Cha ông ta đã nói rằng “tháng giêng là tháng ăn chơi” để chỉ thời gian đầu năm con người chủ yếu dành thời gian thư giãn, đi chơi, đi xin lộc đầu năm. Giai đoạn này những ai ở miền Bắc hoặc có dịp đi về miền Bắc sẽ có cơ hội tham dự các lễ hội lớn về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Đây là cơ hội cho du khách tìm hiểu và khám phá nhiều nét văn hóa độc đáo, tín ngưỡng tốt đẹp trong lòng người Việt.

Lễ khai ấn đền Trần – Nam Định

Lễ hội khai ấn đền Trần diễn ra vào đêm 14 mở đầu cho ngày 15 tháng giêng âm lịch tại khu di tích đền Trần, phường Lộc Vương, thành phố Nam định. Lễ hội này tái hiện tập tục cũ bắt đầu từ thế kỉ 13 của triều đại nhà Trần đó là nghi lễ tế Tiên Tổ. Trải qua nhiều gián đoạn và mất ấn thì vào 1822 vua Minh Mạng ghé qua đây và bắt đầu cho khắc lại ấn và từ đó nghi lễ này tiếp tục cho đến ngày nay. Lễ này thực hiện từ 11 giờ đêm ngày 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 để thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, cha ông và tín hiệu nhắc nhở hết Tết bắt đầu công việc. 
Lễ hội bắt đầu từ đền Cố Trạch và các bô lão tập hợp đông đủ để dâng hương lên các đức thánh thần và bắt đầu lễ khai ấn đầu năm. Hòm ấn được đặt trang trọng trên bàn thờ, đúng 12 giờ đêm một cụ cao niên đức cao vọng trọng trong làng sẽ thay mặt dân làng làm lễ và rước ấn đi theo nhịp trống, chiêng sang đền Thiên Trường và tiếp tục làm lễ. Sau đó sẽ được tổ chức đóng dấu son đỏ trên bề mặt giấy trắng và chia phát cho nhân dân cầu may, lấy lộc.
Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hóa như múa lân, đấu vật, chọi gà, chơi đu hết sức phong phú.

Lễ hội đền Gióng – Sóc Sơn – Hà Nội

Hội đền Gióng là lễ hội lớn diễn ra hằng năm nhằm tưởng nhớ chiến công của người anh hùng Thánh Gióng và mô tả lại các trận đánh của Thánh Gióng với giặc Ân, qua đó vừa tái hiện lại lịch sử xa xưa vừa gợi nhớ lòng biết ơn sâu sắc của con cháu với tổ tiên, vừa thể hiện lòng dũng cảm bảo vệ đất nước của con dân Việt. Hội đền Gióng được tổ chức nhiều nơi ở vùng Bắc Bộ nhưng lễ hội lớn nhất phải nhắc đến là hội Gióng ở Sóc Sơn được tổ chức từ ngày 6 – 8 tháng giêng hàng năm. Theo truyền thuyết thì Phù Linh là nơi dừng chân cuối cùng khi Thánh Gióng về trời và nhân dân để tưởng nhớ công ơn đã lập đền thờ ở đây và hàng năm tổ chức lễ hội ở đây với các nghi thức như lễ mộc dục, lễ rước, dâng hương, lễ hóa voi và ngựa,…
Bắt đầu đêm mồng 5 sẽ diễn ra lễ tắm tượng để mời thánh về dự lễ. Đến ngày mồng 6 nhân dân các làng, xã quanh đó sẽ dâng các lễ vật chu đáo lên Đức Thánh cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn may mắn. Trong các lễ đó có lễ dâng hoa tre (làm bằng những thanh tre vuốt dài có chuốt bông tượng trưng cho roi Thánh Gióng) rước từ đền Thượng về đền Hạ và phát cho nhân dân lấy lộc cầu may.
Sang mồng 7 sẽ tái hiện ngày lể chém tướng giặc trước khi về trời. Đến mồng 8 là nghi lễ hóa mô hình voi ngựa, tín vật linh thiêng gắn liền với Thánh Gióng. Không chỉ vậy du khách còn được tham gia và xem các hoạt động văn hóa như hát chèo, ca trù, chọi gà. 

