Bạn có biết đặc sản Việt Nam rất nhiều loại khác nhau, nhưng những đặc sản mà sẽ giới thiệu cho bạn dưới đây không chỉ gây ấn tượng ở cái tên mà vị ngon, ngọt cũng làm “say đắm” bao người. Hãy cùng xem nhé!

Bánh đòn – Trà Vinh

Bánh đòn hay có cái tên gọi khác là bánh tét là một trong những loại bánh không thể thiếu trong nhà của các gia đình miền Trung hay miền Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Tên gọi bánh xuất phát từ hình dáng thon dài, đều cả hai đầu như cái đòn… Nguyên liệu của bánh đòn gồm gạo nếp, đậu xanh và thịt ba chỉ hay phần thịt nọng nhiều mỡ. Để có một cây bánh tét ngon, bánh phải được gói chắc tay, vừa ăn, phần nếp và phần nhân không bị lẫn vào nhau.

Bánh cáy – Thái Bình

Đây là món bánh truyền thống của Thái Bình. Tên gọi như thế vì những hạt nếp cái hoa vàng sau khi đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, cắt hạt lựu, đem phơi khô có màu vàng giống trứng con cáy.
Bánh cáy hấp dẫn mọi người với khối bánh màu trắng ngà, lấm tấm hạt vàng. Khi ăn có vị ngọt của đường, cay nhẹ của gừng, béo bùi của nếp, dẻo thơm của cốm non.

Bánh đập – Hội An

Bánh đập hay bánh tráng đập là một trong những món quà vặt dễ ăn, dễ tìm, giá rẻ ở các tỉnh miền Trung… Bánh đập là chiếc bánh tráng mỏng, nóng hổi được trải đều lên chiếc bánh tráng gạo nướng tạo nên món ăn vừa mềm, mịn, dai nhẹ và thơm lừng, giòn vui tai. Bánh sẽ ngon nếu chấm cùng mắm nêm có vị chua thanh của thơm bằng nhuyễn, vị cay xé lưỡi của tỏi, ớt.

Bánh tằm bì – Bạc Liêu

Bột để làm bánh tằm phải là bột được làm từ gạo ngon, ngâm qua đêm rồi xay với nước muối pha loãng, sau đó được ngâm tiếp 2 đêm nữa. Giai đoạn quan trọng nhất là khuấy hồ bột. Bởi nếu khuấy quá cứng bánh tằm sẽ dễ gãy, nếu khuấy quá mềm thì bánh sẽ bị dính, không tách rời. Kế đến chọn loại thịt lợn mềm, đem luộc rồi mang cắt nhỏ, trộn với bì và nêm gia vị. Đặc biệt món bánh tằm bì lạ miệng là nhờ nước cốt dừa. Bánh ăn kèm với rau sống, thêm một ít đậu phộng, dưa cải chua ngọt.

Lợn “cắp nách” 6 món – Lai Châu

Lợn “cắp nách” (một số nơi gọi là lợn lửng) là loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao và nhiều nhất ở Lai Châu.Giống lợn này có sức chịu đựng rất giỏi, chúng tự tìm củ, rễ cây và lá rừng để ăn. Lợn con mới đẻ đã có thể chạy nhảy, chỉ theo bố mẹ vài ngày rồi tách ra. Do ăn cây cỏ tự nhiên và chậm lớn, mỗi con chừng 10 đến 15 kg nhưng thịt lợn cắp nách rất thơm ngon, trở thành món đặc sản hấp dẫn thực khách.

Bánh khọt – Vũng Tàu

Bánh khọt là món ăn đặc sản của Vũng Tàu. Có hai cách giải thích tên gọi của món ăn: một là xuất phát từ âm thanh khọt khọt vang lên khi người ta cho bột vào chảo, hai là ngày xưa người dân nghèo chỉ có tiền làm món bánh toàn bột. Gọi lâu thành khọt.

Bánh khọt chỉ nhỉnh hơn lòng bàn tay với phần nhân là con tôm đỏ au, cùng ít mỡ hành, rau hẹ đưa hương. Thuộc dòng món cuốn, bánh khọt có thể ăn vào bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng ngon nhất là khi trời mưa.

Bánh khoái – Huế

Bánh khoái trông khá giống bánh xèo miền Trung. Song nếu quan sát kỹ, bánh khoái không chỉ phong phú hơn về các thành phần đi kèm như thịt heo, tôm, nấm hương, nấm mèo, lòng đỏ trứng… mà còn được chế biến thành hai lớp nhân khác nhau. Điểm nhấn này giúp bánh thơm hơn, đậm vị hơn nhưng cũng sẽ mau ngán hơn.

