Sách từ lâu đã trở thành một phương tiện hữu hiệu truyền tải thông điệp , định hình nhận thức và có chức năng cảm hóa con người, gắn kết con người với con người. Bên cạnh những cuốn sách viết về tình yêu lứa đôi, vốn thu hút được rất đông đảo những bạn độc giả trẻ tuổi, còn rất nhiều những cuốn sách viết về thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng mà bấy lâu nay chúng ta thường không mấy ai quan tâm đến, đó chính là tình cảm gia đình. Bài viết này Toplist xin gợi ý cho các bạn top 10 cuốn sách hay viết về gia đình mà ai trong chúng ta cũng nên đọc ít nhất một lần.

Hãy chăm sóc mẹ – Shin Kyung-sook

Câu chuyện “Hãy chăm sóc mẹ” được kể qua lời của cô con gái lớn Chi-hon. Người mẹ trong câu chuyện cũng giống như biết bao người mẹ khác, âm thầm, bình lặng hi sinh cả cuộc đời vì chồng vì con. Đến một ngày, bà đi lạc. Những người con đi tìm mẹ, họ mang theo những mảng ký ức về mẹ, về người mà họ chưa hiểu và về người mà họ chưa yêu từ trước đến giờ. Hành trình tìm mẹ cũng là một hành trình tìm với những ký ức tuổi thơ, nơi họ được nuôi dưỡng trong tình yêu thương, đùm bọc của mẹ. Nhưng có bao giờ họ tự hỏi: liệu mẹ có thích làm việc trong bếp không? Liệu mẹ có bao giờ được làm việc mẹ thích không? Liệu mẹ có bao giờ dừng làm việc không? Và có bao giờ họ coi mẹ là một người phụ nữ, biết yêu, biết làm đẹp, biết buồn? Hay mẹ mãi mãi chỉ là mẹ, quần quật với từng đứa con, lam lũ cúi mặt trong bếp, bốc mùi với đống dưa muối?…

Đọc cuốn sách, mỗi chúng ta như bừng tỉnh vì đều nhận ra một phần bản thân trong câu chuyện. Cuốn sách đã nhấn chìm ta trong cái nỗi buồn đau nhức nhối, bởi vì chính chúng ta, liệu có bao giờ nhìn lại mẹ, để nhìn thấy những dấu vết thời gian in hằn trên khuôn mặt mẹ, thấy nỗi buồn ánh lên trong đôi mắt mẹ mỗi khi chúng ta làm cho mẹ buồn phiền?

Mẹ, thơm một cái – Cửu Bả Đao

Mẹ, thơm một cái là một cuốn sách hết sức chân thật và cảm động viết về tình mẫu tử. Với lời văn giản dị, chân thực, nhưng giàu cảm xúc, Cửu Bả Đao đã truyền đến cho người đọc một sự đồng cảm sâu sắc về tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Mỗi trang viết là lời gửi gắm tâm tình, chất chứa biết bao cảm xúc với người mẹ thân yêu khi bà đang nằm trên giường bệnh. Người mẹ dười ngòi bút của Cửu Bả Đao là người mẹ mạnh mẽ, giàu đức hi sinh và yêu thương gia đình hết mực. Mẹ, người mẹ ấy chỉ đến khi bị bệnh mới chính thức được nghỉ ngơi sau những ngày lo toan cho gia đình. Đan xen giữa những suy nghĩ, lo lắng về mẹ là những câu chuyện về đời sống của tác giả: chuyện chú chó Puma già hay bệnh, mối quan hệ giữa Đao và cô bạn gái Chó Xù, chuyện Đao đi nhận nhiều giải thưởng văn học,.. rồi từ đó rút ra những bài học sâu sắc về triết lý nhân sinh, tình yêu, quan niệm sáng tác văn chương. Khi gấp cuốn sách lại chính là “Mẹ ơi,  thơm một cái, thơm cái nữa rồi lại thơm cái nữa”.

