Smartphone hay còn gọi là những chiếc điện thoại thông minh mang đến cho chúng ta những trải nghiệm tuyệt vời và sống động như liên lạc với thế giới xung quanh dễ dàng hơn, chơi game, nghe nhạc, xem phim,… Tuy nhiên, việc quá say mê sử dụng smartphone quả là một điều không nên chút nào. Nghiện sử dụng điện thoại thông minh là một căn bệnh khá phổ biến trong thời đại kỹ thuật số ngày nay. Chúng ta sử dụng smartphone mọi lúc, mọi nơi, khi đang nói, làm việc, đang đi bộ hay lái xe, thậm chí là quên luôn cả giấc ngủ,… Thật khó từ bỏ thói quen này ngay lập tức. Tuy nhiên, những lời khuyên sau đây của Toplist có lẽ sẽ hữu ích đối với bạn để tránh việc quá lệ thuộc vào những chiếc điện thoại smartphone.

Không sử dụng điện thoại trên giường ngủ

Một số nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra rằng việc sử dụng điện thoại thông minh trên giường ngủ không hề tốt một chút nào. Bởi lẽ, ánh sáng xanh của màn hình điện thoại sẽ gây ức chế thần kinh, khiến cho bạn khó ngủ, nhất là khi sử dụng khi đèn trong phòng đã tắt hết. Vì vậy, trước khi đi ngủ hay có ý định nghỉ ngơi trên giường, hãy để smartphone xa một chút, tốt nhất là không để trong phòng ngủ, để bảo vệ cho sức khỏe của chính mình. Những ngày đầu tiên thiếu smartphone chắc chắn sẽ không dễ dàng, nhưng chỉ vài lần cố gắng, bạn sẽ tạo được thói quen tốt cho mình.

Tập trung vào người mà bạn đang trò chuyện

Hình ảnh ai đó vừa nhìn vào chiếc điện thoại trên tay vừa nói chuyện cùng những người xung quanh dường như trở thành một hình ảnh khá quen thuộc có thể gặp ở bất kỳ nơi nào. Đây chính là ví dụ điển hình nhất cho “cơn nghiện” smartphone của con người trong thế giới số hiện đại ngày nay. Và lời khuyên dành cho bạn là hãy tập trung vào người mà bạn đang trò chuyện. Đừng cố gắng chạm tay vào điện thoại, vượt qua cám dỗ nhất thời sẽ giúp bạn rất nhiều trong cuộc sống. Hãy đặt mình vào vị trí của người đối diện, họ chắc hẳn sẽ rất ngán ngẩm khi bạn cứ dán mắt vào màn hình smartphone.

Kiểm tra điện thoại cách quãng

Thay vì lúc nào cũng nhìn vào chiếc điện thoại để kiểm tra xem có tin nhắn hay thông báo gì hay không, hoặc âm thanh thông báo làm bạn xao nhãng. Bạn hãy thử tắt chức năng báo rung (hoặc tắt âm thanh) của điện thoại, đồng thời tắt luôn cả các thông báo của ứng dụng. Thay vào đó là kiểm tra điện thoại một cách định kỳ (khoảng 1 tiếng). Nhiều lần như vậy sẽ giúp bạn hình thành nên thói quen kiểm tra chiếc smartphone thường xuyên.

Gỡ bỏ ứng dụng

Bạn nên gỡ bỏ các ứng dụng không cần thiết hoặc các ứng dụng mà bạn luôn mất quá nhiều thời gian với chúng như game giải trí chẳng hạn. Chỉ nên để lại những ứng dụng cần phải sử dụng trong công việc như Facebook, Gmail hay YouTube,… Việc loại bỏ những ứng dụng không cần thiết là một trong những cách tốt để hạn chế cơn nghiện smartphone của bạn. Điện thoại sẽ có ít thông báo để kiểm tra hơn, ít cập nhật hơn, giải phóng không gian lưu trữ, giảm sự lộn xộn trên màn hình điện thoại của bạn.

Đặt mật khẩu của điện thoại thật phức tạp

Nghe thật vô lý nhưng thực sự việc đặt mật khẩu của điện thoại thật phức tạp cũng là một cách khá hữu hiệu để bạn hạn chế cơn nghiện smartphone của chính mình. Khi mật khẩu chiếc smartphone được đặt với nhiều ký tự, cả in hoa, in thường, có ký hiệu đặc biệt,… hoặc được vẽ với hình phức tạp, thì việc mở nhanh điện thoại là một điều rất khó khăn. Việc nhập password lúc này chẳng khác nào “cực hình”, quá phức tạp và mất thời gian. Bạn sẽ cảm thấy ngại mở khóa điện thoại và chỉ mở khi nào thực sự cần thiết.

Tăng cường các hoạt động không có mặt của smartphone

Khi bạn hướng mình vào những hoạt động đòi hỏi sự tập trung, không thể dùng điện thoại di động như trò chuyện với mọi người, chạy bộ, bơi hay chơi bất kỳ môn thể thao nào khác,… mỗi ngày, bạn sẽ tạo cho mình thói quen rời xa điện thoại, ngăn cơ nghiện smartphone khá hiệu quả. Hãy cố gắng tăng thời gian của các hoạt động không có mặt của smartphone này lên càng lâu càng tốt.

Trả lời