, chỉ cần bóc lớp vỏ giấy kiếng bên ngoài là đã nếm ngay vị ngọt mềm mại của mạch nha được bọc phủ bởi rất nhiều hạt mè. Mè xửng cứng sẽ có thêm một lớp bánh tráng dày, giòn, bao phủ lớp mạch nha mỏng bên trong, cùng với đậu phộng nguyên hột, rất được những người ít ăn ngọt yêu thích.   

Trứng ruốc

Đây được xem là món ăn lý tưởng của dân Huế vào mùa mưa bởi vị mặn và cay, hút cơm của em ấy. Trứng ruốc rất dễ chế biến, chỉ cần đánh trứng ra trứng và trộn cùng mắm ruốc, cho thêm đường, ớt bột, tóp mỡ và hành lá vào là có ngay một món ăn tuyệt vời cho bữa tối lạnh lẽo. Trứng ruốc rất hút cơm, càng ăn càng khó dừng lại dù bụng đã no căng rồi.   

Cá kình

Cá kình là loại cá sống ở vùng nước lợ thường có nhiều tại Thừa thiên – Huế. Đây cũng được xem là một trong những loại cá nổi tiếng đặc trưng của xứ này. Cá kình nước lợ không to như cá kình biển, một con lớn chỉ tầm từ 2 đến 3 ngón tay, ruột sạch, ăn bùi béo và có tác dụng an thần ngủ ngon nên các bà nội trợ sẽ không cần cắt bỏ. Cá kình được chế biến đa dạng, nhưng tiêu biểu nhất là hai món: bánh khoái và nấu canh thơm cùng ớt và mắm ruốc.   

Cơm gói lá sen

Nếu vào mùa lũ lụt có cá ngạnh hút cơm thì mùa hạ nắng gắt đất Huế lại ngạt ngào một mùi sen thơm phức. Sen được trồng rất nhiều ở Huế bởi các chúa triều Nguyễn rất thích hoa sen và sùng đạo Phật. Trong đó, cơm nấu lá sen là một trong những món ăn tạo nên thương hiệu ẩm thực xứ Huế. Cơm sen ở Huế có hai loại cơm chay và cơm mặn. Cơm được hấp cùng rau củ và các loại chả thái hạt lựu nhưng không chiên vàng như cơm dương châu mà đem hấp trong lá sen vừa thơm vừa bùi béo.

Chè, bánh hạt sen

Hạt sen là sản phẩm được dùng nhiều trong cung đình Huế thời xưa. Các loại bánh và chè hạt sen vẫn được người dân Huế lưu giữ và truyền lại đến tận hôm nay. Người Huế nấu chè hạt sen bằng đường phèn, nên nước chè vàng nhạt, vị thanh chứ không trắng toát hoặc vàng gắt. Đường phèn khi tan ra cũng tạo độ ngọt nhẹ, dễ chịu tăng thêm sự sang trọng, cao cấp cho món ăn. Chè hạt sen tại Huế chỉ dùng duy nhất hạt sen không nấu kèm với táo tàu hay bạch quả như người Trung Quốc.   

Bún bò

Là món ăn đại diện cho cả một vùng miền Trung, sánh ngang hàng với món phở của Hà Nội và cơm tấm của Sài Gòn, bún bò ra đời từ mảnh đất Huế đẹp thơ mộng, êm đềm. Bún bò chính gốc của người Huế phải có nhiều sả và mắm ruốc. Mắm ruốc phải chính gốc làm từ con ruốc ở đất Huế thì mới đủ vị nồng và ngai ngái. Bún bò Huế không dùng củ cải làm ngọt nước mà chỉ dùng sả, thơm và nước hầm xương. Tô bún bò ngon là phải có nước màu đỏ trải đều phía trên, như vậy mới đẹp mắt và tăng vị béo cho nước dùng.   

Cơm hến

Nói đến ẩm thực Huế là phải nói đến cơm hến. Nếu không ăn cơm hến nghĩa là bạn đã đến Huế một cách vô nghĩa rồi. Cơm hến chỉ được bán tại Huế, rất khó kiếm được tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cơm hến ở Huế có giá rất rẻ, chế biến cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần cơm nấu mềm, hến xào mặn, ăn kèm top mỡ giòn, hoa chuối, rau sống, giá đỗ, mắm ruốt, tạo nên một hương vị ngọt, mặn, béo, bùi mà không thể tìm thấy ở một món ăn thay thế nào khác. Đến với Huế, hãy thử ngay món cơm hến này nhé, bạn sẽ dễ dàng tìm được chúng tại bất cứ nơi nào từ thành thị đến cả vùng nông thôn.  

Bánh bột lọc

Phụ nữ Huế rất khéo tay, lại rất chăm chỉ nên ở Huế có rất nhiều loại bánh bột đặc trưng ngon nức tiếng như bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo,… Bánh bột lọc ở Huế nhỏ xíu như ngón tay cái thôi, người nhào bột kỹ lưỡng đến mức vỏ bánh trong veo lộ cả con tôm đỏ, bánh bột lọc ăn cùng nước mắm và đu đủ thái sợi. Ăn vào bột bánh dai, vỏ tôm lại giòn rụm, mặn mặn ngọt ngọt của nước mắm chấm, ai ăn một lần đều muốn thử lại nhiều lần sau.  

Cá ngạnh

Giống như cá kình, cá ngạnh là đặc sản của vùng non nước thần kinh. Đặc biệt, cá ngạnh chỉ có ở vào mùa lũ, nên khi trời mưa món canh măng chua cá ngạnh đã trở thành truyền thống muôn đời khó bỏ của người dân xứ Huế. Và nhiều con người cũng chỉ mong đến Huế vào mùa nước lớn để được ăn canh chua cá ngạnh của vùng quê nơi đây. Cá ngạnh có bề ngoài giống hệt cá trê con nhưng chỉ to bằng ngón cái, vào mùa lụt, cũng là mùa sinh sản của cá ngạnh nên con nào con nấy bụng đầy ắp trứng, trứng cá ngạnh to, bùi béo, thịt cá tươi, mềm, hòa quyện với vị cay của ớt và cái không khí lạnh ngoài trời thật sự là một bữa ăn thần tiên ở xứ cơ cực.   

Trả lời