Đấu vật

Đấu vật là một trò chơi thượng võ, không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà sự mưu trí và nhanh nhẹn cũng đóng góp phần đáng kể. Ở nước ta có nhiều ngày hội đấu vật như hội vật làng Sình, Liễu Đôi, Hà Nam… và trong ngày Tết Cổ Truyền, trò chơi ngày Tết này diễn ra ở khắp mọi nơi trên cả nước. Nhiều hội vật ở các làng xã được tổ chức để khuyến khích tài năng cũng như rèn luyện thân thể của trai tráng đồng thời tạo không khí chơi xuân. 

Đi cà kheo

Tuy khó chơi và đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe tốt cùng sự khéo léo nhịp nhàng toàn bộ cơ thể, nhưng đi cà kheo luôn thu hút đông đảo mọi người. Những người không tham gia chơi thì đứng xem và cổ vũ nhiệt tình cho người chơi. Các cuộc thi cà kheo tại các vùng quê vào dịp Tết thường tạo được tiếng cười sảng khoái cho người theo dõi bởi sự hấp dẫn, bất ngờ của trò chơi. Sau khi chọn được người thắng cuộc, đội cà kheo cùng các cổ động viên của làng sẽ sang làng khác để thi tiếp khiến cho ngày xuân tưng bừng khắp xóm làng.

Đập niêu đất

Đập niêu đất là trò chơi đã có từ lâu đời và phổ biến rộng khắp cả nước. Thông thường, trò chơi này sẽ được tổ chức vào các lễ hội đặc biệt là trong ngày Tết Cổ Truyền. Để chuẩn bị chơi đập niêu đất, người ta dựng giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5m, buộc dây thừng nối 2 thân cột làm giá treo niêu. Người chơi sẽ bịt mắt và cầm một chiếc gậy dài đứng vào vạch mốc rồi tìm đập những chiếc niêu treo trên dây. Người đập trúng niêu sẽ có được phần thưởng ghi trong mảnh giấy nhỏ trong chiếc niêu bị đập vỡ… Trò chơi đập niêu này không quá khó và thu hút đông người tham gia, vì vậy trong ngày xuân năm nay, bạn có thể cùng bạn bè tổ chức chơi để ngày Tết thêm hứng khởi và vui vẻ.

Chơi kéo co

Bất kể khi nào bạn cũng có thể chơi kéo co cùng bạn bè, nhưng chơi vào ngày Tết Cổ Truyền thì không khí đặc biệt hơn đúng không nào! Trò chơi dân gian này vừa có tác dụng rèn luyện sức khỏe, lại vừa vui vẻ, thoải mái. Và vì đây là trò chơi tập thể, nên qua đó các bạn càng trở nên đoàn kết hiệp lực, thân thiết với nhau hơn rất nhiều.

Ném tung còn

Chơi tung còn là trò chơi của đồng bào dân tộc Nùng. Vào những dịp lễ, nhất là vào dịp Tết Cổ Truyền, đồng bào dân tộc Nùng thường tổ chức chơi tung còn. Để chuẩn bị cho hội tung còn, người ta tìm một bãi đất trống, giữa sân trồng một cây tre thẳng, trên đỉnh có một vòng tròn, dán giấy hai mặt: một mặt màu vàng tượng trưng cho mặt trăng, một mặt màu đỏ tượng trưng cho mặt trời. “Quả còn” được làm bằng vải, kết nhiều mảnh màu lại với nhau thành một cái túi, bọc chặt lấy các hạt bông giống, thóc giống, hai sản phẩm chính để tự túc của nhà nông. Nhà nhà thi đua, ai cũng muốn quả còn của mình đẹp nhất nên họ chuẩn bị rất công phu vì vậy mà quả còn ngày càng đẹp, càng rực rỡ hơn. Tung còn đôi chỉ dành cho thanh niên nam nữ độc thân và được xem như nét giao duyên tốt đẹp mà qua đó rất nhiều đôi nam nữ đã nên vợ nên chồng.

Đi cầu kiều

Đi cầu kiều là một trò chơi tuy nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực ra không dễ chút nào. Người ta thường lựa chọn một bờ đất cao trên một hố đất rộng, bắc một đoạn tre làm cầu. Đoạn tre ấy một đầu nằm ghếch trên bờ đất, đầu kia buộc vào chiếc cột chôn vững chắc. Cũng có nhiều nơi, ngày Tết cầu kiều sẽ được bắc ra hồ nước trong làng hay ao nhà nên tính thử thách càng cao hơn rất nhiều. Nhiệm vụ của người chơi là khéo léo đi trên cây cầu lắt léo không có chỗ bám vịn ấy ra đến chỗ treo thưởng. Cuộc chơi càng hấp dẫn và kích thích sự hiếu thắng của mọi người.

Đánh đu

Trò chơi đánh đu thu hút từ trẻ nhỏ đến nam thanh nữ tú và cả người lớn tuổi tham gia vì trò này không khó và không có quy định cụ thể nào. Có nhiều cách đu nhưng phổ biến nhất vẫn là đu đơn và đu đôi. Đu đơn nữ thường thể hiện sự nhịp nhàng, nhẹ nhàng và duyên dáng của người chơi. Đu đơn nam thể hiện sự khỏe mạnh, bay bổng và người nam thường đu cao tít lên, càng cao càng được mọi người tán thưởng cổ vũ. Đu đôi gồm có đôi nam, đôi nam nữ. Tuy nhiên đẹp nhất, hấp dẫn và thích thú nhất vẫn là chơi đu đôi nam nữ, bởi giữa đất trời mùa xuân ngày Tết Cổ Truyền, hoa cỏ đang khoe sắc đua hương, những đôi trai gái đang độ tuổi xuân vui chơi kết duyên, tìm bạn.

Chơi cờ người

Cờ người thực chất là môn cờ tướng do người đóng thế thành các quân cờ. Bàn cờ thường ở khoảng sân đất rộng như sân đình, chùa. Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải đủ 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ. Trang phục của “quân cờ” phải chỉnh tề và thống nhất, có lọng che nên sân chơi cờ người rất rực rỡ, đẹp mắt. Trò chơi này không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn là một cuộc đấu trí mang đậm bản sắc dân tộc Việt nên thường được duy trì trong ngày Tết Cổ Truyền

Trả lời