Nội Dung Chính Của Bài Viết
Bộ sản phẩm hóa trang Halloween
Ẩn họa nguy hiểm từ các sản phẩm hóa trang này đang được giới chức các nước cảnh báo. Thượng nghị sĩ Mỹ Charles Schumer đã ban hành một cảnh báo khẩn cấp về các sản phẩm trang điểm Halloween từ Trung Quốc được nhiều trẻ em, thanh niên sử dụng bởi chúng chứa nhiều hóa chất độc hại.
Theo đó, các sản phẩm trang điểm Halloween, nhất là sản phẩm xuất xứ Trung Quốc có thể chứa hóa chất độc hại như niken, chì, crôm và coban gây nguy hại đến sức khỏe cho trẻ em và cả với người lớn khi tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.
Cảnh báo từ Mỹ chỉ rõ, niken là một loại hóa chất dễ gây mẫn cảm và có thể bị dị ứng da nếu người dùng tiếp xúc trực tiếp và lâu dài. Còn chì gây tác động mãn tính tới phát triển trí tuệ. Đặc biệt, trẻ em có mức hấp thụ chì cao gấp 3-4 lần người lớn. Ngộ độc chì còn gây ra biến chứng viêm não ở trẻ em.
Bên cạnh đó, nếu lượng crôm cao vào cơ thể qua đường tiêu hóa sẽ gây ngộ độc nặng có thể dẫn đến tử vong, còn qua đường tiếp xúc lâu dài sẽ bị loét da, viêm kết mạc, viêm mũi và ảnh hưởng đến hô hấp.
Ngoài ra, trang phục hóa trang Halloween cũng đang được cảnh báo vì mức độ nguy hiểm đối với người sử dụng. Các nghiên cứu từ Trung tâm Sinh thái học Mỹ (EC) cho thấy trong các loại trang phục phổ biến Halloween dành cho trẻ em như trang phục Cướp biển, Spiderman, Batman, Ironman hay phù thủy,… đều chứa hàm lượng cao các hóa chất độc hại như chì, chất chống cháy, các hợp chất thiếc và phthalates.
Các hóa chất trên có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe bao gồm bệnh hen suyễn, rối loạn hormone. Trong khi đó, khảo sát tại thị trường Việt Nam cho thấy, các sản phẩm có mặt hầu hết các điểm bán và đa số đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy sự độc hại của các hóa chất độc hại trong đồ hóa trang Halloween mới dừng ở mức độ khuyến cáo.
Hạt nhựa nở Trung Quốc
Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vừa phát đi cảnh báo về đồ chơi hạt nhựa nở Trung Quốc có nguy cơ nguy hiểm tới an toàn sức khỏe của trẻ nhỏ.
Qua kết quả kiểm tra, khảo sát chất lượng đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá đã phát hiện trên thị trường xuất hiện loại hàng hóa được mô tả “Đồ chơi hạt nhựa nở trong nước”, trên nhãn hàng hóa ghi dòng chữ bằng tiếng Anh “Seven Color Crystal Ball”. Loại sản phẩm này qua thử nghiệm và đánh giá cho thấy có chỉ tiêu cơ lý về sự giãn nở trong nước không đạt yêu cầu theo quy hiện hành.
Theo ông Dương, những sản phẩm này có nguy cơ gây nguy hiểm tới an toàn và sức khỏe của trẻ em nếu hạt nhựa này lọt vào đường hô hấp, khi gặp nước giãn nở ra sẽ khiến trẻ bị tắc khí quản, có thể dẫn tới tử vong. Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng cho hay, theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thì đây là loại hàng hóa không được phép lưu thông trên thị trường.
Sau một thời gian bán công khai ở các cửa hàng đồ chơi trẻ em, hiện nay, hạt nhựa nở – một loại đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc – có chứa chất độc gây tổn thương hệ thần kinh và có thể gây ung thư đã không bày bán công khai nữa. Tuy nhiên, nếu khách hỏi mua vẫn có.
