Đi lễ chùa

Vào thời điểm đầu năm cũng là lúc tinh hoa của trời đất được tụ hội và ban phúc lành đến với mọi người, theo phong tục của người Việt thì không thể thiếu tục đi lễ chùa đầu năm để cầu nguyện phước lành cho cả gia đình suốt năm mới. Có thể đối với đa số người khi lễ chùa đầu năm đều để mong cầu tất cả các nguyện ước muôn đời của con người như: sức khỏe, tình duyên, tài lộc, công danh,…

Tuy nhiên, nếu là người hiểu đúng về Triết Lý Phật Giáo và Quy Luật Nhân Quả thì khi đến chùa chúng ta chỉ nên cầu cho tâm hồn thanh tịnh, có thể hiểu rõ đúng sai và sống đúng với đạo lý Phật dạy thì tự nhiên phước báu sẽ đến với mỗi người. Hãy nhớ rằng Đức Phật là “Đấng Giải Thoát” chứ không phải là một vị thần siêu nhiên, Người là bậc thầy để chỉ dẫn lối đi an bình và hạnh phúc nhất cho nhân loại theo Luật Nhân Quả tồn tại muôn đời nay. Vì thế, khi đi chùa vào năm mới, chúng ta nên lễ Phật với tất cả tấm lòng thành kính để thân tâm an lạc và trí tuệ minh mẫn hơn. 

Thăm mộ tổ tiên

Một trong những nét đẹp truyền thống của người Việt từ lâu đời chính là tục thăm mộ tổ tiên từ những ngày cuối tháng Chạp đến những ngày mùng đầu năm. Đây cũng là lúc các thành viên trong gia đình có dịp tề tụ đông đủ để cùng nhau tưởng nhớ về ông bà tổ tiên cùng những người thân yêu đã khuất. Công việc sửa sang và quét dọn mồ mả trước Tết là thói quen tâm linh của mỗi người con Việt nhằm thể hiện tấm lòng hiếu đạo đối với người quá cố. Trong dịp đầu năm, bạn nên dành thời gian để viếng thăm mộ tổ tiên để giải bày những chuyện đã qua trong năm cũ và cầu mong sự chúc phúc từ ông bà cho một năm mới thuận lợi và bình an hơn. 

Đọc Kinh vào đêm Giao Thừa

Ngay trong đêm Giao Thừa, bạn hãy chọn một bộ Kinh tùy theo tôn giáo mình tín ngưỡng và đọc một cách tôn kính và thành tâm nhất. Trong thời gian tập trung tụng niệm, bạn có thể thanh tịnh những phiền muộn và đau thương trong quá khứ để rửa sạch tâm hồn trước thời điểm bắt đầu năm mới. Với niềm tin vào tôn giáo của mình, bạn có thể tạo ra nguồn năng lượng tự thân tích cực để chào đón một năm mới an lành và hạnh phúc dưới sự gia hộ từ Đấng Tối Cao mà bạn tín ngưỡng. Hãy thực hành điều này vào đêm Giao Thừa và chắc chắn bạn sẽ nhận được những điều kỳ diệu trong năm mới.

Làm từ thiện

Mùa xuân được gọi là mùa của hạnh phúc và tràn đầy sức sống mới trong năm. Đây cũng là dịp mọi gia đình sum họp, đoàn tụ cùng nhau để tận hưởng niềm vui của thân tình ấm áp trong không khí nồng nàn, sôi động của các lễ hội truyền thống. Nhưng thật buồn khi còn vô số hoàn cảnh khó khăn không có đủ điều kiện để đón chào năm mới như bao người khác.

Với tinh thần nhân đạo truyền thống lâu đời của dân tộc, mỗi dịp Tết đến xuân về chính là thời điểm chúng ta thực hiện các việc từ thiện để sẻ chia và mang lại niềm vui cho cộng đồng cần giúp đỡ xung quanh mình. Theo triết lý nhân quả, khi bạn làm một việc thiện lành là đã tích tạo được phước đức to lớn trong đời, có thể giải trừ các nghiệp xấu trong quá khứ. Chính vì thế, hãy bắt đầu năm mới bằng việc làm từ thiện một cách thành tâm và nghiêm túc để cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống các bạn nhé. Niềm hạnh phúc từ việc giúp đỡ mọi người sẽ là điều may mắn nhất bạn được nhận ngay trong năm mới đấy.

Không nên vay mượn tiền đầu năm

Nhiều người tin rằng việc bạn cho ai đó mượn tiền hay chính bạn vay mượn người khác vào ngày Tết sẽ gây ra “khuông” cho việc mang nợ suốt năm. Vòng xoay lẩn quẩn vay – trả này sẽ theo bạn suốt một năm trời. Với niềm tin mùa xuân là mùa để đón lộc và hạnh phúc vào nhà, người ta rất kiêng kị việc cho vay hay trả tiền vào lúc này vì điều đó đồng nghĩa với việc “dâng tài vận và may mắn” vào tay người khác. Chính vì vậy, những ai thiếu nợ hay người cho vay đều cố gắng tranh thủ chấm dứt việc vay – trả trước thời điểm Giao Thừa. 

