Tây Bắc là vùng đất gắn với núi rừng và thiên nhiên hùng vĩ. Những năm gần đây, du lịch Tây Bắc đang không ngừng phát triển và được nhiều người biết tới. Ngoài vẻ đẹp của đất trời, nơi đây còn níu chân du khách bởi những đặc sản vô cùng hấp dẫn và độc đáo. Các bạn hãy tới với nơi đây để trải nghiệm những điều thú vị, thưởng thức những món ăn ngon và mới lạ.

Chẳm chéo

Ăn các món ngon vùng Tây Bắc mà không nhắc tới chẳm chéo thì quả thực là một thiếu sót lớn. Đây là một loại đồ chấm đặc trưng của vùng, được làm từ mắc khén, ớt, tỏi và muối. Món này có thể biến tấu bằng việc thêm bớt gia vị thành các loại chéo khác nhau cho phù hợp với mỗi món ăn. Mỗi loại chẳm chéo có thể pha theo tỷ lệ khác nhau nhưng không thể thiếu vị thơm nồng của mắc khén, cay cay của ớt rừng và thơm nức của gia vị tỏi. Đây là những gia vị làm nên đặc trưng cho loại nước chấm này.

Đến với Yên Bái, thưởng thức hương vị của loại nước chấm này bạn mới cảm nhận được hết sự hòa hòa của nó với các món ăn. Bở vậy mà chẳm chéo đã trở thành một loại nước chấm hảo hạng được nhiều người yêu thích khi tới với Tây Bắc.

Thịt khô gác bếp

Đặc sản thịt khô gác bếp là một trong những món ăn nổi tiếng nhất của người Tây Bắc. Từ thịt trâu, thịt bò, cho tới thịt lợn qua bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đều trở nên thơm ngon khó cưỡng. Thịt khô nơi đây không phải là loại thịt xé sợi mà là loại nguyên miếng.

Những miếng thịt tươi ngon nhất được chọn lựa rồi tẩm ướp gia vị, treo lên gác bếp, được hong khô bằng than hồng và khói bếp làm nên hương vị đặc trưng cho loại thịt khô vùng này. Mỗi miếng thịt là sự hòa quyện của vị thơm của mắc khén, cay nồng của ớt gừng và thoang thoảng hương khói bếp không thể lẫn. Chính hương vị đặc biệt ấy đã làm nên cái ngon của thịt khô gác bếp Tây Bắc.

Món thịt khô này được làm từ thịt vai và nạc lưng của thịt trâu, bò hoặc lợn, ướp thịt với các gia vị rồi phơi trong bóng râm một ngày. Sau đó dùng que xiên vào rồi treo lên gác bếp để than củi nóng hun khô dần. Thịt hun càng lâu thì vị đặc trưng sẽ càng đậm đà. Miếng thịt thơm nồng mùi khói, bên trong dẻo dai đậm đà gia vị, nhấm nháp cùng ít rượu ngon thì không gì thú hơn.

Rêu đá

Đây là món ăn được làm công phu và tốn nhiều thời gian, bởi rêu khó tìm, nó chỉ mọc từ tháng 9, tháng 10 âm lịch đến khoảng tháng 3. Món ăn này không phải ai cũng dám thử sống cũng được nhiều người ưa thích. Rêu đá Tây Bắc thường mọc ở những nơi có nước chảy xiết, và rêu chỉ để được bên ngoài khoảng 2 tiếng. Rêu có nhiều loại nhưng ưa chuộng nhất vẫn là loại mọc thành sợi dài, bám ở những mỏm đá trong khe suối. Để lấy được rêu đá, người ta tách thành đoạn chừa lại phần sát viên đá, sau đó đập rêu bằng chày gỗ để bung lớp đất cát và nhặt sạch. Rêu đem về có thể nấu canh hay nướng đều được. Để món ăn thêm phần hấp dẫn, người ta nấu rêu với gừng, rau mùi, tiêu rừng và chút ớt nướng giã nhỏ nếu có thể ăn cay. Rêu khi ăn thường có vị dẻo thơm, quyện với mùi gia vị tạo cảm giác cay tê nơi đầu lưỡi. Đây sẽ là một trải nghiệm thú vị khi các bạn tới với khoảng trời Tây Bắc.

Lạp xưởng gác bếp

Đây là món ăn khoái khẩu của người dân bản địa với hương vị đặc trưng của người vùng cao. Đó là vị dai của lòng, vị ngọt của thịt nạc và vị béo của mỡ. Tất cả cùng hòa quyện trong miếng lạp xưởng đem lại cảm giác ngon miệng cho người thưởng thức. Món ăn đặc biệt còn bởi vị hăng cay của khói, tạo nên sự độc đáo cho lạp xưởng.
Nhân lạp xưởng được dùng là loại thịt nửa nạc nửa mỡ, rửa sạch rồi lọc bỏ lớp bì, thái thành miếng nhỏ sau đó mang ướp muối, đường, bột ngọt, rượu, nước gừng, và một số gia vị đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc.

