Ăn dở, bỏ thừa cả năm mất mùa, đói khát

Ngày Tết là ngày cả gia đình được sum vầy, là ngày được tổ chức nấu ăn rất nhiều món ăn để thờ cúng tổ tiên, vì vậy việc không ăn hết đồ ăn là không tránh khỏi. Tuy nhiên, người ta quan niệm ngày Tết không nên ăn thừa, ăn nhè, nhả bã. Nhưng đồ ăn ngày Tết thì rất nhiều không thể ăn hết được nên bạn cũng có thể để gọn lại chứ không được nhè hay đổ bỏ, vì người ta cho rằng những việc làm đó là lãng phí sẽ cho bạn một năm mất mùa , đói khát, nhất là bỏ thừa cơm sẽ làm việc buôn bán không được tốt. Chính vì thế, người Việt ta rất kiêng kỵ trong nhữn ngày này để có một năm mới được sung túc, no đủ. Hơn nữa, trong bữa ăn cũng cần chú ý tránh việc chống đũa vào bát, vì làm vậy sẽ gây sự chậm trễ trong công việc. Ngày Tết cũng nên ăn những hoa quả như dưa, xoài, cam, … để chữa lại việc bỏ dở đồ ăn.

Không cho lửa – nước đầu năm

Mùng 1 Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa, xin nước nhà mình, người xưa cho rằng lửa có màu đỏ thể hiện sự may mắn đầu năm mới, còn nước giống như nguồn tài lộc của gia đình trong năm mới vậy. Ngày Tết, việc cho lửa cũng giống như là cho đi cái vận đỏ, cái may mắn trong năm mới điều đó sẽ khiến gia đình gặp vận xui, không giữ được tiền bạc. Còn cho đi nước thì giống như tự tay tiễn tài lộc, phú quý ra khỏi nhà vậy, chính vì thế, trước ngày Tết họ thường chứa đầy nước giống như việc tích góp của cải đầy nhà, đồng thời cũng không đổ đi nước thải mà chứa vào nơi nào đó đợi qua Tết mới được đổ đi. Như vậy, ngày mùng một họ sẽ kiêng kỵ việc xin lửa và thay vào đó là tích trữ thật nhiều nước để có cả may mắn và tài lộc vào nhà cả năm.

Không quét nhà vào ngày mùng 1

Người Việt Nam thường kiêng kỵ việc quét nhà vào 3 ngày Tết – nhất là ngày mùng một. Họ cho rằng năm mới đến mang theo bao tài lộc vào nhà, những điều đen đủi đã bị xua đi, nếu như trong 3 ngày đầu năm chúng ta mà quét nhà thì sẽ quét đi hết những may mắn, sự no đủ. Và việc quét nhà đầu năm sẽ làm cho năm đó của họ trở nên nghèo túng, thần tài bị quét đi mất và mang lại điều xấu cho gia đình. Vì tục không quét nhà vào ngày Tết nên người Việt chúng ta thường dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ hôm 30. Hơn nữa, người miền Nam trong ngày Tết còn đem cất hết chổi đi vì sợ mất chổi có nghĩa là việc làm ăn không thuận, sẽ bị vào nhà vơ vét hết của cải.

Không tranh cãi, bất hòa

Năm mới, ai cũng cầu mong bình an, gia đình yên ấm, vì vậy, ngày Tết người ta kiêng kỵ sự tranh cãi. Việc tranh cãi sẽ làm mối quan hệ bị dạn nứt, nếu tranh cãi vào đầu năm thì theo quan niệm sẽ chỉ toàn là cãi vã đem lại nỗi buồn cho người khác, nhất là những người thân trong gia đình. Nếu xảy ra việc xô xát, cãi vã sẽ làm cả năm xui xẻo. Hơn nữa, nếu trong gia đình mà có sự cãi vã trong những ngày đầu năm thì sẽ làm rạn nứt các mối quan hệ, nó hệ lụy đến cả việc làm ăn không thuận lợi khi không được sự đồng tình của cả gia đình.

Kiêng ăn món xui

Trong những ngày Tết, chúng ta được thỏa sức ăn uống, chính vì vậy việc tăng cân là rất dễ dàng. Tuy nhiên, trong những ngày này, có một số món người dân Việt Nam ta vẫn kiêng kỵ để tránh điều xui xẻo như: ăn cháo, ăn vịt, ăn trứng vịt lộn, cá mè, tôm. Người ta cho rằng: ăn cháo vào ngày Tết sẽ khiến ma quỷ tưởng bạn ăn giành của họ mà sẽ đeo bám làm cho chúng ta xui xẻo, ăn vịt vào đầu tháng sẽ khiến những phần không may mắn bám riết lấy bạn, ăn trứng vịt lộn sẽ làm đảo lộn vận mệnh của bạn (bước sang năm mới bạn đang an lành, may mắn, người xưa cho rằng nếu ăn vào thời điểm này sẽ làm cho bạn hóa cát thành xung), còn món tôm cũng cần phải kiêng kỵ trong những ngày này vì tôm thường hay đi giật lùi sẽ làm công việc làm ăn, sức khỏe giảm sút (hơn nữa, tôm chứa phân của mình trên đầu khiến người ta cho rằng nếu ăn tôm sẽ làm giảm đi phần thông minh).

Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen

Theo quan niệm xưa, màu trắng – đen là màu của sự cô đơn, lạnh lẽo, sự đau thương, còn mùa xuân là mùa của sự sinh sôi, của sự hưng thịnh, phát lộc phát tài. Vì vậy, việc mặc đồ trắng – đen trong những ngày đầu năm là không phù hợp, họ thường hạn chế mặc những đồ như vậy. Thay vào đó là những bộ quần áo màu sắc tươi tắn thể hiện sức sống, sự tươi trẻ, sự hứng khởi cho một năm mới ngập tràn niềm vui và may mắn. Nếu có người mặc trang phục đen – trắng đến chúc Tết thì người ta cho rằng gia đình bạn sẽ gặp xúi quẩy cả năm, họ sẽ mang sự xui xẻo đến cho chúng ta.

Đóng cửa sẽ đói nghèo tù túng

Trong dịp Tết, người xưa luôn quan niệm rằng không nên đóng cửa, nếu đóng cửa im ỉm có nghĩa là đuổi khách, đuổi tài lộc đầu năm vào nhà. Ngày Tết là ngày mọi người đi thăm hỏi họ hàng anh em, hàng xóm chúc Tết với hi vọng chúc cho gia chủ một năm mới an lành, bình an. Hơn nữa, tín ngưỡng dân gian cũng cho rằng từ sớm mồng một đến trước ngày rằm tháng giêng, Ngọc Hoàng sẽ cùng các  vị thần tiên sẽ giáng phàm ghé thăm từng nhà, nếu gia đình bạn đóng kín cổng thì sẽ bị coi như sự bất kính mà giận dỗi bỏ đi, và như vậy cả năm gia đình sẽ không được hưởng phúc, sẽ bị đói nghèo, tù túng. Cho nên, ngày Tết đến nên mở cửa, nếu gia đình phải đi chúc Tết thì nên có một người ở nhà trông nhà.

Kiêng để tang vào ngày mồng Một

Những ngày đầu năm mọi người đều mong mỏi sự may mắn, những điều tốt lành đến với gia đình mình. Vì vậy, từ xưa người ta thường kiêng để tang ngày đầu năm để tránh những điều lạnh lẽo ám ảnh, mọi sự không may mắn. Nếu nhà có tang người ta cho phép để qua mùng một Tết mới để tang để tránh khỏi vận xui, để cho người thân và những người xung quanh có được một cái Tết trọn vẹn qua ngày mùng một. Nếu gia đình có tang vào ngày 30 thì họ thường tổ chức tan lễ ngay tránh để sang năm mới, và người ta cũng kiêng kỵ việc gia đình có tang đi chúc Tết người khác. Người xưa có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vì thế mọi người gặp trường hợp này cần chú ý để tránh gặp những điều không may cho bản thân và những người xung quanh.

Kiêng kỵ người không hợp tuổi Xông đất đầu năm

Xông đất là phong tục có từ xa xưa của người Việt với mong muốn có được sự may mắn và bình an trong năm mới. Phong tục xông đất thường được thực hiện vào sau giờ khắc giao thừa cho đến buổi sáng ngày mồng 1, người bước vào nhà đầu tiên sau thời khắc giao thừa sẽ được coi là người xông đất đầu năm cho gia đình đó. Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn quan niệm về niềm vui, hạnh phúc, tiền tài, sức khỏe chịu ảnh hưởng của người xông đất. Vì vậy, cho đến ngày nay, người ta thường nhờ người xông đất dựa vào hợp tuổi với gia đình mình. Hơn nữa, trong phong tục xông đất đầu năm, người ta cũng có những kiêng kỵ về người xông đất nhà mình như: những người nặng vía, không hợp tuổi với gia chủ, người có tang thì không nên xông đất cho người khác. Vì người xưa quan niệm rằng họ sẽ mang đến những điều xui xẻo cả năm cho gia đình.

Không làm đổ vỡ đồ dùng

Từ xưa người ta quan niệm rằng đổ vỡ, bể đồ vật (cốc, chén,…) là những dấu hiệu của sự chia cắt, chia lìa không chỉ các đồ vật mà còn chỉ những mối quan hệ. Vì thế, từ xưa đến nay người ta luôn khuyên bảo với bậc dưới của mình phải luôn cẩn thận trong từng việc làm để tránh gây đổ vỡ mọi thứ. Đối với những người có tính nóng vội, hay làm vỡ đồ dùng thì nên hạn chế sử dụng những đồ đạc dễ vỡ, cẩn trọng trong mọi việc.

Trả lời