Lễ hội bà Chúa Kho – Vũ Ninh – Bắc Ninh

Lễ hội đền bà Chúa Kho diễn ra vào ngày 12 tháng giêng âm lịch được tổ chức ở thôn Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh để tưởng nhớ ngày giỗ của bà Chúa Kho. Bà Chúa Kho là một phụ nữ nghèo ở thời Lý, sau khi lấy vua Lý thấy cuộc sống nhân dân cơ cực bà đã không ngừng cho khai hoang, mở rộng sản xuất, chăm lo cho dân và trông giữ các kho thóc, kho tiền của nhà nước. Khi bà mất để nghi nhận công lao của bà người dân đã lập đền thờ bà và là ngôi đền hết sức linh thiêng. 
Vào đầu năm đặc biệt là vào ngày 12 tháng giêng nhân dân khắp nơi kéo về đây làm lễ cầu tài, cầu lộc và đặc biệt là vay tiền bà để làm ăn. Người ta dâng lễ lên rồi viết sớ xin vay bao nhiêu tiền rồi thành tâm cầu khấn và xin mượn bao nhiêu tiền, bao lâu sẽ trả và vào dịp cuối năm đền này cũng nhộn nhịp người đến trả lễ dù họ làm ăn được hay không.
Lễ hội thu hút hàng ngàn người đến tham gia và xin lộc, đặc biệt những thương nhân buôn bán luôn lựa chọn nơi này để thắp hương, khấn cầu mong một năm làm ăn phát lộc.

Lễ hội chùa Yên Tử – Quảng Ninh

Yên Tử là trung tâm Phật giáo lớn nhất của nước ta, là nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử là một quần thể di tích rộng lớn với 11 chùa và hàng trăm am tháp với đỉnh cao nhất là chùa Đồng nằm ở Quảng Ninh.
Lễ hội Yên Tử diễn ra từ ngày mồng 9 tháng giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Phần lễ được tổ chức hết sức linh thiêng, sang trọng như lễ dâng hương cúng Phật, bái tổ Trúc Lâm, văn nghệ diễn xướng và đặc biệt là lễ khai ấn “dấu thiêng chùa Đồng”. Sau đó là phần hành hương của Phật tử và du khách đến với đỉnh cao nhất của Yên Tử đó là chùa Đồng. Hành trình hội xuân này kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ leo núi mới tới được đỉnh cao nhất. Dọc đường du khách sẽ bắt gặp hàng trăm am tháp. Khi lên đến nơi chùa Đồng cao nhất du khách sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt vời nhìn ra 4 phía. Du khách đến đây đều cảm nhận được sự choáng ngợp, kì vĩ của thiên nhiên và thể hiện được sự thành tâm với đức Phật. Cuộc hành hương này vừa là du xuân, vừa là thưởng cảnh vừa là khám phá, chinh phục.

Lễ hội chùa Hương – Mỹ Đức – Hà Nội

Lễ hội chùa Hương hay còn gọi là trẩy hội chùa Hương là một lễ hội lớn trong năm ở Việt Nam, là lễ gây được tiếng vang lớn ở miền Bắc và thu hút được lượng tăng ni, Phật tử và du khách hành hương về đây rất nhiều. Lễ hội bắt đầu khai hội vào ngày 6/1 âm lịch và kéo dài đến tháng 3 âm lịch. Hàng năm khi hoa mơ nở trắng núi rừng vùng Hương Sơn – Mỹ Đức – Hà Nội là lúc hàng triệu Phật tử cùng du khách nô nức trẩy hội về miền đất Phật, dâng lên một nén tâm hương, một lời nguyện cầu tốt đẹp đến các vị Bồ tát.
Chùa Hương là một danh thắng đẹp, có nhiều hang động gắn liền với núi rừng trở thành quần thể di tích rộng lớn và thu hút du khách. Những ngày bắt đầu khai hội ở đây nghi ngút khói hương. Phần lễ ở đây thực hiện đơn giản, chủ yếu là dâng hương, hoa, đèn, nến, hoa quả, thức ăn chay. Ở đây thỉnh thoảng mới có các vị sư gõ mõ, tụng kinh. Nói chung phần lễ ở đây nghiêng về “thiền” và lễ thể hiện gần như toàn bộ màu sắc tôn giáo của Việt Nam như đạo giáo, đạo phật, đạo nho và tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên.
Ở phần hội du khách sẽ được chiêm ngưỡng màn rước thần ra đình rất trang trọng và linh thiêng, được tham gia đi thuyền, leo núi, nghe hát chầu hát văn.
Nói chung trẩy hội chùa Hương là lúc để bạn hòa mình vào thiên nhiên đất trời, đắm mình trong chốn linh thiêng đất Phật và cảm nhận tinh tú đất trời hội tụ về đây hết sức linh thiêng.

Lễ hội Xoan – Phú Thọ

Lễ hội Xoan diễn ra vào ngày 7 – 10 tháng giêng âm lịch hằng năm tại xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. 
Lễ hội Xoan diễn ra nhằm mục đích tưởng nhớ và ghi ơn với Xuân Nương một nữ tướng tài giỏi thời Hai Bà Trưng. Khởi đầu lễ hội là tiệc cầu Xuân dâng thành Hoàng với mâm cỗ chay. Mồng 10 sẽ diễn trò trình nghề ở bãi sông trước đình làng với các nghề như cày, bừa, gieo mạ, dệt cửi… rất hấp dẫn. Vào ngày hội Xoan các phường hát sẽ tổ chức hát thi tại cửa đình và tục giữ cửa đình tránh sự tranh chấp. Đồng thời cũng có tục kết nghĩa họ Xoan với dân địa phương nhằm thắt chặt tình nghĩa. 