Một câu chuyện quá đỗi đáng yêu, tinh nghịch nhưng lại đầy ắp tình cảm yêu thương vô bờ bến giữa mẹ và con làm cho người đọc cảm thấy ấm lòng vô cùng.

Cha và con – Tony Parsons

Tình cảm cha và con vốn là một thứ tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người. Tựa đề của cuốn tiểu thuyết này “Cha và con” đã phàn nào nói lên được chủ đề của cuốn sách này. Liệu 30 tuổi đã phải là số tuổi đủ để một người được gọi là “trưởng thành” hay chưa? Vì một phút yếu lòng với đồng nghiệp, Harry Silver đã tự đẩy mình vào thế khó khi chịu cảnh thất nghiệp, vợ bỏ đi và một mình nuôi con. Hoàn cảnh đã buộc Harry trưởng thành trong vai trò của một người phụ nữ và rồi nhận ra rằng đáp án đó chưa đủ với một người đàn ông.

Bằng ngòi bút sắc sảo, hóm hỉnh và những kinh nghiệm từ chính cuộc đời mình, Tony Parsons đã vẽ nên một bức tranh cười ra nước mắt nhưng thấm thía về cuộc đời một người cha chưa-trưởng-thành đơn thân. Cuộc sống chẳng bao giờ đơn giản –  ông còn dành cho độc giả những khoảng lặng để suy ngẫm, đồng cảm và thấu hiểu với một câu trả lời cuối cùng không đẹp lung linh cũng chẳng trọn vẹn. Nó không khiến người ta thất vọng nhưng cũng hoàn toàn không tạo nên sự ảo tưởng…

“Cha và con” là một câu chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng lại có tác động sâu sắc đến trái tim mỗi người độc giả về mối quan hệ tình thân, tình cha con, tình bạn…Ai trong cuộc đời cũng sẽ mắc lỗi lầm, nhưng quan trọng hơn cả là bạn nhận được gì từ những lỗi lầm đó và cách bạn đứng lên sau mỗi vấp ngã sẽ tôi luyện các bạn để trưởng thành hơn.

Người mẹ số 0 – Marjolijn Hof

“Người mẹ số 0” là tiểu thuyết nổi tiếng của nữ tiểu thuyết gia Marjolijn Hof. Tác phẩm kể về những diễn biến và đấu tranh tâm lý phong phú và đa dạng của một cậu bé có tên là Fé (Fejzo), người đang là con nuôi trong một gia đình khá giả và hạnh phúc. Cha mẹ nuôi rất yêu quý cậu nhưng lúc nào cậu cũng thắc mắc và muốn biết về người đã sinh ra mình. Ban đầu cậu cho rằng mẹ ruột của cậu là người mẹ số 1 còn người mẹ nuôi bây giờ là mẹ số 2. Nhưng cậu nhanh chóng nhận ra người mẹ đang nuôi mình mới thực sự là người gần gũi với mình và cậu quyết định gọi mẹ hiện giờ là mẹ số 0 còn người mẹ đẻ là mẹ số 1. Cậu cho rằng số 0 đứng trước số 1 và do vậy mẹ nuôi, người đã chăm sóc cậu phải đứng trước người mẹ kia của cậu.

Thế nhưng cuối cùng, Fe vẫn quyết định đi tìm bố mẹ ruột của mình với sự ủng hộ hết lòng của bố mẹ nuôi. Tuy vậy, Fé vẫn lo lắng không biết rằng liệu quyết định của bản thân có khiến người mẹ nuôi hiện giờ cảm thấy tổn thương, đau lòng hay không. Cuốn sách kết thúc ở những dòng tâm trạng đó. Cuốn sách giúp cho chúng ta nhân ra một điều rằng tình thân không nhất thiết phải xuất phát từ tình cảm ruột rà máu mủ mà quan trọng là ai là người thực sự quan tâm yêu thương ta, ai là người thực sự quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc đời ta.

