Nội Dung Chính Của Bài Viết
Cuối cùng hãy ứng xử văn minh
Dù không vừa ý với giá hay không thích sản phẩm mà người bán giới thiệu cũng đừng khó chịu. Hãy thưa gửi đàng hoàng với người bán lớn tuổi, nói cảm ơn và từ chối lịch sự nếu họ có thiện ý muốn giới thiệu một mặt hàng mà bạn không có nhu cầu hoặc không thể mua được với mức giá đó. Hãy chung tay xây dựng văn hóa mua bán tại Việt Nam!
Cẩn trọng với những “chiêu trò” này của người bán
- Người bán hàng thường rất đon đả, dẻo miệng. Khi bạn thử một chiếc áo, họ có thể dành cho bạn những lời khen có cánh đến mức bạn không có ý định nhưng rồi lại bị thuyết phục mua. “Em mặc cái áo này hợp lắm” hoặc khi bạn cảm thấy nó hơi chật, người chủ sẽ gạt phắt đi “Không chật. Thế là vừa. áo này về còn giãn ra”. Chỉ nên tin 50% những gì người bán nói nếu không sau này bạn sẽ hối hận.
- “Chị còn mỗi cái áo này. Thôi bán rẻ cho em để chị còn về” Mọi lý do bán rẻ như: “để đóng cửa”, “thanh lý đổi chủ”, “thu hồi vốn”,… đều dễ khiến bạn mủi lòng và tưởng bở. Hãy tỉnh táo, có thể đó vẫn là một mức giá đắt đội lốt “sale”.
- “Chất liệu của áo chị khác hoàn toàn với bên cửa hàng đấy nên giá làm sao mà như nhau được” hoặc “Quả cam của nhà đấy là cam Trung Quốc, của chị là cam ta, giá đắt hơn là đúng rồi” thường là những câu trả lời mà người bán đưa ra khi bạn hỏi về sự chênh lệch giá. Tất nhiên, cũng có những trường hợp “tiền nào của ấy” nhưng đa phần là ngụy biện cho việc “độn giá”. Những sạp hàng gần nhau thường lấy hàng cùng một mối nên việc chất liệu khác nhau là rất khó.
Tìm hiểu trước về mặt hàng cần mua
Mục này dành cho những người đã có định hình sẵn về sản phẩm cần mua.
1. Bạn phải lên danh sách những món đồ cần mua một cách chi tiết để tránh mua thừa hoặc thiếu. Thực tế đã chứng minh, khi đến chợ, mọi người thường có xu hướng bị cuốn vào những hàng quán lạ lẫm, mới mẻ hoặc đông vui mà quên mất những ý định ban đầu.
2. Tiếp đó, bạn nên tham khảo giá từ bạn bè, các trang mạng review sản phẩm. Điều này sẽ giúp bạn ước chừng được giá của mặt hàng đó. Tùy từng nơi giá sẽ có chênh lệch chút ít. Nhưng thông thường nếu hai sản phẩm dòng thời trang cùng chất lượng, mẫu mã, chỉ khác nhau địa điểm bày bán thì giá thành sẽ chỉ chênh từ 10.000đ- 50.000đ. Với thực phẩm thì mức độ này sẽ chỉ tính bằng nghìn.
Điều này rất quan trọng vì nó giúp bạn nắm thế chủ động khi đi chợ. Ngày nay với nhiều công cụ tiện ích thì việc tra cứu giá trước từ nhà là rất đơn giản. Do đó, hãy dành chừng 30 phút trước khi đi mua quần áo nhắn tin cho người bạn có chiếc áo na ná để hỏi thăm hay lên các shop online để hỏi giá. Trước khi đi mua thức ăn có thể hỏi chị hàng xóm đã mua cân xoài kia giá bao nhiêu.
Chọn thời điểm thích hợp để đi chợ
- Nếu là mua quần áo thì tuyệt đối nói không với đi chợ sáng sớm. Thời điểm này người bán mới mở cửa và sẽ rất khó chịu nếu bạn mặc cả. Việc thương lượng giữa 2 bên sẽ khó thành vì người bán không muốn bị “mất lộc”.
