Ngành công nghiệp rượu Việt Nam đã có những thương hiệu riêng biệt, đang từng bước khẳng định mình trên thị trường tiêu dùng hiện nay. Hãy cùng điểm danh 10 thương hiệu rượu nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay nhé!

Rượu đế Gò Đen (Long An)

Rượu đế Gò Đen được nấu từ gạo nếp tuyển chọn từ những hạt gạo trắng mẩy, hạt tròn, thường là nếp hương hay nếp ngỗng. Rượu mới cất có màu trắng đục, để lắng vài hôm, rượu sẽ chuyển màu trong khe. Đa phần rượu đế Gò Đen được nấu thủ công với bí quyết gia truyền, nhờ vậy, rượu đế Gò Đen chính là một trong những “Đệ nhất mỹ tửu” của đất Việt và cũng là đặc sản của người dân vùng đất Long An trù phú lúa nếp.

Rượu Bó Nặm (Bắc Kạn)

Rượu Bó Nặm là một loại rượu trắng nổi tiếng của người Bắc Kạn, rượu được lên men từ ngô và thảo dược, chưng cất theo phương thức truyền thống của người dân lành nghề. Rượu Bó Nặm có hương thơm rất đặc trưng của nguồn nước nơi đây, vị hơi ngọt, khi uống khá dễ chịu. Rượu Bó Nặm có nhiều loại với độ cồn và men khác nhau, do vậy, từng loại rượu lại được sử dụng theo từng dịp. Trước đây, rượu Bó Nặm chỉ được tiêu thụ rộng rãi tại Bắc Kạn. Tuy nhiên, những năm gần đây, rượu còn được tiêu thụ phổ biến tại thị trường lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… và rượu còn được xuất khẩu sang cả Đông Âu.

Rượu Hồng Đào (Quảng Nam)

Rượu Hồng Đào là thức rượu nổi tiếng của người dân Quảng Nam. Rượu có ở khắp mọi nơi của miền đất, nhưng thường chỉ làm ra phục vụ những dịp lễ, cưới hỏi, lấy rượu làm hợp cẩn giao bôi. Cách làm rượu Hồng Đào khá cầu kì: lấy rượu trắng nấu bằng gạo sau khi lên men, dùng cây tăm hương (chân hương đã đốt còn trong bát nhang) hoặc sử dụng vỏ bao hương nhúng vào rượu trắng để nhuộm màu hồng cho rượu. Bởi vậy, rượu Hồng Đào không được sử dụng phổ biến trong cả những ngày thường.

Rượu làng Vân (Bắc Ninh)

Rượu làng Vân là đặc sản không thể thiếu trong các buổi tiệc, các dịp lễ hội, ngày Tết của người dân Bắc Ninh. Rượu được nấu bằng chất lượng gạo nếp chắc mẩy cùng loại men gia truyền gồm 36 vị thuốc bắc quý hiếm, được ủ tài tình bởi đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Vân đem đến một thứ rượu thơm ngon khó nơi nào có được. Với thương hiệu rượu riêng mình, rượu làng Vân từ lâu đã là một trong những loại rượu quý được nhiều tín đồ của rượu khen ngợi. Khắp mọi miền đất nước, người ta đều dễ dàng có thể tìm được rượu làng Vân trong các nhà hàng, quán tạp hóa…

Rượu Ba Kích (Quảng Ninh)

Ba kích là một vị thuốc nam quý hiếm, có tác dụng tráng dương, bổ thận và giãn gân cốt rất tốt. Người dân Quảng Ninh thường ngâm ba kích với rượu, vừa là bài thuốc tốt, vừa đem đến một thức rượu ngon hảo hạng. Trong các sự kiện lớn, ngày lễ, ngày Tết, trên mâm cơm của người Bắc Ninh chắc chắn không thể thiếu một chai rượu Ba Kích cho bữa ăn thêm tròn vị, cho câu chuyện thêm rộn ràng.

Rượu cần (Tây Nguyên)

Rượu cần là thức uống đặc trưng trong các lễ hội và nghi thức thờ cúng của người Ê Đê sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên. Rượu được ủ trong các vại sành còn được gọi là ché. Quá trình lên men rượu hoàn toàn tự nhiên không qua đun nấu. Khi uống rượu, người ta hút rượu qua một ống tre hay trúc đã được đục lỗ, nhỏ và rất dài. Rượu cần là thức uống quý của người dân Tây Nguyên, thường chỉ dùng trong các dịp lễ tế thần linh, những ngày hội làng và chỉ để dành đãi khách quý.

Rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh)

Rượu Xuân Thạnh là một loại rượu nổi tiếng của người Trà Vinh, rượu thuộc loại nặng đô, sủi tăm trong vắt, hương vị rượu nồng nàn, uống vào rất êm, không gây khó chịu. Rượu do một số gia đình trong cùng một dòng tộc tại ấp Xuân Thạnh nắm giữ bí quyết chưng cất và được sản xuất rất cầu kỳ, độc đáo, rượu được nấu từ gạo nếp mùa truyền thống cùng 14 loại men viên và 48 dòng nấm mốc gia truyền có hoạt tính đường hóa cao.

Rượu Kim Sơn (Ninh Bình)

Rượu Kim Sơn từng được đề cử “Top 10 đặc sản rượu nổi tiếng nhất Việt Nam” và là thương hiệu rượu nổi bật của ngành công nghiệp rượu. Rượu được sản xuất từ các làng nghề truyền thống Kim Sơn, Ninh Bình. Rượu được chưng cất từ gạo nếp, men thuốc bắc, nguồn nước giếng tự nhiên và sản xuất theo bí quyết gia truyền độc đáo của người dân Kim Sơn. Rượu có nồng độ cao và màu trong suốt, rượu có mùi thơm nhè nhẹ. Trước đây, rượu Kim Sơn từng được đựng trong các vò đất, khi uống vào cảm thấy rất thơm, êm dịu cực thoải mái.

Rượu Bàu Đá (Bình Định)

Rượu Bàu Đá bắt nguồn từ tên của một bàu nước ngày xưa cả làng dùng chung và cũng là nguồn nước để chưng cất nên rượu. Tuy nhiên, ngày nay bàu nước cổ này đã cạn nước, để ủ men, cất rượu người dân thường dùng nguồn nước từ những mạch nước giếng của làng. Rượu Bàu Đá chuẩn hương vị ngày nay không còn mấy, bạn có thể thưởng thức rượu tại làng nghề truyền thống Bàu Đá – nơi có nguồn nước ngầm – cái hồn đặc trưng của rượu Bàu Đá.

Rượu Mẫu Sơn (Lạng Sơn)

Rượu Mẫu Sơn là thương hiệu rượu nổi tiếng của xứ Lạng, rượu là sự kết hợp của: khí hậu Mẫu Sơn, nguồn nước Mẫu Sơn, men lá của người Dao và phương pháp chưng cất thủ công truyền thống độc đáo của người Dao sinh sống tại núi Mẫu Sơn. Trong những ngày tiết trời giá rét, nhâm nhi một chén rượu Mẫu Sơn, ngắm nhìn thung lũng từ trên cao, ngân nga một hai điệu nhạc dân tộc, bạn sẽ thấy cảm giác khoan khoái, ấm áp khác hẳn khi bạn uống đồ uống nóng khác. Đó là điều đặc biệt của rượu Mẫu Sơn dễ dàng làm say lòng người.

Trả lời