Vườn trái cây miệt vườn

Vườn trái cây Ba Láng cách trung tâm thành phố Cần Thơ 9km – trên quốc lộ 1A theo hướng Sóc Trăng đến cầu Cái Răng. Đến với nơi đây, du khách sẽ được hòa mình cùng với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, tự tay hái quả để thưởng thức mà không lo gì về vấn đề vệ sinh thực phẩm, nếu du khách muốn nghỉ đêm, thì ở đây cũng có những khu nhà nghỉ nhỏ xinh nằm thấp thoáng dưới những bóng cây xanh rợp mát, với giá cả bình dân.
Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức món ăn tinh thần đặc trưng của miền Tây nam bộ chính là “Đờn ca tài tử”. Một loại hình tham quan gần gũi với thiên nhiên, tránh được những bộ bề của cuộc sống thị thành quả là một loại hình du lịch cần được nhân rộng và phát triển.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ là điểm đến thú vị tiếp theo cho du khách. Vừa đặt chân đến đây, du khách đã được thấy ngay nhiều nét kiến trúc độc đáo. Cổng chính của thiền viện là những vòm mái vuốt cong với hình đầu rồng cách điệu, cửa làm bằng gỗ quý sơn màu nâu bóng loáng.

Hai bên cổng đặt 2 bức tượng cao thếp vàng: bên trái là tượng Vi Đà Hộ Pháp (Ông Thiện) bảo vệ ngôi Tam Bảo; bên phải là tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Ác) chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sinh. Phía sau cánh cổng là khoảng sân gạch vô cùng rộng lớn, cảnh quan được bài trí cân đối khiến du khách cảm nhận ngay được sự thoáng đãng của chốn thanh tịnh. Hai bên là hai nhà thủy tạ nổi trên mặt hồ tròn tươi thắm sắc màu của những bông hoa súng. Chiếc cầu đỏ sẽ dẫn du khách vào nhà thủy tạ để chiêm ngưỡng bức tượng đặt trong đó. Ở nhà thủy tạ bên phải là tượng Phật Di Lặc bằng gỗ nâu còn nhà thủy tạ bên phải là tượng thờ Phật Bà Quán Âm bằng đá trắng cao tới 2 m. 

Với tất cả những nét đặc sắc kể trên, thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được xem là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo của đất Tây Đô. Không chỉ có vậy, thiền viện được xây dựng trên mảnh đất Cần Thơ vốn là trung tâm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng mong muốn khôi phục và phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Chính vì thế thiền viện Trúc Lâm Phương Nam còn mang giá trị văn hóa tâm linh vô cùng ý nghĩa.

Bến Ninh Kiều

Như một biểu tượng của thành phố, Bến Ninh Kiều đẹp như một nàng thơ đã nhẹ nhàng đi vào lòng du khách và người dân trong thành phố. Có thể nói, trong cẩm nang du lịch Cần Thơ, Bến Ninh Kiều luôn được nhắc đến hàng đầu để bất cứ ai đến thành phố này đều không quên một lần dạo bước, thưởng ngoạn cảnh quan nơi đây.
Được hình thành từ thế kỷ 19, tọa lạc bên bờ sông Hậu hữu tình với bao thăng trầm của lịch sử đã tạo nên Bến Ninh Kiều hay công viên Ninh Kiều sầm uất như ngày hôm nay. Đi dạo quanh khu vực này, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản trong chợ đêm, được tham quan ngôi nhà cổ bày bán các món quà lưu niệm hoặc tham gia các hoạt động tại đây.

Điểm nhấn được biệt của Bến Ninh Kiều chính là Cầu đi bộ và nhà hàng Ninh Kiều trên sông. Cầu đi bộ Cần Thơ bắt qua rạch Khai Luông, nối bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế phục vụ nhu cầu tản bộ, tham quan du lịch của người dân trong và ngoài thành phố. Nhà hàng thủy tạ Ninh Kiều cũng là một trong những hình ảnh tạo nên chất thơ cho Bến Ninh Kiều, ngồi trên chiếc thuyền lớn được trang trí lộng lẫy, sang trọng; nhâm nhi một tách trà và nghe nhạc hòa vào tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng sẽ đưa du khách vào một thế giới khác – không có phiền muộn, lo âu cho cuộc sống bộn bề.

Địa chỉ cho bạn: đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Cầu Cần Thơ

Cầu Cần Thơ được khởi công xây dựng từ ngày 25 tháng 9 năm 2004, khánh thành vào 24 tháng 4 năm 2010, là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á. Ngày 21 tháng 12 năm 2015, cầu Cần Thơ lắp dàn đèn nghệ thuật với mức đầu tư 30 tỉ đồng. Công trình là  điểm nhấn độc đáo về màu sắc, văn hóa, nghệ thuật ngay cửa ngõ đô thị sông nước miền Tây, thu hút du khách trong và ngoài nước. Với số lượng 350 bộ đèn nghệ thuật có công suất lớn phát  lên các dây văng sẽ tạo luồng ánh sáng nhiều màu sắc, giúp cầu Cần Thơ lung linh, rực rỡ về đêm.

Bạn sẽ cảm nhận trước mắt mình như một bức tranh nhiều màu sắc, hòa cùng dòng xe cộ chạy tấp nập, cầu Cần Thơ không chỉ có giá trị đơn giản là nhịp nối Cần Thơ-Vĩnh Long nữa mà còn là một biểu tượng nghệ thuật, của vẻ đẹp không lẫn vào đâu được.