- Nếu là thực phẩm, đồ dùng bắt buộc phải mua buổi sáng thì hãy lựa chọn quán quen hoặc giữ thái độ cứng rắn trước những lý do mà người bán hàng đưa ra “Sáng sớm em mở hàng cho chị đi” nếu bạn thấy giá đó vô lý.
- Những thời điểm lễ tết/ ngày nghỉ với lượng khách đông, nhu cầu lớn, người bán sẽ “nói thách” nhiều hơn. Do đó những ngày nay bạn nên giữ tinh thần tỉnh táo để không rơi vào “bẫy” của họ.
- Nếu mua thực phẩm thì không nên mua rau củ quả trái mùa vì giá sẽ cao. Ngược lại với quần áo thì bạn hoàn toàn có thể đợi đến cuối mùa để mua. Ví dụ khi chớm lạnh, các cửa hàng sẽ xả áo phông với giả rẻ. Bạn có thể mua dự trữ cho mùa hè tiếp theo. Tât nhiên cũng nên mua có mức độ và tính toán xem những mẫu nào phổ biến, thông dụng được cả cho năm sau.
Mẹo ứng biến để không bị “lừa”
- Hãy nhận mình là khách quen của cửa hàng: “Cháu vẫn mua đồ ở đây suốt”. Điều này sẽ dễ tạo thiện cảm của người bán với bạn, biết đâu họ sẽ “nhẹ tay”
- Hãy luôn nói “Bạn em vừa mới mua hôm qua cái cũng như thế này chỉ có giá…” Dù cho có thích chiếc váy/ đôi giày… đó đến điên đảo cũng đừng bộc lộ điều đó ra bên ngoài để người bán không bắt được thóp của bạn.
- Khi bạn mặc cả 340.000đ mà họ không bán rồi họ đưa ra mức giá “350.000đ nhé. Chị bán thế là hết mức rồi đấy”. Điều đó thể hiện chủ cửa hàng đang lưỡng lự, đừng chấp nhận mức giá đó mà hãy quay đi, chắc chắn bạn sẽ được gọi lại
- Không mua vội vã. Bạn có thể đi lòng vòng kiểm tra, khảo giá ở các cửa hàng tương tự
- Đi mua cùng bạn bè sẽ vừa vui vẻ vừa có thêm lời khuyên. Những người bạn sẽ nói góp vào để giúp mình được chủ hạ giá, đồng thời sẽ sáng suốt ngăn cản mình rơi vào bẫy lúc cần
“Công thức” trả giá =))
Có một quy ước “bất thành văn” bản thân mình đã từng áp dụng và thấy rất hiệu quả.
- Đối với quần áo, bạn hãy trả bằng 2/3 mức giá mà người bán đưa ra. Nếu họ không đồng ý, hãy tăng lên từ từ 10.000đ – 20.000đ tùy theo giá trị. Đến khi đạt mức xấp xỉ 2.5/3 giá ban đầu thì thôi!
- Ví dụ: Cô bán hàng nói chiếc áo khoác dạ này gái 400.000đ bạn hãy nói “260.000đ thôi ạ”. Nếu cô ấy không đồng ý hãy tăng lên “280.000đ ạ”, “300.000đ ạ”. Đến mức 300.000đ cô ấy vẫn không đồng ý thì hãy dừng lại, bạn sẽ không trả thêm.
- Đối với rau, củ, quả do giá thấp hơn nên mức độ bạn mặc cả cũng chỉ từ 1000đ đến 10.000đ đồng .
- Làm tròn với số lượng nhiều.
- Ví dụ: 1 cân xoài giá 18.000đ. Bạn hãy mặc cả : “30.000đ 2 cân nhé!” . Việc này trong thực tế thường thành công vì nó đảm bảo lợi ích của cả 2 bên: chủ của sạp hàng được lợi vì bán được nhiều sản phẩm, bạn thì mua rẻ hơn so với giá lẻ.