Thịt kho

Ở miền Nam, trong mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu món thịt kho (thịt kho hột vịt lộn hoặc thịt kho nước dừa), đây là món ăn hấp dẫn mà chỉ có miền Nam làm vào ngày Tết. Người miền Nam có cách kho riêng của mình tạo nên một mùi vị đặc trưng khó mà cưỡng lại được.
Nguyên liệu để làm nên món thịt kho gốm có: thịt ba rọi (thịt ba chỉ theo cách gọi của người miền Bắc) được thái miếng to tầm khoảng 3 ngón tay, thịt được ướp với các gia vị là nước mắm, đường, hành tỏi, ớt. Sau khi nấu thịt sôi với nước dừa xiêm thì mới cho trứng đã luộc chín vào, sau đó ninh cho đến khi thịt mềm, nước trong nồi có màu cánh gián là được. Thường món thịt kho được ăn với cơm trắng để cơm có vị đậm đà kết hợp với dưa giá khiến người thưởng thức khó mà quên được.

Canh măng

Trong những ngày Tết, mọi người thường không chú ý đến chế độ ăn uống của mình. Vì vậy, một trong những món ăn ngon cung cấp nhiều chất xơ và các vitamin cho cơ thể đó là món canh măng. Đối với món canh măng ở miền Bắc, người ta sử dụng măng khô, nhưng đối với người miền Nam thì lại ngược lại, họ thường sử dụng măng tươi. Nấu như vậy món canh sẽ có đặc trưng riêng, các chất tươi sẽ không bị mất đi. Mâm cỗ ngày Tết miền Nam trở nên đầy đủ, đậm đà hơn khi có món canh này.

Gỏi gà xé phay

Món gỏi gà xé phay là món ăn được chế biến rất nhanh gọn với vị chua ngọt dịu mát. Món ăn này rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng sẽ không làm cho bạn bị tăng cân, ăn món này cũng không cho chúng ta cảm giác ngao ngán như những món thịt khác vì vị chua đã át hết đi phần nào vị ngấy. Món gỏi gà xé phay có những nguyên liệu chính như: thịt gà, rau răm, lá mùi, hành tây và các gia vị như: dấm, đường, mắm. Với cách nêm nếm và khẩu vị riêng, người miền Nam đã tạo ra một món ăn đơn giản nhưng mang hương vị vùng miền. Đây cũng là món ăn thường được bày trong mâm cỗ ngày Tết của họ.

Chả giò

Mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam cũng giống như những miền khác đều phải có món chả giò, ngày Tết mặc dù có rất nhiều món ăn ngon nhưng người ta khó mà quên được sự thơm ngon, giòn tan trong miệng. Món chả giò miền Nam ngoài nhân mặn thông thường còn có loại nhân được làm từ hoa quả rất đặc biệt cho ta một mùi vị mới. Để làm được những chiếc chả giò cần chọn được những nguyên liệu tươi ngon như: thịt heo xay, tôm tươi đã bóc vỏ, mộc nhĩ, hành khô, cà rốt và khoai môn và các gia vị. Món chả giò ăn kèm với rau sống và nước tương được pha chế theo tỷ lệ nhất định đã làm cho món ăn được ngon hơn.

Bánh tráng cuốn

Mâm cỗ ngày Tết ở miền Nam còn có một món ăn quen thuộc không thể thiếu là món bánh tráng cuốn. Món bánh tráng cuốn này kỳ thực ở miền Bắc cũng có, thế nhưng đó không phải là đặc trưng ngày Tết của người miền Bắc, vì họ kiêng kỵ việc ăn tôm vào những ngày đầu năm. Nhưng đối với người dân miền Nam thì đây lại là một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng trong mâm cỗ ngày Tết. Để có được từng miếng bánh tráng trắng phau cần phải chọn loại gạo ngon đem ngâm rồi xay thành bột, rồi sau đó được tráng thành từng miếng dùng để cuốn với thức ăn. Món bánh tráng cuốn thường được cuốn cùng thịt, cá nướng, tôm, lạc xưởng và các loại rau. Món ăn này ngon hơn nếu được dùng với nước chấm mang hương vị của miền Nam, nó sẽ cho ta cảm giác mát mà không bị ngán.

Củ cải ngâm nước mắm

Củ cải ngâm nước mắm là 1 trong những món ăn ngon ngày tết không thể thiếu, một đặc trưng văn hóa của miền Nam. Món này giòn giòn, mặn ngọt có thể ăn chung với bánh Tét và cơm thì ngon hết ý. Nguyên liệu chính được sử dụng làm món củ cải ngâm nước mắm gồm có: củ cải trắng, đu đủ xanh, cà rốt, dứa, phèn chua, ớt sưng, tỏi khô, nước mắm ngon và đường. Củ cải ngâm nước mắm cùng với dưa kiệu tôm khô sẽ làm mâm cỗ ngày Tết trở nên đủ đầy, làm bớt đi những cái ngấy từ thịt của những ngày Tết.

