Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có lẽ chưa từng có vị lãnh tụ nào được yêu mến và ca ngợi nhiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tài năng và nhân cách của Người luôn là niềm cảm hứng bất tận cho rất nhiều văn nghệ sỹ, và người luôn là tấm gương sáng để các thế hệ Đoàn viên thanh niên, Đảng viên học tập và noi theo. Tháng 5 này có một ngày vô cùng đặc biệt và ý nghĩa đối với triệu triệu người dân Việt Nam, đó chính là ngày 19 tháng 5 – ngày kỉ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Và hôm nay hãy cùng điểm lại một số mẩu truyện về sinh nhật bác Hồ hay nhất qua bài viết sau đây.

Kỷ niệm sinh nhật giải phóng

Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đầu tháng 5/1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng ở chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra đúng vào dịp sinh nhật Bác Hồ kính yêu, là món quà vô giá và đặc biệt nhất của quân và dân ta kính dâng lên Bác nhân kỷ niệm ngày sinh của Người. Có lẽ đây là kỷ niệm sinh nhật vui và hạnh phúc nhất trong cuộc đời Bác Hồ. Hoà cùng với niềm vui chung của quân và dân ta trong chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác viết thư gửi cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ:

“Gửi toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Trước hết Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh. Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sỹ ở toàn quốc đã quyết tâm tranh được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác. Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tuỳ theo điều kiện, nhưng nhất định khao.

Thế là Bác cháu ta cùng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và để tranh thắng lợi mới. Bác và chính phủ định thưởng cho tất cả các chú huy hiệu Chiến sỹ “Điện Biện Phủ”. Các chú có tán thành không?

Bác dặn các chú một lần nữa: Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho các chú.

Bác hôn các chú!

Bác

Hồ Chí Minh”.

Cũng nhân dịp sinh nhật, Bác đã chiêu đãi những chiến sỹ tiêu biểu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sáng 19/5/1954 đoàn đại biểu gồm 5 chiến sỹ tiêu biểu có công nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ được về báo cáo thành tích với Bác và dự lễ sinh nhật của Người. Được vinh dự gặp Bác, các chiến sỹ ai cũng hồi hộp, xúc động. Bác khen ngợi và hỏi về đời sống chiến đấu ở Điện Biên Phủ cũng như hoàn cảnh gia đình của từng người. Bác xúc động khi nghe kể về hoàn cảnh khó khăn của các chiến sỹ và động viên: Đất nước rồi sẽ độc lập, chắc chắn dân sẽ đủ ăn.

Bác căn dặn các chiến sỹ: Phải tranh thủ học tập thật nhiều nâng cao trình độ văn hoá. Có học mới phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.

Kỷ niệm sinh nhật cuối cùng của Bác Hồ

Bước sang năm 1969, sức khoẻ của Bác Hồ có phần yếu nhiều. Dịp kỷ niệm sinh nhật năm ấy, Bác không đi “công tác xa” như những năm trước đó. Và cũng khác với những lần Bác sửa Di chúc trong những dịp sinh nhật Bác, lần đầu tiên trong 4 năm (1965-1969) Bác Hồ viết và sửa di chúc muộn hơn, từ 9h30 đến 10h30 ngày 10/5/1969. Bác viết: “Năm nay tôi vừa 79 tuổi đã là hạng người “Xưa nay hiếm”. Nhưng tinh thần và đầu óc vẫn sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 tuổi, thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ… Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi phải đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi thấy đột ngột“

Chiều 11/5/1969, Bác đến thăm và nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân. Cả hội trường vang dậy những tràng vỗ tay vui mừng phấn khởi được đón Bác. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt các cán bộ và chiến sỹ toàn quân mang hoa đến chúc thọ Bác nhân dịp sinh nhật Bác. Đồng chí xúc động bày tỏ:

– Thưa Bác! Nhân dịp mừng thọ Bác 79 tuổi, chúng cháu xin thay mặt cán bộ, chiến sỹ toàn quân, kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu. Toàn thể lực lượng vũ trang nhân dân tin tưởng tuyệt đối và biết ơn sâu sắc sự lãnh đạo, giáo dục và thương yêu chăm sóc của Đảng, của Bác.

