“Gió Lào thổi rạc bờ tre – chưa nghe thấy tiếng đã nghe nhọc nhằn – chắt từ sỏi đá đất cằn – nên yêu thương mới sâu đằm đó em” đó chính là mảnh đất Hà Tĩnh, một phần khúc ruột miền trung đầy nắng và gió. Nhưng chính mảnh đất này lại níu chân người qua bởi rất nhiều loại đặc sản giá trị mà nếu đã thử một lần sẽ không thể nào quên.

Mực nhảy

Là một vùng đất giáp biển nên đặc sản biển ở đây đặc biệt thơm ngon, tươi xót và trong các sản vật từ biển thì mực nhảy là món ngon nhất. Mực nhảy ở đây được câu trực tiếp từ biển và chế biến ngay trên thuyền nên giữ được độ tươi, vị ngọt, những con mực còn sống được luộc, nướng, hấp…đều rất tuyệt vời. Ngồi trên thuyền giữa trời nước mênh mông và thưởng thức mực nướng, mực hấp…thì không phải là tuyệt phẩm sao?.Nổi tiếng và ngon nhất là mực nhảy Vũng Áng. Một đĩa mực vào khoảng 200.000 – 300.000 đồng nhưng đáng để thưởng thức. 

Cháo canh

Cháo canh là món ăn có mặt nhiều nơi nhưng ở Hà Tĩnh món ăn này có vị đặc trưng riêng. Sợi cháo canh làm bằng bột mì nên có độ dẻo và dai. Sau khi nhào bột, sợi được cắt ra dài chừng 2/3 thân đũa ăn cơm, sợi bánh có màu trắng đục. Nước dùng của cháo canh vừa có vị ngọt của xương hầm, vị thơm của hành tím, vị béo của tôm, vài lát giò lụa, thêm nhúm hành lá, ngò tàu, vài lát ớt thôi, bạn đã thấy món ăn hấp dẫn vô cùng. Một bát cháo canh ở đây vào khoảng 20.000 đồng.

Bánh gai Đức Thọ

Không quá nổi tiếng như bánh gai Thanh Hóa nhưng bánh gai Đức Thọ có vị ngon không hề kém cạnh. Loại bánh này được làm từ gạo nếp ngon, sử dụng lá gai để làm dậy mùi của bánh. Nhân bánh làm bằng đậu xanh sên nhuyễn cùng đường. Thế nhưng, vị ngọt của phần vỏ bánh gai lại được tạo nên từ nước mật mía đặc trưng của người miền Trung. Khi cắn một miếng bánh bạn sẽ cảm nhận được cái mềm dẻo, ngọt nhẹ của bánh, ăn đến nhân bánh sẽ thấy vị bùi thơm của đậu xanh, của dừa. Bánh không chỉ thơm mà còn rất bùi, dẻo và mềm hấp dẫn với thực khách. “Ai về Đức Thọ quê tôi – thắp hương Trần Phú nhớ mùi bánh gai” và loại bánh này theo chân bao người con Hà Tĩnh trở thành món quà thấm đẫm tình quê hương.

Bánh bèo

Bánh bèo là một loại bánh dân dã và không phải là đặc sản riêng của vùng nào, nên có ở khắp các miền đất nước như Huế, Nghệ An, Quảng Bình…Khác với bánh bèo ở các nơi khác, bánh bèo Hà Tĩnh mang một sắc thái ẩm thực riêng. Bánh bèo ở Hà Tĩnh được làm từ bột lọc, nhân trong làm từ tôm non bóc vỏ hoặc từ thịt nạc được xào lên cùng với hành khô, sau đó ăn kèm với rau thơm. Bánh bèo khi ăn chấm nước mắm chua ngọt pha thêm tương ớt để tạo nên vị vừa cay, vừa chua ngọt. Bánh bèo dù ăn nóng hay nguội đều ngon và hấp dẫn. Khi ăn nóng, kèm nước mắm cay trong những ngày trời se se lạnh sẽ thấy ấm lòng. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, giòn mang vị đậm đà. Một đĩa bánh bèo ở đây chỉ khoảng 10.000 -15.000 đồng nhưng thực khách sẽ không hối tiếc khi thưởng thức.

Hến xúc bánh đa Đức Thọ

Hến bánh đa ở Đức Thọ thực sự là một món ăn dân dã của quê hương. Con hến được khai thác từ sông La rồi chế biến thành các món như gỏi hến, hến xào. Hến ở đây có vị ngọt, khi xào với giá và xúc cùng bánh đa vừng thì tất cả hòa quyện thành hương vị khó quên, thơm ngọt và bùi. Nếu một lần đến Đức Thọ thì hãy thưởng thức thứ quà quê dân dã này nhé. Giá của nó chỉ vào khoảng 50.000 đồng một đĩa.

Ram bánh mướt

Là món ăn bình dân và phổ thông ở nhiều vùng miền của cả nước nhưng ram bánh mướt lại có vị riêng níu chân thực khách. Bánh mướt ở đây làm từ gạo ngon được xay nhuyễn và tráng, nhiều nhà còn dùng cách tráng bánh thủ công đặc biệt rất ngon. Lá bánh mỏng dính giữ được vị thanh đạm ngọt lành của gạo. Có thể dùng bánh này với nước mắm cay, giò nhưng ngon nhất là ăn với ram cuốn. Những chiếc ram cuốn cùng thịt, mộc nhĩ và nhiều gia vị khác rán giòn lên và được cuốn cùng những lá bánh mướt thì không có gì tuyệt vời hơn. Một đĩa ram bánh mướt ở đây chỉ khoảng 20.000 đồng nhưng rất ngon.