Lễ hội Lim – Tiên Du – Bắc Ninh

Hội Lim là lễ hội lớn nhất vùng Kinh Bắc diễn ra từ ngày 12 – 14 hàng năm trên địa bàn huyện Tiên Du – Bắc Ninh.
Vào ngày 13 tháng giêng âm lịch sẽ được bắt đầu bằng phần lễ chính đó là lễ rước. Đúng 8 giờ sáng đoàn rước với những bộ trang phục sặc sỡ, cầu kì cùng vô số người dân tham gia bắt đầu rước. Buổi sáng này toàn thể phụ lão, trai tráng… đều phải tề tựu đông đủ để làm lễ tế hậu thần ở lăng Hồng Vân và hát quan họ thờ thần. Khi hát nam nữ của tổng Nội Duệ đứng trước cửa lăng hát vào với lời lẽ ca ngợi công đức của thần. 
Xong phần lễ là phần hội với các hình thức đặc sắc như đấu vật, đấu cờ, nấu cơm và đặc biệt là phần thi hát hội. Các liền anh liền chị sẽ ngồi thuyền và hát đối đáp với nhau đến gần trưa. Còn vào khoảng tối 12 sẽ là hội hát thi quan họ giữa các làng hết sức đặc sắc.
Có thể nói phần lễ hội Lim đều độc đáo, phong phú và thu hút du khách và là nét đẹp trong tín ngưỡng văn hóa của người Kinh Bắc nói riêng và người Việt nói chung.

Lễ hội Côn Sơn – Hải Dương

Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc diễn ra vào ngày 16 tháng giêng hàng năm tại Hải Dương. Bắt đầu là lễ dâng hương khai hội, sau đó là nghi lễ rước nước. Phật tử, tăng ni cùng đông đảo nhân dân và du khách ra hồ Côn Sơn thắp hương, trì chú, cầu nước, an vị thủy bình để xin nước nhằm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nhân dân làm ăn tấn tới, nhà nhà ấm no. Sau đó bình nước được rước về chùa Côn Sơn làm lễ mộc dục Trúc Lâm tam tổ theo nghi thức truyền thống phật giáo.
Vào ngày 17 tháng giêng là lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc ở Trung Nhạc miếu, đây là lễ kính cáo với trời đất mong trời đất chứng giám cho lòng thành của con cháu để phù hộ cho quốc thái dân an. Sau khi thực hiện nghi lễ thì lãnh đạo Đảng và nhà nước sẽ phát ngũ cốc, hạt giống cho nhân dân về gieo trồng, làm ăn cầu mong mùa màng bội thu.
Một nghi lễ quan trọng trong nghi lễ mùa xuân của Côn Sơn – Kiếp Bạc là lễ cúng đàn Mông Sơn thí thực vào ngày 23 tháng giêng. Nghi lễ này thực hiện hết sức linh thiêng và uy nghi. Sau khi kết thúc nhân dân chen nhau cướp đồ lễ để lấy may.
Bên cạnh phần lễ uy nghi thì còn phần hội nhộn nhịp như hội bánh chưng bánh giày, liên hoan pháo đất, và các hoạt động văn hóa nghệ thuật như múa rối nước, chèo thuyền, đấu vật… thu hút đông đảo du khách xem và tham gia.

Lễ hội gò Đống Đa – Đống Đa – Hà Nội

Hội gò Đống Đa diễn ra vào ngày mồng 5 tháng giêng hàng năm tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội để cảm tạ công lao to lớn của vua áo vải Quang Trung trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Cách đây hơn 200 năm trong cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược, tên thái thú Sầm Nghi Đống bị thất thủ và thắt cổ tự tử ở đây. Gò Đống Đa trở thành một chứng tích lịch sử tưởng nhớ công ơn của vua Quang Trung và sự nhục nhã, thất bại ê chề của tên giặc phương Bắc.
Lễ hội bắt đầu vào buổi sáng ngày mồng 5 khi các bô lão chức sắc trong làng tề tựu đông đủ và chuẩn bị cho đại lễ. Vào khoảng 12 giờ trưa là lễ rước thần mừng chiến thắng từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa. Người ta cũng cúng cô hồn cho quân giặc thể hiện truyền thống nhân nghĩa của nước ta và đồng thời dâng hương đầy thành tâm và trang trọng lên tượng vua Quang Trung.
Sau phần lễ là phần hội với các hình thức như múa lân, múa rồng, đấu vật, chọi gà, đánh trống hết sức đặc sắc.
Vào ngày mồng 5 hàng năm đi hội gò Đống Đa là nhu cầu không thể thiếu của nhân dân Hà Nội và các vùng lân cận.

Trả lời