Mặc quần áo mới

Chắc hẳn trong dịp Tết ai cũng chuẩn bị sẵn cho mình những trang phục đẹp nhất cho những ngày du xuân rộn ràng bên gia đình và bạn bè. Đặc biệt, việc ăn mặc quần áo mới trong ngày mùng một Tết không chỉ để tiếp đón khách đến thăm nhà mà còn thể hiện khởi đầu mới, mang ý nghĩa cát tường cho cả năm. Chú ý chọn những màu sắc may mắn và sặc sỡ trong ngày đầu năm như: màu đỏ cho nhân duyên hòa hợp, màu vàng cho tài lộc và thịnh vượng, màu xanh cho ước mong như ý,… Chính màu sắc tươi vui sẽ mang đến nguồn năng lượng dương tích cực, xua tan vận xui rủi và chào đón tinh hoa đất trời vào nhà dịp đầu năm. Đặc biệt, nếu bạn tin theo tử vi phong thủy thì nên tham khảo màu sắc phù hợp với con giáp trong năm Đinh Dậu 2017 nhé.

Mua muối đầu năm

Ông bà ta xưa có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, tục mua muối đầu năm đã trở thành truyền thống lâu đời gắn bó với cái tết cổ truyền ở miền Bắc. Với nguồn năng lượng dương tích cực, muối được xem là vật chất tâm linh có tác dụng cực tốt trong việc xua tan tà khí và âm khí xung quanh nhà cửa. Chẳng những thế, muối còn được xem như một biểu tượng của vận may và sự gắn kết tình thân thêm đậm đà. Chính vì thế, vào ngày đầu năm, chúng ta dễ dàng bắt gặp những người bán “muối lộc” ngay từ buổi sáng tinh mơ ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nếu bạn là người sống ở tỉnh thành phía Nam thì cũng có thể chuẩn bị sẵn những lọ muối đầy ắp để chào đón một năm mới đậm đà hương vị của tài lộc và thân tình. 

Các món ăn may mắn

Chắc chắn rằng trong dịp Tết thì nhà nhà đều chuẩn bị đầy đủ các bữa tiệc linh đình để cùng người thân và bạn bè ăn mừng thỏa thích vào đầu năm mới. Đối với nhiều người, họ còn chú trọng việc chọn lựa các loại thực phẩm có ý nghĩa về mặt phong thủy và tâm linh để khởi đầu cho cả năm thuận lợi và cát tường hơn. Dù niềm tin này khá mê tín thì cũng không tổn thất gì khi ăn thử các món ăn may mắn trong dịp Tết phải không. Theo quan niệm từ xưa, bạn nên bắt đầu năm mới với các món ăn như sau:

  • Món canh khổ qua: ý nghĩa đau khổ trôi qua và hạnh phúc tràn đầy cả năm.
  • Món làm từ cá: ý nghĩa về tài vận và suông sẻ.
  • Món mì trường thọ: ý nghĩa về sức khỏe, bình an và sống lâu trăm tuổi.
  • Món trái cây có hình tròn: ý nghĩa về sự viên mãn và đầy đủ cả năm.

Mang bao lì xì bên người

Trong ngày đầu năm, hoạt động chúc Tết họ hàng và bạn bè là truyền thống phổ biến của mọi gia đình, đặc biệt là tục mừng tuổi và trao nhận bao lì xì may mắn. Theo quy luật cho nhận, không quan trọng số tiền được nhận hay cho ở mỗi bao lì xì, điều chủ yếu chính là ý nghĩa chúc phúc tốt lành mà người trao muốn gửi đến cho người nhận. Trong các ngày mùng của Tết, bạn nên chuẩn bị sẵn các bao lì xì để trong túi để chủ động trong giao tiếp và màu đỏ rực của bao lì xì sẽ mang đến những vận may và sự thịnh vượng cho bạn trong cả năm. 

Không quét nhà vào mùng một Tết

Đối với quan niệm dân gian của người Việt từ xưa, mọi gia đình đều không nên quét nhà vào ngày mùng một Tết với lý do là sẽ đuổi hết vận may mà Trời Đất ban cho vào đêm giao mùa. Chính vì thế, việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa đều được nhà nhà thực hiện và hoàn tất trước ngày mùng một để chào đón ông bà tổ tiên và các vị phúc thần.

Thật ra việc cấm kỵ quét nhà và dọn rác trong ngày đầu tiên của năm bắt nguồn từ một câu truyện cổ dân gian của Việt Nam có tên “sự tích cây chổi”. Câu chuyện kể về một người phụ nữ chuyên làm bếp trên Thiên Đình nhưng vì sự tham ăn của mình mà đắc tội với Ngọc Hoàng. Sau đó, Ngài hạ lệnh bắt bà ta trở thành một cây chổi để ngày ngày tiếp xúc với những thứ rác rưởi và dơ bẩn của trần gian. Về sau, khi chứng kiến phạm nhân phải làm việc cực khổ ngày này qua tháng nọ, Ngọc Hoàng thương tình cho bà ta – cây chổi lúc này được nghỉ ngơi ba ngày đầu năm mới, đó chính là ba ngày Tết Nguyên Đán ngày nay. Dù câu chuyện thần thoại này có thật hay không thì tục không quét nhà đầu năm đã trở thành một nét văn hóa độc đáo trong tâm linh mỗi người dân Việt vào đầu năm mới.

Trả lời