Quan hệ mẹ chồng nàng dâu là quan hệ gia đình khá thân thiết. Cuộc sống chung giữa mẹ chồng và nàng dâu có hòa thuận hay không , có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống gia đình. Để xây dựng và giữ vững được hòa thuận trong quan hệ mẹ chồng, nàng dâu, đòi hỏi cả hai bên đều phải cố gắng hết sức. Đứng ở góc độ mẹ chồng, sau đây là những điều cần phải chú ý.

Quan tâm chăm sóc đến đôi vợ chồng trẻ

Cần nhận thức được rằng: quan hệ vợ chồng có nhiều điểm không giống như quan hệ mẹ con. Cặp vợ chồng trẻ cần được chung sống suốt đời bên nhau cho đến khi đầu bạc răng long. Vì thế, hãy tạo mọi điều kiện cho hạnh phúc của con mình, coi niềm vui, sự hòa thuận của đôi vợ chồng trẻ là niềm vui của người mẹ.

Không nói xấu con dâu với hàng xóm

Nếu có cách nhìn không mấy thiện cảm về con dâu, cũng không nên nói lung tung những suy nghĩ đó với bạn bè, hàng xóm. Ngay cả khi nói với con trai cũng hết sức thận trọng. Nếu không sẽ sinh chuyện, thậm chí thành to chuyện.

Hãy coi con dâu như con gái

Giữa mẹ chồng và nàng dâu không có tình yêu thương tự nhiên như giữa mẹ và con gái. Nhưng nếu đôi bên muốn có cuộc sống êm ấm, hạnh phúc thì hãy cố gắng xây dựng mối quan hệ, đến với nhau bằng tình thương, coi con dâu như chính con gái của mình. Nếu làm được điều này thì con dâu cũng sẽ coi mẹ chồng như mẹ đẻ của mình.

Mẹ chồng phải thường xuyên quan tâm đến con dâu

Tục ngữ có câu: “Yêu người người lại yêu ta”. Trong cuộc sống, mẹ chồng phải thường xuyên quan tâm đến con dâu, ví dụ như giúp con dâu làm việc nhà, chăm sóc cháu và giúp nàng dâu thoát ra khỏi những khó khăn buồn bực trong các lĩnh vực khác. Nếu mẹ chồng thực sự quan tâm và yêu quý con dâu, làm sao con dâu lại không quan tâm, yêu quý mẹ chồng.

Không xoi mói bắt bẻ, không hà khắc với con dâu

Mẹ chồng không thể đòi hỏi quan điểm sống, thói quen, sinh hoạt,… của thanh niên phải hoàn toàn giống người già. Nếu không phải là lỗi lớn, có thể châm chước, ai cũng có “một khoảng tự do” nhất định. Nếu là lỗi lầm lớn, cần chú ý khuyên bảo.

Phải suy nghĩ theo hướng tích cực

Nếu nàng dâu có những lời nói, cử chỉ xúc phạm đến mẹ chồng, làm mẹ chồng buồn bực, thì mẹ chồng nên nghĩ nhiều đến những lý do tích cực, ví dụ như: “Đây chắc là con nó không để ý”, “Nó còn trẻ người non dạ, chưa hiểu biết gì lắm”, chứ không nên nghĩ: “Con dâu cố tình gây khó dễ với mình, cố tình chọc tức mình”.

Mẹ chồng là tấm gương trong cuộc sống

Người mẹ phải luôn làm gương trong cuộc sống gia đình và luôn có tư tưởng tiến bộ để chiếm được lòng tin của con dâu. Đây là nét cơ bản trong quá trình xây dựng và giữ gìn mối quan hệ.

Phải có tác phong dân chủ

Đối với những việc tương đối lớn trong nhà, nên bàn bạc với con dâu và hết sức tôn trọng ý kiến của con dâu. Đối với những việc thuộc về bản thân con dâu, nên làm tốt vai trò góp ý “tham mưu” nhưng không áp đặt. Dù trong nhà xảy ra chuyện to tát đến mức độ nào, cũng cần nói rõ chủ trương, bình tĩnh giải quyết.

Không nên so sánh mẹ chồng với mẹ đẻ

Không được so sánh việc nàng dâu đã đối xử với mình như thế nào với việc cô đối xử ra sao với nhà mẹ đẻ. Dù nàng dâu có thường xuyên về nhà mẹ đẻ hơn, hết sức thương nhớ và quan tâm đến mẹ đẻ thì cũng nên hiểu rằng đó là điều tự nhiên, nên làm.

Không nên tranh cãi, làm bẽ mặt con dâu

Không lên mặt kẻ cả, không được quá tự trọng, từ đó phải cho rằng con dâu phải hết sức tôn trọng mình hoặc phải thế này, phải thế kia. Xin lưu ý rằng, dù trong bất cứ tình huống nào, đều không nên tranh cãi với con dâu, không được làm bẽ mặt con dâu một cách quá đáng. Nếu không, sẽ không gỡ được mọi chuyện.

Trả lời