Bánh Đa

Bánh đa ở Hà Tĩnh được làm hoàn toàn bằng gạo ngon, không pha thêm ngô, sắn như ở nhiều nơi khác. Thông thường khi làm bánh đa, người ta chọn loại gạo gié vụ mùa, vừa dẻo, vừa thơm, không dùng gạo xay từ các vụ lúa trước, năm trước vì lúa để lâu nên gạo mất chất.Khách cầm bánh, bẻ từng miếng, chấm với nước mắm cốt pha chanh, ớt cay xè, có vài giọt cà cuống thì càng ngon tuyệt. Ở Hà Tĩnh người ta còn ăn bánh tráng xúc nham (gỏi) bắp chuối, hến xào..bánh ở đây giày, to, nhiều vừng đen ăn có vị bùi và rất thơm. Một chiếc bánh đa chỉ khoảng 5.000 đồng.

Cu đơ

Nhắc đến Hà Tĩnh người ta nghĩ ngay đến cu đơ, một loại kẹo mà thực khách gần xa khi đến đây đều thưởng thức và mua về làm quà biếu. Nhiều nơi cũng học làm loại kẹo này nhưng không thể ngon như ở đây bởi vì để làm được một tấm kẹo ngon người ta phải trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên, chọn mật là phải là mật mía nguyên chất lấy từ vùng đồi núi, mật mía màu vàng óng. Rồi lạc phải là loại hạt nhỏ, không sâu lép, vỏ bóng. Bánh tráng phải chọn loại nhỏ, nhiều hạt vừng đen và khi nướng phải giòn đều. Có đủ mật, lạc, bánh tráng thượng phẩm nhưng quá trình nấu mới quan trọng. Khi mật sôi thì mới cho lạc, gừng vào khuấy theo chiều kim đồng hồ và khuấy đều tay. Muốn kiểm tra đã đạt chưa thì giọt mật khi rơi xuống nước tròn vo, không tan loãng là múc ra cho vào bánh tráng. Đây là điểm cốt lõi trong kỹ thuật nấu bởi nếu sớm quá kẹo sẽ dẻo, kết dính yếu, mật non, lạc chưa chín, nếu muộn quá mật cháy, lạc cháy, bánh sẽ bị đắng. Cuối cùng, người ta nhỏ vào một ít mạch nha cho kẹo có mùi thơm rồi úp lên một chiếc bánh tráng nữa là được.
Một miếng cu đơ thơm ngon khi ăn phải hội đủ các vị ngọt ngào của đường mía hòa quyện với chút thơm nồng cay cay của gừng tươi, pha một chút chua nhẹ của chanh cùng với bánh tráng vừng được nướng đúng độ tạo nên hỗn hợp bánh thật giòn tan và ngọt ngào. Ở Hà Tĩnh có nhiều điểm bán cu đơ nhưng ngon nhất phải kể đến cu đơ Ông bà Thư Viện, Cầu Phủ…giá kẹo ở đây giao động từ 10.000 -15.000 đồng.

Cam bù Hương Sơn

Cam bù Hương Sơn là loại quả có vị ngọt thanh, mọng nước và rất thơm, tép cam vàng ruộm rất ngon. Dù ở đất Hà Tĩnh có rất nhiều loại cam nhưng ngon nức tiếng nhất thì không loại quả nào sánh được bằng cam bù. Điểm đặc biệt là loại cây này rất kén đất, chỉ ở một số vùng của đất Hương Sơn mới hợp với loài cây này. Loại quả này chỉ chín vào dịp giáp Tết và được người dân sử dụng làm quà biếu rất nhiều. Giá của một kg cam vào khoảng 80.000 đồng. 
Nếu một lần được thưởng thức bạn sẽ không thể nào quên hương vị của nó. Nếu có dịp về Hà Tĩnh vào dịp sát tết bạn hãy mua vài quả cam thưởng thức và bạn sẽ không bao giờ hối hận đâu.

Bưởi Phúc Trạch

Bưởi Phúc Trạch là giống bưởi đặc sản của huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Phúc Trạch là tên làng nơi được cho là tạo ra thứ bưởi này ngon nhất. Bưởi Phúc Trạch có hình cầu tròn, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ không trơn không ráp, màu sắc vỏ quả xanh vàng, màu sắc thịt quả hơi hồng. Bưởi này có vị thanh nhẹ, ngọt hơi thanh chua và ngọt hậu. Quả thật sự ngon và đạt chuẩn vị phải được trồng ở vùng đất Phúc Trạch của Hương Khê. Đây là loại quả được xếp vào hàng một trong 7 loại quả ngon và hiếm của cả nước.
 Một quả bưởi giá dao động từ 60.000 – 80.000 nghìn đồng. Loại quả này hiện nay được nhiều người biết đến và đưa đến nhiều vùng đất và trở thành thứ quả ngon hiếm có.

Trả lời