Canh khổ qua

Khổ qua hay còn gọi là mướp đắng được người dân miền Nam nấu canh làm một món ăn trong mâm cỗ ngày Tết khác hẳn với phong tục của miền Bắc (miền Bắc ngày Tết không có món đó và khổ qua thường chỉ để xào hoặc nhồi thịt hấp). Đối với người miền Nam, canh khổ qua có ý nghĩa riêng đó là món ăn tượng trưng cho niềm mong ước sẽ qua đi những cơ cực trong năm mới và mang về những may mắn và bình an. Mặc dù canh khổ qua đắng nhưng đối với người miền Nam, đó là đặc trưng của vùng miền họ, là nét văn hóa cần được giữ gìn, đồng thời còn có tác dụng giải ngán trong những ngày Tết. Món canh khổ qua được nấu từ những nguyên liệu chính là: Khổ qua tươi, thịt băm, xương hầm. Trái khổ qua tươi sau khi cạo bỏ ruột được nhồi thịt băm vào, sau đó cho vào canh xương nêm nếm gia vị rồi nấu.

Củ kiệu tôm khô

Nếu như miền Bắc mâm cỗ ngày Tết đặc trưng bởi món dưa hành ăn với bánh chưng thì ở miền Nam thay vào đó là món củ kiệu tôm khô. Đây là món ăn tuy bình dị nhưng cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Nam, nó không chỉ được ăn kèm với bánh tét ngày Tết mà còn được xem là món dưa cay thượng hạng cho những người nhậu ngày Tết. Để làm được món này, củ kiệu được làm sạch rồi đem phơi, sau đó cho củ kiệu vào lọ. Khi cho củ kiệu thì cứ 1 lớp củ kiệu cho vào đó 1 lớp đường cát trắng sau đó đậy kín lại để củ kiệu tự chảy ra nước, ngâm khoảng chừng 10 ngày là có thể ăn được, nếu muốn củ kiệu chua hơn thì để thêm một hai ngày nữa là được. Củ kiệu chua trộn với tôm khô ăn kèm với bánh tét thì ngon hết ý, nó sẽ cho vị thơm, ngọt hòa quyền vào nhau.

Bánh tét

Trong ngày Tết miền Bắc có bánh chưng xanh là đặc trưng, còn đối với người miền Nam thì họ có đặc trưng là bánh tét. Bánh tét miền Nam tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời khác, vì vậy người dân miền Nam coi đây là món ăn không thể thiết trong mâm cỗ ngày Tết. Cũng giống như bánh chưng, bánh tét có nhiều loại như như: bánh tét mặn, bánh tét nhân thập cẩm, bánh tét ngọt, bánh tét chay. Người dân miền Nam thường gói bánh tét trước nửa tháng, ngoài việc cúng tổ tiên thì bánh tét còn được dùng làm quà biếu.
Muốn có những chiếc bánh tét ngon người ta thường sử dụng lá cẩm ngon, nếp mù u dẻo tròn. Gạo nếp phải được vo sạch và để ráo nước rồi đem xào với nước cốt dừa và nước lá cẩm. Còn phần nhân bánh gồm các nguyên liệu: chuối, đậu xanh, giò lợn bắc thẻo, thịt, trứng, nấm. Chiếc bánh được gói thành đòn dài sau đó đem luộc. Bánh chín được cắt ra thành từng lát, khi đó những lát có màu tím thẫm của chuối, màu trắng của mỡ, màu đỏ cam của trứng vịt muối và màu vàng của đậu. Để bánh tét ăn ngon hơn người miền Nam thường ăn cùng thịt kho tàu, dưa cải, củ kiệu nó sẽ tạo ra sự hòa quyện đặc trưng.

Lạp xưởng

Lạp xưởng là món ăn rất phổ biến ở miền Nam vì vậy vào mỗi dịp Tết thì người ta thường mua lạp xưởng ngon về để ăn và đãi khách. Lạp xưởng ở đây có nhiều loại như: lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô, lạp xưởng nạc, lạp xưởng tôm, lạp xưởng cá. Và lạp xưởng được chế biến bằng nhiều cách như: luộc, chiên, nướng, người dân ở đây không tự làm lạp xưởng mà họ thường mua sẵn để phục vụ ngày Tết. Món ăn này vừa ngon lại an toàn nếu mua được tại nơi làm truyền thống ở miền Tây. Đây tuy chỉ là món phụ trong mâm cỗ ngày Tết ở miền Nam nhưng cũng không thể bỏ nó ra khỏi thực đơn được. Món này thường được trẻ con ưa thích.

Trả lời