Đồng chí Vương Thừa Vũ vừa dứt lời, Bác vui vẻ rút một bông hoa đẹp nhất tặng lại đồng chí. Ngày 18/5/1969, các cán bộ trong cơ quan Phủ Chủ tịch tổ chức mừng thọ Bác. Mọi người phấn khởi thưa với Bác về những chiến công mà quân và dân miền Nam đã giành được kính dâng lên Bác nhân dịp sinh nhật. Đồng chí Vũ Kỳ – thư ký riêng của Bác, thay mặt các cán bộ văn phòng và những người giúp việc đứng dậy xúc động nói: “Thưa Bác, nguyện vọng tha thiết của anh em là cố gắng mọi mặt mong Bác ăn được ngon, ngủ được tốt. Kính chúc Bác mạnh khoẻ sống lâu, lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi”.

Chiều cùng ngày 18/5/1969, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí uỷ viên Trung ương vào chúc thọ Bác ở căn nhà họp Bộ Chính trị gần ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Buổi lễ mừng sinh nhật Bác lần thứ 79 rất đơn giản và đầm ấm. Mọi người đều đứng xung quanh Bác. Đồng chí Tố Hữu tặng hoa, đồng chí Lê Duẩn đọc lời chúc thọ mừng sinh nhật Bác. Bác cười vui thân mật mời mọi người ăn bánh kẹo và không quên dặn “nhớ mang phần về cho các cô và các cháu ở nhà”.

Buổi sáng sớm ngày 19/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dậy sớm như thường lệ và cố gắng tập những động tác thể dục đơn giản nhất. Bác rất cố gắng và kiên trì tập ném bóng vào cái giỏ đựng giấy để cách xa khoảng vài mét ở dưới nhà sàn. Bác đang bình tĩnh chuẩn bị ra đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn kiên nhẫn muốn có thêm thời gian, thêm sức khoẻ ở lại với đồng bào, đồng chí, vì sự nghiệp cách mạng chưa trọn vẹn, miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất.

Đầu giờ sáng ngày 19/5/1969, Bác tiếp các cháu thiếu nhi là con các đồng chí phục vụ đến chúc thọ Người.

9 giờ sáng của ngày sinh nhật lần thứ 79, Bác lại ngồi vào bàn làm việc, xem và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc. Người thay đổi ba chữ trên trang đầu:

Bác thêm chữ “rất” thay chữ “như thường” trong câu “Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt như thường” để thành “Nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt”.

Trong câu “Khi người ta đã ngoài 70 tuổi”, Bác thay chữ “tuổi” bằng chữ “xuân”.

Bác dùng từ “sẽ” thay chữ “phải” trong câu “phòng khi tôi phải đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”.

10 giờ 30 Bác tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu (Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Thanh niên và Sinh viên giải phóng khu Sài Gòn Chợ Lớn – Gia Định) đến chúc thọ Người.

14 giờ, các bác sỹ đến kiểm tra sức khoẻ cho Bác.

14giờ 30, Người lên nhà sàn viết thư khen thiếu niên Hợp tác xã măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc đã có nhiều thành tích trong việc chăm sóc trâu bò.

Trong ngày, Bác gửi tặng cán bộ nhân dân tỉnh Nghệ An tấm ảnh chân dung của Người. Phía dưới tấm ảnh Người viết: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”.

Sinh nhật Bác Hồ năm 1969 diễn ra bình thường như những ngày làm việc của Bác và tất cả mọi người đều không ai nghĩ rằng đó là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ lần cuối cùng.

Kỷ niệm sinh nhật Bác lần đầu tiên

Năm 1946 là năm kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ lần đầu tiên. Sáng 19/5/1946, tại Bắc bộ Phủ, các đại biểu thiếu nhi thủ đô, tự vệ, hướng đạo và hơn 50 đại biểu Nam bộ đã đến chúc mừng sinh nhật Bác.

Xúc động trước tình cảm của đồng bào, đồng chí, Bác nói:

“Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào, vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi có 56 chưa đáng tuổi được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì nhà báo nào biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm bận rộn đến đồng bào. Từ trước tới nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào. Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cường thịnh hơn.

Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”.

Cũng trong ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số đoàn thể đến chúc mừng sinh nhật Người. Khi nghe giới thiệu có Ủy ban đời sống mới đến chúc thọ, Bác liền hỏi các đại biểu của Ủy ban:

– Đời sống mới là ai?

– Chú cho tôi biết cuộc vận động đời sống mới đến đâu rồi?

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thay mặt đoàn thưa với Bác: Chúng tôi đã bắt đầu bằng sự chia ra các ban nghiên cứu, tổ chức … Nhưng công việc chính là định rõ cái hướng cho đời sống mới. Mấy khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính” chúng tôi xét ra vừa không đủ, vừa cổ…

– Cổ! Lạ quá, thế cơm các cụ ăn ngày xưa, bây giờ ăn cũng cổ à?

– Bác tranh luận.