Bộ đồ chơi làm móng
Đồ chơi làm đẹp cho bé gái sản xuất tại Trung Quốc chứa chất gây trầm cảm đang bị thu hồi tại Pháp. Sản phẩm thu hồi có nhãn hiệu: S&Li Cosmetics – Kimyon, tên sản phẩm:Nail art book, năm sản xuất: 2013,mã vạch: 6940176620555, xuất xứ Trung Quốc. Đây là loại đồ chơi cho các bé gái, nó là một bộ sản phẩm làm móng tay bao gồm cả sơn móng tay, nhũ, đá gắn móng tay. Nguyên nhân sản phẩm này bị thu hồi vì có chứa một hàm lượng antimony cao (180 mg/kg) và gây nguy hại khi tiếp xúc. Antimon và nhiều hợp chất của nó là độc hại. Về mặt lâm sàng, ngộ độc antimon tương tự như ngộ độc asen. Ở các liều lượng nhỏ, antimon gây ra đau đầu, hoa mắt, trầm cảm. Các liều lượng lớn gây ra buồn nôn nhiều và thường xuyên và có thể gây tử vong sau vài ngày.
Những bộ đồ chơi làm móng có xuất xứ Trung Quốc tương tự được bày bán tràn lan ở thị trường Việt Nam. Các bậc phụ huynh cần cân nhắc khi có ý định mua làm đồ chơi cho trẻ.
Đồ chơi chứa tia laser
Đồ chơi gắn Laser là món đồ chơi đầy hấp dẫn với trẻ nhỏ, đặc biệt là bé trai. Ánh sáng phát ra từ cây bút khiến cho rất nhiều đứa trẻ thích thú, mê mẩn. Nhưng chắc hẳn các bậc phụ huynh chưa quên những vụ bỏng mắt, mù lòa đáng tiếc vì loại tia laser đồ chơi trẻ em trong thời gian gần đây.
Tia laser đã hủy hoại mắt của cậu bé đáng yêu người Úc, bé trai đã bị mất 70% thị lực sau khi tự chiếu đèn laser vào mắt mình. Điều đáng sợ là ngay lúc đó cậu bé không hề thấy đau đớn hay có phản ứng gì nên người nhà em hoàn toàn không nhận ra có sự bất thường. Cho đến khi sau đó mắt cậu “bỗng nhiên” vĩnh viễn không nhìn thấy được gì, thậm chí là khi đeo kính.
Là sản phẩm đã từng bị cảnh báo, thu hồi vì nguồn sáng quá mạnh từ đèn laser có thể gây hỏng võng mạc, thậm chí gây mù lòa nhưng hiện nay những sản phẩm gắn laser như súng đồ chơi gắn tia laser, que phát sáng laser cầm tay, đồ chơi laser giải trí tạo ra hiệu ứng quang học trong một căn phòng,… vẫn được bày bán tràn lan và thậm chí còn được coi là trò chơi ‘quý báu’ của trẻ nhỏ ở Việt Nam. Theo quan sát của PV, hiện nay tại các cửa hàng, chợ cóc tại Hà Nội vẫn xuất hiện những mặt hàng đồ chơi phát sáng, gắn laser cho trẻ nhỏ. Giá của chúng giao động từ 50.000 – 100.000 đồng. Các sản phẩm này vẫn “thản nhiên” ồ ạt vào thị trường bởi lẽ các nhà quảng cáo quảng bá chúng chỉ là đồ chơi và phụ huynh, trẻ em cũng hoàn toàn tin rằng đó là một món đồ chơi an toàn.
Trước nguy cơ tia laser chiếu trực tiếp vào mắt có thể gây ra chấn thương lâu dài, TS Lê Thị Quỳnh Anh, Khoa Vật lý Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM cho biết: “Một số đèn laser đồ chơi có công suất lớn thì có thể làm tổn thương võng mạc nhanh chóng hoặc nặng hơn là gây mù mắt. Thậm chí hiện nay một số loại đèn laser hồng ngoại có thể làm thủng võng mạc của mắt ngay lập tức”.
Miếng dán đồ chơi (stiker)
Những miếng dán đồ chơi được sản xuất và sử dụng dưới nhiều hình thức, như dán tủ quần áo, máy tính, hộp bút, cặp sách của trẻ em,… Hầu hết những miếng dán được bày bán tràn lan trên thị trường, nhất là quanh các trường học. Với mẫu mã, màu sắc, và sự đa dạng, chúng thu hút mọi lứa tuổi. Không riêng trẻ em, nhiều bậc phụ huynh bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài thu hút của những món đồ này cũng mua làm quà hoặc mua về cho trẻ trang trí, sử dụng hằng ngày.