Để lạp xưởng có hương vị đặc trưng, kinh nghiệm ướp rượu và nước gừng là rất quan trọng. Sau khi nhồi nhân vào ruột non cứ 20-30 cm thì người ta lại dùng dây buộc chặt thành từng khúc. Lấy kim châm điểm cho khí thoát ra để lạp xưởng sau này đều và không bị nứt. Sau đó người ta mang lạp xưởng treo phơi ngoài nắng cho khô dần ở thời gian nhất định để nó có hương vị đặc trưng và đem hong khô trên bếp củi, lạp xưởng sẽ se lại, săn chắc. Chính vì vậy mà khúc lạp xưởng ở Tây Bắc có màu sáng của mặt trời và màu hồng của bếp lửa cũng như những đường vân trắng ngà của thịt mỡ tạo nên sức hấp dẫn của lạp xưởng vùng cao trong ẩm thực.

Khi ăn lạp xưởng đem chiên cho chín rồi đem thái lát. Người ăn chấm lạp xưởng với mắm gừng hoặc tương ớt, thêm chút rau thơm tùy theo khẩu vị. Trong cái se lạnh của thu đông, nhâm nhi chén rượu quê cùng với những miếng lạp xưởng thơm ngon thì không còn gì tuyệt vời hơn.

Măng rừng Tây Bắc

Khi những tiếng sấm đầu mùa xuất hiện, những mầm măng như đã hẹn, đồng loạt đội đất vươn lên đón ánh mặt trời. Những búp măng căng tràn sự sống, hứa hẹn một màu xanh ngút ngàn của sự sinh tồn và phát triển. Bao đời qua, măng đã và đang một phần nuôi sống những con người Tây Bắc. Măng có vô số loại như tre, nứa, trúc, mai, vầu… Mỗi loại đều có hương vị riêng rất độc đáo mà thực khách chỉ thử một lần cũng nhớ mãi không quên. Măng có thể chế biến thành nhiều món, món nào cũng thơm ngon, hấp dẫn. Măng tươi, măng chua muối, măng khô… mỗi loại một hương vị và cách chế biến khác nhau, song đều mang hương vị của núi rừng. 

Ngoài ra, Tây Bắc cũng nổi tiếng với những loại rau rừng mà du khách một lần thưởng thức là mãi nhớ. Không cầu kỳ, không nổi tiếng bởi sự quý giá và đắt đỏ, những món ăn này đi vào tiềm thức của du khách bởi những gì bình dị nhất. Còn gì tuyệt vời hơn khi thưởng thức những món ăn dân dã và cảm nhận về cuộc sống của vùng đất nơi địa đầu tổ quốc.

Rượu táo mèo

Rượu táo mèo là thức uống dân dã của đồng bào vùng cao nhưng lại là thứ đặc sản ở vùng xuôi vì công hiệu của nó trong việc chữa nhiều bệnh theo Đông y. Táo mèo là đặc sản của các tỉnh vùng cao vì đặc trưng của loài là sinh sống ở nơi có độ cao trên 1000m. Yên Bái, Lào Cai… là nơi có loại táo mèo ngon. Được ngâm từ quả táo mèo, hay còn gọi là sơn tra, rượu táo mèo có hầu hết những dược tính của quả sơn tra.  Rượu táo mèo có tác dụng tốt trong việc tăng cường sức khỏe, giảm cân, làm đẹp da cho chị em phụ nữ…

Vị chua, chát, ngọt hòa cùng vị cay của rượu tạo nên nét đặc trưng cho vị rượu này. Rượu táo mèo có vô vàn công dụng song lại có giá thành vừa phải, bởi vậy đến với Tây Bắc, bạn chắc chắn phải mua cho gia đình vài hũ rượu để bảo vệ sức khỏe cho cả nhà nhé.

Lợn “cắp nách”

Đây có lẽ cũng là một món ăn không còn xa lạ đối với du khách khi nhắc tới Tây Bắc. Loại lợn này chỉ có ở vùng cao. Người dân bản thả lợn mới sinh vào trong rừng để chúng tự kiếm ăn. Vì vậy thịt của chúng rất ngon, chẳng khác gì lợn rừng. Đặc biệt giống lợn này chỉ nặng từ 10-15kg, con lớn cũng chỉ 20kg nên hầu như không có mỡ. Có thể chế biến nhiều món ăn từ lợn “cắp nách” như nướng, sào, hấp, lòng dồi, om, giả cầy, sườn nấu canh. Món nào làm từ loại lợn này cũng ngon và hấp dẫn
.
Người miền xuôi sành ăn khi đến với Tây Bắc thường chọn mua thịt lợn “cắp nách” về làm quà bởi thịt ngon, không nhiều mỡ. Có cơ hội đến với Tây Bắc, các bạn nhớ thưởng thức đặc sản tuyệt vời này nhé.