Không khí buổi chúc mừng sinh nhật Bác trở nên náo nhiệt, vui vẻ.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng liền thưa: Ủy ban vận động đời sống mới đã định rõ ba nguyên tắc cho đời sống mới là: Dân tộc, dân chủ, khoa học. Bác liền nói:

– Hay lắm, nhưng mình phải xem đồng bào bây giờ cần gì? Dân quê đã mấy người hiểu được thế nào là dân chủ, khoa học? Tôi hỏi chú, chú đi vận động đời sống mới thì chú làm gì trước?

Mọi người nhìn nhau, bối rối trước câu hỏi của Bác. Bác liền lấy tay vỗ vào bụng và nói:

– Trước hết là cái này. Dân chúng cần cái này trước hết, phải ăn đã, chú không ăn gì thì chú đi tuyên truyền được không? Mà muốn ăn thì phải làm gì? phải làm việc phải siêng năng, thế là “cần” đấy.

Bác cũng nhắc nhở: Muốn cho cuộc vận động được thực hiện được đến nơi đến chốn và có kết quả thì khẩu hiệu phải thiết thực, người đi vận động quần chúng phải làm gương .

Cùng ngày 19/5/1946, lực lượng Thanh niên Thủ đô đã tổ chức tuần hành thị uy mừng sinh nhật Bác Hồ.

Kỷ niệm sinh nhật bác

Ngày 18/5/1946, trên trang nhất báo Cứu Quốc xuất bản tại Hà Nội có đăng một bài báo đặc biệt với tựa đề: “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”, bài báo đã chính thức thông báo ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 19/5/1890. Và kể từ thời điểm đó, mỗi dịp tháng 5 về, hàng triệu trái tim người Việt và bạn bè trên khắp thế giới luôn bồi hồi, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam.

Ngày 19/5/1946 cũng là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật được tổ chức như để biểu thị khối đại đoàn kết của toàn dân, toàn dân quanh vị lãnh tụ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ, Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam Bộ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói “Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình”. Và những năm sau đó cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình, vì Bác sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ…

Ngày 19/5/1947, giữa lúc chiến tranh lan rộng ra cả nước, sinh nhật Bác diễn ra tại một địa điểm bí mật trên chiến khu ở Sơn Dương (Tuyên Quang) chỉ với một bó hoa rừng của những người thân cận tặng người đứng đầu cuộc kháng chiến. Nhưng Bác đã dành bó hoa ấy để đi viếng người cấp dưỡng của mình vừa qua đời vì sốt rét.

Ngày 19/5/1948, Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã gửi thư chúc mừng nhân sinh nhật Bác. Đáp lại những lời chúc mừng, Bác viết thư cảm ơn, có đoạn: “Đồng bào yêu mến chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực, chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn…”.

Ngày 19/5/1949, Bác không muốn tổ chức lễ mừng sinh nhật của mình, vả lại lúc này tình hình chiến sự đang ác liệt. Vì thế để trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật mình, trước ngày 19/5, Bác đã làm bài thơ “Không đề”:

“Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.

Trước ngày 19/5/1950, tại một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở Thác Dẫng (Tuyên Quang), nhân cuộc họp nhiều đồng chí đến chúc mừng sinh nhật Bác, để cảm ơn và đáp lại lời chúc thọ của mọi người, Bác đã làm bài thơ:

“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên”.

Khi ở Hà Nội, đúng ngày 19/5, Bác thường đi làm việc, thăm hỏi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém. Ngày 19/5/1953, Bác thăm các cháu lớp mẫu giáo nhỏ tuổi, con em của các đồng chí cán bộ các cơ quan Trung ương; Bác nhắc các cô giáo phải cố gắng nuôi dạy các cháu cho chu đáo; Bác còn chụp ảnh chung với cô giáo và các cháu. Trước đó Bác làm bài thơ đọc và gửi đến mọi người, với nhan đề: “Sáu mươi ba tuổi”:

“Chưa năm mươi đã kêu già
Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai
Sống quen thanh đạm nhẹ người
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”

Kỷ niệm sinh nhật kháng chiến.

Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp lại âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại căn cứ địa Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Chặng đường trường kỳ kháng chiến đã ghi dấu chân của Bác qua Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên… hoà cùng với những khó khăn vất vả và sự hy sinh của đồng bào, đồng chí trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Những dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc vô cùng đơn giản nhưng đầm ấm và đầy ý nghĩa, với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí và những bó hoa rừng của những người phục vụ.