Theo RAPEX, các sản phẩm miếng dán đồ chơi nhựa này đều có chứa DEHP (di-ethylhexyl phthalate) ở mức cao từ 15-32%. Đây là chất độc hại bị cấm sử dụng trong tất cả các sản phẩm đồ chơi và chăm sóc trẻ em. Chất DEHP được RAPEX xác nhận có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ, ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của trẻ.
Việc thường xuyên sử dụng và tiếp xúc với những miếng dán có chứa chất độc hại này, sức khoẻ của trẻ em, cũng như gia đình và người thân sẽ luôn bị “tử thần” đe dọa.
Súng đồ chơi bắn đạn
Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 464/BNV ngày 27.12.1993 ban hành danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm và Bộ Thương mại, Bộ Y tế đã có Công văn chỉ đạo thực hiện.Theo đó, các loại súng nói trên đều thuộc danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm:
- Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn: – Súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại. – Súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ.
- Các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn.
- Các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ làm bằng gỗ, tre, nhựa, giấy nén.
Súng đồ chơi bắn đạn này nằm trong danh mục các sản phẩm đồ chơi bạo lực bị cấm. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn được bày bán tràn lan và được trẻ em sử dụng công khai.
Súng có hình dạng y như súng thật. Đạn nếu bắn vào các bộ phận trên người đều gây đau đớn. Đặc biệt nếu bắn vào mắt hay miệng, nuốt phải sẽ gây hậu quả nặng nề.
Các loại đồ chơi bạo lực này vừa nguy hiểm vừa ảnh hưởng tới tinh thần trẻ nhỏ. Nếu sử dụng chúng như những món đồ chơi lâu dài, có thể tạo nên tính bạo lực trong trẻ.
Đồ chơi trẻ em kể chuyện tục tĩu, “xúi” trẻ tự tử
Trên thị trường hiện bày bán tràn lan những sản phẩm đồ chơi dạy đọc trá hình. Đặc biệt nội dung của những câu chuyện trong những món đồ chơi này lại hết sức nhảm nhí, nguy hại.
Một máy kể chuyện thông minh thiết kế dưới hình dạng một quả táo với các nút điều khiển bắt mắt, gồm các mục: Kể chuyện, “chuyện” cười, Thơ đường, ca hát và bấm đèn nhấp nháy .
Bên ngoài hộp có hướng dẫn và cam kết chất lượng bằng tiếng Việt với những lời có cánh như: “máy kể chuyện thông minh”, “thành tựu tương lai của con bạn” nhưng nội dung bên trong thì lại chứa những ngôn từ tục tĩu và phản cảm. Trong mục truyện cười có khoảng 5 câu chuyện được ghi âm sẵn thì cả tất cả đều được tổng hợp từ các nguồn trôi nổi trên mạng.
Cụ thể, một câu chuyện kể về cách gieo vần làm thơ có câu: “Em tên Mai anh sẽ hôn vào vai/ Em tên Mít anh sẽ hôn vào…”. Hay chuyện về một ông bác sỹ bắt bệnh nhân chửi thề 20 lần: “Tiên s. mày” trước khi khám bệnh khiến nhiều người không khỏi “sốc” nặng. Một số đồ chơi như mèo máy Đô – rê – mon còn “xúi” trẻ em “tử tự” với câu chuyện đầy ngôn ngữ bạo lực: “’Chúng ta thà chết vì con người, vì lũ chó, vì đại bàng. Thà chết! Thà chết quách 1 lần cho rồi. Ta đâm đầu xuống đất tự tử đi. Và chúng chạy ra hố để tự tử đi…”
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng ở lứa tuổi trẻ em khi phải nghe những câu chuyện tục tĩu, ngôn từ bạo lực là việc hết sức nguy hại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức, sự hình thành tư duy mà còn ảnh hưởng đến cả nhân cách sau này của trẻ.
Bộ màu vẽ bằng tay
Sự nguy hại từ các loại màu vẽ nước mà phần nhiều là hàng trôi nổi từ Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ, cũng như với những người tiếp xúc.
Màu vẽ nước được các em học sinh và phụ huynh khá ưa chuộng, là một loại đồ dùng học tập cũng như dụng cụ giải trí khá phổ biến ở Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho biết, một số phụ gia thường dùng trong màu nước như propylene glycol và các glycol ethers có khả năng gây dị ứng hoặc hen suyễn.