Cơm lam

Cơm lam là đặc sản của người dân tộc Tày vùng Tây Bắc. Đây là món ăn mà có lẽ không người Việt nào là không biết đến, thậm chí nhiều du khách nước ngoài cũng yêu thích. Cơm được nấu theo một cách đặc biệt là nấu trong ống tre hoặc nứa. Khi chín, cơm rất dẻo và ngọt do có thấm nước của ống nứa tiết ra. Loại cơm này có thể ăn không, chấm với muối vừng, hoặc ăn cùng cá nướng béo ngậy. 

Mùi thơm phức của gạo nếp nương quyện cùng lá chuối sẽ khiến bạn khó mà quên được hương vị của loại cơm này. Món cơm lam ngày xưa chỉ dành cho những người đi rừng vì sự gọn nhẹ của nó. Cho đến ngày nay, cơm lam đã trở thành một món ăn ngon nổi tiếng của vùng Tây Bắc.

Cách làm cơm lam khá đơn giản. Bạn chỉ cần cho gạo đã vo sạch vào ống nứa bánh tẻ, dùng nước ở trong ống nứa để nấu là ngon nhất, sau đó dùng lá chuối hoặc lá dong nút chặt rồi chất củi đốt đến khi cháy vỏ là cơm chín. Bỏ lớp vỏ nứa đã cháy bên ngoài, chỉ để lại lớp vỏ mỏng trắng sạch sẽ, bạn sẽ có thể ăn ngay hoặc để cơm hàng tuần mà không sợ cơm bị thiu.

Ngày nay, cơm lam nổi tiếng khắp bốn phương, bạn có thể thấy người ta bán cơm lam rất nhiều tại các khu du lịch. Và để phục vụ nhu cầu của du khách, nhiều nơi cơm lam đã được người dân làm đi đôi chút bằng việc dùng nước dừa và dừa sợi để nấu cơm nhằm tăng vị ngon của món ăn. Cơm lam ngày nay đã trở thành một thứ hàng hóa, được bày bán ở nhiều nơi chứ không riêng gì Tây Bắc, song nếu bạn muốn thưởng thức vốn có của nó thì hãy đến với vùng đất nơi đây.

Xôi ngũ sắc

Khi có dịp tới với Mường Lò (Yên Bái), bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình của núi rừng Tây Bắc thì du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức hương vị ngọt ngào của món xôi ngũ sắc của đồng bào nơi đây. Xôi ngũ sắc Yên Bái được làm từ các nguyên liệu khá đặc biệt. Người dân nơi đây rất chú trọng trong việc chuẩn bị nguyên liệu, gạo phải là loại nếp ngon thì xôi mới dẻo, chất lượng nhất là gạo Tú Lệ. Ngoài ra, để tạo màu cho xôi người ta dùng các loại thực vật từ rừng để tạo nên 5 màu cho món xôi này: màu vàng là củ nghệ, màu xanh là lá dứa, màu đỏ là quả gấc, màu tím là lá cẩm.

Dối với người dân Mường Lò thì xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng cuộc sống; xôi màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú, quý giá; xôi màu vàng tượng trưng cho sự ấm no, cường thịnh; xôi màu xanh tượng trưng cho cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng đại ngàn Tây Bắc, của bầu trời xanh bao la; xôi trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy trung…

Xôi ngũ sắc vừa ngọt thơm của hương nếp, hương thực vật, vừa chứa đựng những nét đẹp văn hóa của vùng đất xinh đẹp này. Chắc chắc rằng khi tới với Tây Bắc và thưởng thức xôi ngũ sắc, bạn sẽ không bao giờ quên được hương ấy.

Mật ong rừng

Mật ong rừng vốn nổi tiếng hiếm có và chất lượng tốt hơn những loại mật ong nuôi thường. Mật ong rừng có công hiệu cao trong các bài thuốc y học cổ truyền. Dùng mật ong rừng có thể tăng cường sức khỏe, chữa các bệnh về tiêu hóa, bổ phế… do thành phần và giá trị dinh dưỡng rất cao. Chính vì thế mà mật ong rừng luôn được coi là một trong những đặc sản vùng Tây Bắc.

Mật ong rừng Tây Bắc được người dân lấy hoàn toàn từ thiên nhiên. Những giọt mật vàng óng là kết quả của quá trình vất vả và nguy hiểm của những người đi rừng, Nếu có cơ hội tới với vùng đất này, vài chai mật ong rừng sẽ là lựa chọn số một để các bạn mang về làm quà cho bạn bè, người thân.

Trả lời