Mỗi mùa qua đi đất nước lại đổi mình và Hà Nội cũng vậy, mỗi tiết trời mang một nét đẹp riêng nhưng có lẽ tiết trời thu Hà Nội được xem là đẹp nhất và cũng làm cho con người ta mang nhiều tâm trạng nhất. Những ca khúc sau được coi là những ca khúc bất hủ về mùa thu Hà Nội.

Nhớ mùa thu Hà Nội – Trịnh Công Sơn

Ca khúc được sáng tác năm 1985 lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ, khi tình yêu giữa đất và người vừa chớm nở đã phải chia xa. Ca khúc có mặt trong hầu hết list nhạc của người yêu Hà Nội. Từng có nhiều giọng ca thể hiện ca khúc này nhưng có lẽ Hồng Nhung là người thể hiện thành công nhất. Giọng hát của chị khiến cho những ai xa Hà Nội cũng phải xốn xang, bồi hồi, nhung nhớ… về một Hà Nội với bao sắc Thu đặc trưng.

Nồng Nàn Hà Nội – Nguyễn Đức Cường

Ca khúc này được viết khoảng năm 2007, ca khúc phong cách rock unplugged pha lẫn R&B là cái nhìn chân thực nhưng không kém phần lãng mạn về Hà Nội đương đại và nó từng được Hoàng Hải thể hiện thành công.

Hương ngọc lan – Anh Quân, Dương Thụ

Ca khúc do Anh Quân – Dương Thụ sáng tác nằm trong album “tóc ngắn” của Mỹ Linh ra mắt năm 2000. Bài hát là câu chuyện của một cô gái đối thoại với người yêu ở một góc phố vào chiều cuối thu. Bài hát đã được rất nhiều ca sĩ trẻ hiện hiện lại dưới nhiều bản phối khác nhau nhưng đi vào lòng người nhất vẫn là bản gắn với giọng hát Mỹ Linh.

Đoản khúc thu Hà Nội – Trịnh Công Sơn

Bài hát này được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1995 mang vẻ nhẹ nhàng, ấm áp cũng giống như nhịp sống lặng lẽ, âm thầm của Hà Nội. Ở ca khúc này hình ảnh về thành phố nghìn năm lại là một “mùa thu tràn nỗi nhớ”.

Im lặng đêm Hà Nội – Phạm Thị Ngọc Liên, Phú Quang

Đây là một bài thơ nổi tiếng của Phạm Thị Ngọc Liên được in trong tập thơ “thức đến sáng và mơ” năm 2004. Nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc bài thơ này khi tìm được sự đồng cảm đến “tê người” từ những câu thơ cuối cùng của bài thơ. Ngọc Tân, Thanh Lam, Ngọc Anh, Phương Anh đã tìm đến “im lặng đêm Hà Nội” để trải lòng mình.

Đâu phải bởi mùa thu – Phú Quang

Ca khúc được sáng tác năm 1976 dựa trên ý thơ của nhà thơ Giáng Vân trong bài thơ “yên tĩnh”, tuy nhiên phải 10 năm sau bài hát này mới đến được với công chúng. Thanh Lam là một trong những ca sĩ thể hiện thành công bài hát này.

Hà Nội mùa thu – Vũ Thanh

Bài hát được sáng tác năm 1980 và nhanh chóng trở thành tác phẩm bất hủ về Hà Nội. Mùa thu Hà Nội trong bài hát này vừa cụ thể lại vừa trừu tượng, vừa lịch sử lại vừa hiện đại, lấp lánh tương lai. Đó là một “mùa thu mới” không còn khói lửa đạn bom mà lắng đọng suy tư, bâng khuâng xao xuvến.

Hoa sữa – Hồng Đăng

Xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ của nữ đạo diễn Đức Hoàn vào năm 1978, “hoa sữa” đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng riêng trong đời sống âm nhạc. “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng mãi sống trong tiềm thức của người yêu nhạc Việt Nam như là một trong những ca khúc hay nhất về mùa thu Hà Nội. NSND Lê Dung là người đầu tiên thể hiện ca khúc này nhưng đến những năm 90, “hoa sữa” lại được khán giả biết đến nhiều hơn qua giọng ca của nữ ca sĩ Thanh Lam.

Hà Nội đêm trở gió – Chu Lai, Trọng Đài

Năm 1993, lần đầu tiên bài hát “Hà Nội đêm trở gió” được trình diễn qua giọng hát của ca sĩ Tuyết Tuyết trong một vở kịch cùng tên của nhà văn Chu Lai, nhưng sau đó nó đã nhanh chóng đến với giới yêu nhạc của cả nước, đây cũng là tác phẩm ghi dấu ấn thành công của ca sĩ Mỹ Linh trong thập niên 90.

Có phải em mùa thu Hà Nội – Tô Như Châu, Trần Quang Lộc

Có phải em mùa thu Hà Nội là một bài thơ được nhà thơ Tô Ngọc Châu sáng tác năm 1970 sau đó được nhạc sĩ Trần Quang Lộc chắt lấy những vần thơ đắt nhất để cho ra đời bài hát “có phải em mùa thu Hà Nội” được ca sĩ Thái Thanh trình bày lần đầu tiên năm 1972, sau đó đã có rất nhiều ca sĩ hát thành công ca khúc này như Hồng Nhung, Thu Phương.

Trả lời