Các bột màu sử dụng trong màu nước có nguồn gốc hữu cơ hoặc vô cơ. Thành phần bột màu vô cơ có nguồn gốc là các oxide hoặc muối kim loại, được sử dụng chủ yếu cho sơn nói chung và màu nước nói riêng. Đây là thành phần gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe, vì có thể chứa các kim loại độc hại như chì gây nhiễm độc chì.
Ví dụ, màu trắng có thể được tạo ra từ chì carbonate. Nhiễm độc chì có thể gây thiếu máu, các vấn đề tiêu hóa, tổn thương thần kinh (và tổn thương não ở trẻ em), tổn thương thận và hệ sinh sản. Màu vàng có thể được tạo ra từ các oxide hoặc muối kim loại chứa cadmium, chromate có thể gây dị ứng, loét da hoặc ung thư ở một số cơ quan nội tạng. Bột màu hữu cơ thường có nguồn gốc đa dạng và chứa các tạp chất thơm có thể gây ung thư.
Việc nhiễm các chất độc từ màu nước có thể dễ dàng xảy ra khi trẻ dùng tay có dính màu nước cầm thức ăn, đồ chơi… Lúc này, các thành phần độc hại có trong màu nước có cơ hội vào cơ thể qua đường miệng.
Một nguy cơ khác, dù rất hiếm, khiến các em bị ngộ độc các thành phần có trong màu sơn là do hít phải bột màu (một số màu nước được tạo ra bằng cách pha bột màu trong nước). Khi đó, ngoài việc có thể bị nhiễm độc, các em còn có nguy cơ bị các bệnh ở phổi và đường hô hấp.
Một số sản phẩm màu vẽ bằng tay do Trung Quốc sản xuất hiện đã có mặt trong danh mục sản phẩm bị thu hồi RAPEX của Liên minh châu Âu.
Bộ đồ chơi nấu ăn
Không khó để tìm thấy những món đồ chơi Trung Quốc nhiều màu sắc. Những bộ đồ chơi tập nấu ăn hàng Trung Quốc với nhiều mức giá, kiểu dáng cũng được bày bán khá nhiều. Những bộ đồ chơi nấu ăn dành cho bé gái có giá dao động từ 45.000- 100.000 đồng/bộ tùy loại. Loại có giá rẻ từ 30.000 – 45.000 đồng là hàng Trung Quốc nhập lậu. Loại có giá 90.000- 120.000 đồng là loại có phụ đề tiếng Việt.
Các món đồ chơi trong bộ đồ này có chất độc có thể xâm nhập vào cơ thể bằng con đường hô hấp, tiếp xúc với da, hoặc đường miệng.
Nhất là với những món đồ chơi Trung Quốc kém chất lượng, nhiều màu sắc. Phẩm màu để tạo màu sắc cho những món đồ này chính là mối nguy hại tiềm ẩn. Trẻ em khi chơi đồ chơi, trong đó có bộ đồ nấu ăn, các loại hoa quả nhựa,….các bé không chỉ sờ, nắm mà còn liếm, ngậm nên chắc chắn sẽ hấp thu độc chất qua miệng nếu đồ chơi đó chứa độc chất.
PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, phthalate là nhóm các hóa chất thông dụng được thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa để làm dẻo nhựa. Thường trong nhựa quy định 0,1- 0,2% nhưng khi sản xuất vì muốn nhựa dẻo hơn họ có thể trộn phthalate với hàm lượng cao hơn.
Ở nước ta chưa có số liệu về các giá trị gây độc hay lượng tối đa cho phép sử dụng phthalate trong nhựa. Tuy nhiên có một số nước như: Canada, Mỹ, EU có tiêu chuẩn cụ thể, quy định đặc biệt đối với đồ chơi trẻ em mà trẻ có thể ngậm, mút cho vào miệng với ngưỡng an toàn của phthalate trong sản phẩm đồ chơi trẻ em là không quá 1.000mg/kg, còn cao hơn nữa thì có thể ảnh hưởng, nguy hại đến sức khỏe
Các loại bóng cao su
Loại bóng cao su này có nhiều sợi rủa ra ngoài, trên sản phẩm có dán đôi mắt. Sản phẩm này có những sợi cao su nhỏ có thể dễ dàng tách rời, tạo thành các bộ phận nhỏ. Trẻ em có thể hít hoặc nuốt chúng, dẫn đến nghẹn, nghẹt thở, thậm chí tử vong nếu người lớn không phát hiện kịp thời. Loại bóng cao su có hình dáng giống như trên cũng được bán ở Việt Nam.