Món don – Quảng Ngãi

Don là một trong những món ăn rất độc đáo, mát, bổ, rẻ tiền và hấp dẫn. Don thuộc họ nhà hến, thân bọc bằng hai nửa vỏ úp nhau nhưng don nhỏ hơn hến. Những món ăn ngon được chế biến từ don như: canh don, cháo don, gỏi don. Cách ăn ngon và tốn kém hơn là món “ruột don xào” với miến, bún, bánh tráng… Đây cũng là món ăn đãi khách, bạn bè rất đặc biệt, đậm đà hương vị quê hương.

Kẹo sìu châu – Nam Định

Kẹo sìu châu là đặc sản nổi tiếng có từ lâu đời của Nam Định. Kẹo sìu châu gần giống kẹo lạc nhưng thơm ngon hơn.
Nguyên liệu làm kẹo rất đơn giản gồm lạc, đường, mạch nha. Vừng và lạc được rang chín và tách vỏ. Nấu đường với mạch nha cần bật lửa to, khi hỗn hợp đường sôi lên thì cho lạc và vừng vào đảo đều tay sao cho tất cả hòa quyện lấy nhau. Đổ hỗn hợp kẹo còn nóng lên khay có bột nếp để chống dính và cán mỏng, cắt thành từng thanh chữ nhật cho vừa miệng.

Bánh cóng – Sóc Trăng

Gạo làm bánh cóng là gạo tẻ ngon, ngâm qua 2 đêm rồi mới đem xay để lấy bột. Khâu pha bột là quan trọng vì nó quyết định hương vị độc đáo giữa bánh vùng này với vùng khác. Nhân bánh được tạo thành từ tép hấp cách thủy, đậu xanh đồ chín còn nguyên hạt, thịt nạc xay mịn. Nước mắm là nước mắm cá cơm nguyên chất, thêm chút chanh, đường, ớt, tỏi tạo thành một hỗn hợp màu hổ phách, ăn kèm với xà lách, rau thơm, rau muống bào, khế, chuối chát, dưa leo tạo thành hương vị độc đáo.

Bánh bò rễ tre – An Giang

Bánh bò là một loại bánh khá phổ biến nhưng bánh bò rễ tre thì chỉ có ở An Giang. Lý do có tên gọi là bánh bò rễ tre vì khi cắt miếng bánh sẽ hiện ra những ống khí trông hệt như rễ tre – một đặc điểm mà các loại bánh bò thông thường không có. Theo kinh nghiệm của những người làm bánh, bánh càng có nhiều “ống tre” thì sẽ càng ngon. Bánh bò rễ tre có nhiều ở vùng Tân Châu, An Giang. Bánh có vị béo của nước cốt dừa, ngọt thanh của đường thốt nốt và vị nồng của bột lên men. Bánh bò rễ tre thường có màu vàng mật ong trông rất đẹp mắt.

Chắt chắt – Quảng Bình

Chắt chắt giống như con hến nhưng nhỏ hơn. Để lấy thịt chắt chắt, trước tiên xát rửa thật sạch, bắc nước sôi rồi đổ chắt chắt vào, dùng đũa đánh đều để ruột tách ra khỏi vỏ, rồi đem đãi (như đãi gạo vậy) lấy ruột. Riêng nước luộc để thật lắng, lọc đem nấu canh hoặc nấu cháo. Thường thì chắt chắt nấu canh với mít non, rau lốt. Ngoài nấu canh, nấu cháo có thể chế biến chắt chắt thành món xào cũng rất tuyệt.

Bánh bác – Hoài Đức, Hà Nội

Bánh bác là loại bánh truyền thống nổi tiếng của người dân 2 làng Giang Xá và Lưu Xá (Hoài Đức, Hà Nội). Bánh được miêu tả là có nhị vàng, xen giữa cánh đỏ, cánh trắng. Đây là loại bánh thường được người dân làm nhân dịp lễ Tết, lễ hội và các ngày quan trọng khác trong năm. Tương truyền, trước đây, bánh bác là loại đặc sản của người dân trong vùng để dùng tiến vua.

Kẹo Cu Đơ – Hà Tĩnh

Kẹo Cu Đơ là một loại kẹo lạc, đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh. Kẹo được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm lạc nhân và được đổ vào  hai miếng bánh tráng ép lại. Loại kẹo này rất dẻo, dính, có thể ăn hoặc thưởng thức cùng với nước chè xanh.

Bánh này có nguồn gốc người cha nghèo, vào lễ cưới con trai đầu lòng, ông không có gì để làm lễ mời bà con hàng xóm khi trong nhà chỉ có mật đường mía và lạc sống. Ông đã sáng chế ra món mới lạ này bằng cách rang chín lạc rồi trộn với mật đổ lên. Món ăn này được gọi là Cu Hai. Sau đó, người Pháp đến Việt Nam gọi món này là Cu Đơ. Và người ta lấy tên đó cho đến tận bây giờ.

Trả lời