Trên thế giới hiện nay dịch vụ thanh toán di động đang rất được ưa chuộng. Nhu cầu thanh toán dễ dàng của người tiêu dùng là điểm mà các ứng dụng này muốn hướng tới. Dưới đây là 10 ứng dụng thanh toán di động thịnh hành nhất trên thế giới hiện nay.

AliPay

Alibaba là cái tên không còn xa lạ với những tín đồ mua sắm online, AliPay là ứng dụng do công ty này phát hành. AliPay có phạm vi hoạt động khá rộng và chính thức ra mắt vào năm 2004. Hiện nay, ứng dụng đã có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên thị trường chính vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong và Thái Lan. Năm 2016, ứng dụng đạt 91 tỷ lượt giao dịch với hơn 450 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên.

Samsung Pay

Ra mắt sau Apple Pay gần một năm, Samsung Pay nhanh chóng trở nên phổ biến trên thị trường Hàn Quốc. Ứng dụng này có thể giao tiếp với các máy quẹt thẻ (POS) bằng hai công nghệ là “truyền dữ liệu an toàn qua từ tính” (MST) và “giao tiếp không dây tầm gần” (NFC), điều này tạo ra sự linh hoạt trong sử dụng ví điện tử của hãng này.
Ứng dụng này đã được sử dụng chính thức tại Việt Nam vào tháng 9 vừa qua.

Paytm

Paytm ra đời vào năm 2010 và có thị phần lớn tại Ấn Độ. Năm 2016 ví điện tử Paytm đạt 1 tỷ lượt giao dịch, đạt tổng giá trị hơn 5 tỷ USD. Tại Ấn Độ, ứng dụng này có khắp mọi cửa hàng tạp hóa, trạm thu phí… thậm chí là cả những sạp bán rau vỉa hè cũng chấp nhận loại hình thanh toán này. Bất kỳ nơi nào có treo mã QR của Paytm thì người dùng có thể quét để trả tiền bằng điện thoại.

MoMo

MoMo là ví điện tử đang rất thịnh hành tại Việt Nam, liên kết với nhiều giao dịch thương mại điện tử. MoMo cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân trên điện thoại một cách dễ dàng. Hiện nay, MoMo có thể giúp người dân Việt Nam thanh toán hầu hết các loại hóa đơn/dịch vụ như điện, nước, Internet, di động, truyền hình,…

AirPay

AirPay là dịch vụ ví điện tử di động của công ty VietNam Esports, một ứng dụng giúp việc thanh toán của người Việt trở nên đơn giản, tiện dụng và gần gũi hơn. AirPay giúp người dùng có thể mua mã thẻ game, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền cũng như thanh toán các hóa đơn phát sinh trong cuộc sống hàng ngày.

M-Pesa

Ra đời từ năm 2007, M-Pesa là sản phẩm của nhà mạng Safaricom tại Kenya. Ứng dụng này đã giúp người dân Kenya chuyển tiền, gửi tiền, rút tiền và thanh toán các dịch vụ một cách dễ dàng bằng điện thoại di động. Hiện nay, M-Pesa có mặt tại nhiều quốc gia như Afghanistan, Nam Phi, Ấn Độ, Rumani, Albania… Ứng dụng hiện có 25 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên cùng 328,6 triệu lượt giao dịch vào năm 2016.

WeChat Pay

WeChat Pay là sản phẩm của Tencent, ứng dụng ví điện tử này cùng với Alipay đang khuynh đảo thị trường dịch vụ tại Trung Quốc. Mã QR của hai ứng dụng này xuất hiện ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc. WeChat hiện đang chiếm 40% thị phần thanh toán di động của Trung Quốc. Hiện nay, WeChat Pay đã đạt được 963 triệu người dùng trên thế giới.

PayPal

Ứng dụng PayPal là một cổng thanh toán trực tuyến trên Internet được ra đời từ năm 1999. Trên đà phát triển của thị trường di động, công ty này đã phát hành PayPal để các khách hàng có thể thanh toán dễ dàng hơn chỉ với một chiếc ví điện tử trên điện thoại. Hiện nay, PayPal có mặt ở 202 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 197 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Thị trường lớn nhất mà ứng dụng dịch vụ này đang hoạt động là Anh, Mỹ, Đức, New Zealand và Australia.

Android Pay

Ông lớn Google cũng cho ra mắt ứng dụng ví điện tử vào tháng 9/2015 với tên gọi Android Pay. Đây là một bộ khung cho phép bên thứ ba sử dụng để phát triển ứng dụng thanh toán riêng, một điểm khá đặc biệt so với những ứng dụng thông thường khác. Android Pay hỗ trợ xác thực bằng vân tay và cũng giao tiếp với máy POS bằng công nghệ NFC. Hiện nay đã có khoảng 5 triệu người dùng thường xuyên ứng dụng này, chủ yếu tại thị trường Anh và Mỹ.

Apple Pay

Dịch vụ thanh toán do Apple phát triển và ra mắt vào năm 2014 đã trở nên vô cùng thịnh hành trên thế giới, có tên Apple Pay. Ứng dụng được cài trên iPhone và chỉ dùng được với các máy thanh toán tích hợp công nghệ NFC. Thị trường lớn nhất mà Apple Pay hoạt động là Mỹ, ngoài ra còn có thêm 13 quốc gia khác dùng được. 
Năm 2015, giá trị giao dịch qua Apple Pay là 10.9 tỷ USD. Có khoảng 35% nhà bán lẻ tại Mỹ chấp nhận thanh toán bằng ứng dụng này.

Trả lời