Sinh nhật năm 1948 là kỷ niệm sinh nhật không bao giờ quên đối với Bác. Trước sinh nhật Bác vài ngày, đồng chí Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Ty) – người phục vụ nấu ăn cho Bác nhưng cũng là người đồng chí, người bạn thân thiết đã cùng Bác hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc rồi sau đó theo Bác trở về nước tham gia hoạt động cách mạng – vừa mới qua đời bởi căn bệnh sốt rét ác tính. Vì vậy, kỷ niệm sinh nhật Bác diễn ra lặng lẽ.

Sáng sớm ngày 19/5/1948, các đồng chí phục vụ đã mang một bó hoa rừng đến chúc mừng sinh nhật Bác, chúc Bác mạnh khoẻ sống lâu. Nhận bó hoa rừng và những lời chúc mừng của các đồng chí phục vụ, Bác rất xúc động rơm rớm nước mắt:

– Bác cảm ơn các chú. Bác đề nghị dành bó hoa này cùng đến viếng mộ đồng chí Lộc.

Thế là lễ mừng sinh nhật của Bác Hồ năm ấy, Bác đã dành để nói chuyện về một tấm gương trung thành với Đảng, suốt đời làm việc cho Đảng, không tính toán cá nhân, đòi hỏi địa vị.

Kỷ niệm sinh nhật, Bác viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Bác vui với niềm vui miền Bắc được hoà bình nhưng lại trăn trở và lo lắng khi miền Nam vẫn chưa được giải phóng, đất nước vẫn chưa được thống nhất, đồng bào miền Nam còn phải chịu nhiều đau khổ, hy sinh. Trong những dịp kỷ niệm sinh nhật, Bác thường không đồng ý cho tổ chức để khỏi tốn kém và làm mất thời gian của đồng bào, đồng chí, hoặc Người thường bố trí đi công tác xa để tránh sự chúc thọ làm phiền tới mọi người. Kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1965 là dịp hết sức đặc biệt: Bác Hồ tròn 75 tuổi. Dường như Người đoán trước được quy luật khắc nghiệt mà cuộc đời bất kỳ con người nào cũng phải trải qua. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Buổi sáng thứ hai, ngày 10/5/1965 tại phòng làm việc ở nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch, vào lúc 9 giờ – giờ đẹp nhất của một ngày, Bác Hồ đã đặt nét bút viết những dòng đầu tiên của tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Mở đầu bản Di chúc, Bác viết: “Nhân dịp mừng 75 tuổi”, “…Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khoẻ. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”.

Cũng như nhiều dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Bác, đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1965 Bác Hồ lại đi công tác xa. Biết trước được điều đó nên ngày 14/5/1965 các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí uỷ viên Trung ương Đảng tranh thủ thời gian tới chúc thọ sinh nhật Người.

Nhận bó hoa tươi và những lời chúc mừng của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Bác liền hỏi:

– Bác muốn biết ai đứng ra tổ chức cuộc gặp mặt hôm nay?

Đồng chí Trường Chinh thay mặt Bộ Chính trị thưa với Bác:

– Thưa Bác! nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Bác, chúng tôi thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin kính chúc Bác mạnh khoẻ, sống lâu.

Bác xúc động nói:

Cảm ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên.

Bác vui vẻ giơ cao tay mời tất cả mọi người ăn kẹo, ăn bánh và dặn: “Nhớ để phần cho các thím và các cháu ở nhà nữa”.

Tất cả mọi người đều cười vang trong không khí gần gũi, đầm ấm, chan hoà.

Ngày 15/5/1965 Bác rời Hà Nội đi thăm Trung Quốc.

Ngày 18/5, khi biết các bạn Trung Quốc chuẩn bị chúc thọ nhân kỷ niệm ngày sinh của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Nguyên soái Trung Quốc Diệp Kiếm Anh và cán bộ phụ trách nhà nghỉ: “Tôi sang đây vào dịp này là tránh việc chúc thọ ở trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ…”.

Ngày 19/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh đi thăm quê hương Khổng Tử, chiều cùng ngày Người đến thăm di tích Khổng Phủ, Khổng Miếu, Khổng Lâm, Người nói nhiều về quan niệm “lấy dân làm gốc” của Khổng Tử và Mạnh Tử. Trên đường trở về, Người đã làm bài thơ chữ Hán Phỏng Khúc Phụ ghi lại cảm xúc chuyến thăm quê hương Khổng Tử:

“Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ

Cổ tùng cổ miếu lưỡng y hy

Khổng gia thế lực kim hà tại?

Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi”

Dịch thơ:

“Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ

Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa

Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?

Lấp loáng bia xưa chút ánh tà”.

Trả lời