Không gia đình – Hector Malot

Đây là một trong những cuốn sách thuộc hàng kinh điển của kho tàng văn học thế giới. “Không gia đình” kể về cuộc phiêu bạt của Rêmi – một cậu bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, sống với mẹ nuôi ở một vùng quê hẻo lánh. Sau đó, em đi theo đoàn xiếc chó, khỉ, cầm đầu bởi Vitali – một cụ già từng trải và đức độ, đi chu du và biểu diễn khắp mọi miền nước Pháp. Rồi sau đó em lại phải vào tù vì bị mắc án oan. Cuối cùng, giống như những kết thúc có hậu trong các câu chuyện cổ tích, Rêmi tìm lại được gia đình thật sự của mình và sống hạnh phúc bên những người thân yêu.

Qua câu chuyện của Remi, đại văn hào Hector Melot đã lồng ghép vào đó những bài học ý nghĩa về cuộc sống: ngợi ca tinh thần lao động, ý chí tự lập, khả năng chịu đựng gian khổ, vượt qua khó khăn thử thách, đề cao tình bạn, tình người.

Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương – Sara

Quyển sách này là tự truyện và đúc kết kinh nghiệm của Sara – một người mẹ Do Thái lớn lên tại Thượng Hải. Do Thái là một dân tộc huyền bí, từng xuất hiện nhiều triết gia vĩ đại và doanh nhân thành công ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mặc dù dân số không đông nhưng lại có nguồn sức mạnh trí tuệ tiềm ẩn khổng lồ, có khả năng làm bá chủ cả thế giới. Sau này, các con của bà đều thành công và trở thành triệu phú. Tuy vậy, họ không coi trọng đồng tiền bằng việc biết ơn mẹ mình.

Đọc Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương để đặt mình vào vị trí cha mẹ, thấu hiểu và thông cảm trước những lời nhận xét hay cách dạy dỗ mà chúng ta cho là “hà khắc”, “khắt khe”. Để biết rằng tình yêu không chỉ đến từ những lời ngọt ngào đường mật. Và dù cho là triệu phú, vẫn phải nghe lời mẹ như một đứa trẻ thơ.

Tôi bị bố bắt cóc – Mitsuyo Kakuta

Tôi bị bố bắt cóc” là cuốn sách của tác giả Nhật Bản với nội dung dễ thương, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Tác phẩm kể về Haru, một bé gái 11 tuổi hiện sống cùng với người mẹ của mình sau khi bố mẹ cô bé quyết định sống ly thân vì mâu thuẫn trong hôn nhân. Haru vốn rất yêu bố nhưng vì sống với mẹ nên cô bé và người cha của mình không còn gần gũi và thân thiết như xưa. Bỗng một ngày, Haru thèm ăn kem và quyết định ra cửa hàng kem. Ở đây, cô bé bất ngờ gặp bố mình, người đang đợi cô trên xe ô tô cùng với lời mời chân thành: “Xin mời tiểu thư”. Và hai bố con chính thức bước vào vụ “bắt cóc” hay nói cách khác là chuyến du lịch đầy trải nghiệm mà người bố muốn con gái mình thử.

Bằng tình yêu thương, và sự kiên nhẫn của mình, bố Takashi đã đưa người con gái vốn chỉ quen sống ở thành phố với những tiện nghi bất ngờ đến vùng nông thôn tuy xa lạ, thiếu thốn nhưng lại có nhiều cơ hội gần gũi với thiên nhiên và người dân nơi đây. Chuyến phiêu lưu kỳ lạ nhưng không kém phần thú vị này đã giúp cho Haru nhận ra nhiều điều mới mẻ về cuộc sống xung quanh mình và đặc biệt là giúp em hiểu thêm và gắn bó với người cha thân yêu.

Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt – Doãn Kiến Lợi

Vốn là một cuốn sách viết về đề tài giáp dục con cái, thế nhưng Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt lại nhận được rất nhiều sự phản hồi tích cực từ các bạn trẻ, những người đã nhận được sự yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Cuốn sách đánh giá cao vai trò của nền tảng giáo dục gia đình trong việc định hình nhân cách của những đứa trẻ. Và tất nhiên, không thể thiếu trong mọi phương pháp dạy trẻ, Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt có nền tảng bằng tình yêu thương của người mẹ dành cho con. Không chỉ là những bài viết khô khan, tác giả Doãn Kiến Lợi đã lồng vào sách hình ảnh của gia đình bà, của cô con gái nhỏ từ lúc còn bé thơ đến khi trưởng thành.

Có rất nhiều phụ huynh tìm được cho mình phương pháp giáo dục con cái hiệu quả, và có rất nhiều bạn trẻ bắt gặp chính mình, gia đình mình trong từng trang sách.

Cuốn sách phù hợp cho những người làm công tác giáo dục, quan tâm đến giáo dục và những người sắp làm cha, làm mẹ cũng như các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi thiếu nhi đến độ tuổi mười bảy, mười tám.

Ngoài kia giông bão, lòng mẹ bình yên – Cheon Myeong Kwan

Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên” là một trong những cuốn sách hay nhất viết về tình mẫu tử của nhà văn “xứ sở kim chi” – Cheon Myeong Kwan. Nội dung của tiểu thuyết kể về cuộc sống của nhân vật In Mo, một người đàn ông gần 50 tuổi đang sống trong cơn bị kịch của cuộc sống khi liên tiếp thất bại trong công việc, người vợ yêu quý bỏ theo người đàn ông khác, còn bản thân thì không cả có đủ tiền để trả cho việc thuê nhà. Đang trong hoàn cảnh cùng cực, bế tắc thì anh nhận được cuộc điện thoại của người mẹ già bảo anh về ăn cháo gà. Và thế là anh quyết định về nhà và ở lại với mẹ. Trong căn nhà nhỏ của mẹ không chỉ có In Mo mà còn có người anh trai và cô em gái út sống nương nhờ vào đồng lương ít ởi của người mẹ già sau những thất bại trong cuộc sống. Vậy mà người mẹ vẫn không hề mở lời oán thán hay trách móc mà bà vẫn dang rộng vòng tay đón những đứa con yêu của bà.

Bằng sự hy sinh, tình yêu thương và lòng bao dung vô bờ bến, bà xoa dịu những vết thương nhức nhối trong tâm hồn những đứa con chưa thành công. Chẳng những thế, người mẹ già còn che chở, động viên và giúp những đứa con không còn trẻ vượt qua quá khứ, đứng dậy sau thất bại để làm lại cuộc đời. Tác phẩm “Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên” chứng tỏ được rằng dù bất cứ chuyện gì xảy ra đi nữa thì người mẹ vẫn luôn là bến bờ yêu thương giữa biển đời đầy giông bão.

Ba ơi, mình đi đâu? – Jean-Louis Fournier

Cuốn sách được thể hiện dưới hình thức một bức thư của một người cha gửi cho 2 người con trai tật nguyền của mình: Mathieu và Thomas. Mặc dù Ba ơi, mình đi đâu mở ra một thế giới đen tối đến mức ám ảnh: thế giới của sự tật nguyền, của nỗi đâu, của sự thất vọng… vậy nhưng cảm xúc mà xuốn sách mang lại thì hoàn toàn ngược lại. Vốn là một bậc thầy trào phúng, Jean-Louis Fournier đã khiến cho độc giả phải cười, phải khóc phải suy ngẫm nhưng không hề mang lại cảm xúc bi lụy, đau thương. Người cha Jean-Louis tồn tại với hai tạo vật của mình bằng “Nụ cười”, với triết lý “thay vì, mềm yếu trước khuyết tật của mình chúng lại lấy khuyết tật đó ra để vui đùa”.

Đọc “Ba ơi, mình đi đâu?” – Chúng ta sẽ đi về nơi yêu thương sẽ hàn gắn mọi nỗi đau và ngọn nến hy vọng mãi được thắp sáng mãi.

Trả lời