Chùa Ông

Nằm ngay trung tâm thành phố Cần Thơ, nhìn ra Bến Ninh Kiều lộng gió, chùa Ông – còn có tên Quảng Triệu Hội Quán – là ngôi chùa cổ hiếm hoi của thành phố Cần Thơ giữ được nguyên hiện trạng từ ngày lập chùa. Công trình 114 tuổi mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Hoa này được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993. Nổi bật giữa dãy phố Hai Bà Trưng, chùa Ông với nhiều kiến trúc đặc sắc, màu sắc sặc sỡ đặc trung của người dân tộc Hoa. Khắp nơi trong chùa trang trí nhiều bức phù điêu hoành tráng, màu sắc rực rỡ được chạm trổ trên bao lam, hoành phi, liễn đối, xà ngang với hình ảnh mai, lan, cúc, trúc, rồng, phụng, bông lúa, cá hóa rồng và những điển tích trong văn học Trung Hoa.

Địa chỉ cho bạn: 32, đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Nhà cổ Bình Thủy

Cần Thơ có hơn 70 ngôi nhà cổ mang nhiều giá trị văn hóa lịch sử, nhà cổ Bình Thủy nằm ngay trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy; ngôi nhà cổ của gia đình họ Dương được xây dựng từ năm 1870 mỗi năm đón tiếp hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Ngôi nhà mang kiến trúc Pháp là sự kết hợp của nền văn hóa Đông – Tây, được thể hiện nhiều họa tiết hoa văn đẹp mắt. Đến với nhà cổ Bình Thủy, du khách còn có thể đàm đạo với gia chủ để hiểu thêm những điều lý thú khác. Nhiều đạo diễn, hãng phim đã chọn nhà cổ Bình Thủy làm phim trường và cho ra đời những bộ phim rất nổi tiếng như: Người tình, Nợ đời, Xương rồng Cần Thơ, Con nhà nghèo… Nhà cổ Bình Thủy đã được bộ văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là di tích, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Chợ đêm Tây Đô

Chợ Tây Đô là trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ đồng thời cũng là điểm vui chơi giải trí, du lịch hấp dẫn cách trung tâm Tp. Cần Thơ khoảng 1km về phía tây sông Hậu, tọa lạc trong khu Hội chợ triển lãm quốc tế Cần Thơ. Bên cạnh chức năng trao đổi hàng hoá, tại đây còn có các dịch vụ ẩm thực, giải trí… Do quy mô hoạt động và tầm quan trọng đối với khu vực nên chợ Tây Đô là một trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ.Chợ đêm hiện nay có kiến trúc hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh và mang đậm phong cách Nam Bộ. Chợ được chia theo từng gian hàng rất khoa học, thông thoáng, gọn gàng, đảm bảo tính thẩm mỹ. Ðường đi lối lại trong chợ được nhựa hóa và thoáng rộng. Các sản phẩm tại chợ đêm Tây Ðô rất phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của cư dân và du khách trong việc lựa chọn sản phẩm. Ngoài mục đích phục vụ mua bán hàng hóa, chợ đêm Tây Ðô cũng có những dịch vụ giải trí mới, hiện đại như: trò chơi điện tử, sân khấu ca nhạc ngoài trời và các chương trình vui chơi khác. Ðến chợ đêm Tây Ðô, du khách sẽ có một chuyến du lịch thú vị. Bức tranh tổng hợp này đã phác hoạ chân thực cuộc sống, sinh hoạt của cư dân vùng hạ nguồn sông Mê Kông nổi tiếng này 

Làng du lịch Mỹ Khánh

Làng du lịch Mỹ là một điểm du lịch sinh thái không chỉ nổi tiếng của cần thơ mà cả khu vực miền Tây Nam Bộ. Với diện tích hơn 50.000 m2, Mỹ Khánh hấp dẫn du khách với những vườn cây trái trĩu nặng, những ngôi nhà cổ Nam Bộ, bên cạnh là những ao cá, kênh rạch cùng nhiều hoạt động du lịch thú vị khác. Vì vậy mà Mỹ Khánh được xem như là một đồng bằng sông Cửu Long thu nhỏ.  Ấn tượng đầu tiên đối với nhiều du khách khi đến Mỹ Khánh đó chính là một khuôn viên xanh rộng lớn tạo cho nơi đây một bầu  không khí trong lành, mát mẻ. Ngoài ra ở đây còn có rất nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn và thú vị bạn có thể tham gia.
  
Địa chỉ cho bạn là: 335, Lộ Vòng Cung, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.

Vườn cò Bằng Lăng

Vườn cò Bằng Lăng cách Thành phố Cần Thơ khoảng 60km, đi theo Quốc Lộ 91, qua khỏi huyện Ô Môn, đến huyện Thốt Nốt đến cầu Bằng Lăng. Chủ nhân của khu vườn độc đáo này là một nông dân Nam Bộ chính hiệu, ông Nguyễn Ngọc Thuyền  còn gọi là ông Bảy cò cho biết, khoảng tháng 1/1983, bỗng dưng một đàn cò ma, loại cò nhỏ, mình đen, cánh màu xám trắng tiệp với màu lá cây đông tới hàng trăm con bay về đậu kín một góc vườn. Ít lâu sau chúng đột ngột bỏ đi cả đàn, phải đến gần một năm sau mới thấy chúng quay trở lại và lần này chúng kéo theo đám bạn mới tính ra đến gần chục loại cò với đủ các kích cỡ và số lượng ước tới cả chục nghìn con. Lần này chúng định cư luôn tại đây và sinh sôi nảy nở đông hơn. Cò thường đi kiếm ăn theo từng cặp, có lúc thì đi theo đàn. Quanh năm cò tự đi kiếm ăn, nhưng vào mùa khô hạn, ông chủ vườn Bảy Cò phải cho ăn phụ thêm hàng ngày. Khu vườn nay đã rộng 15 công và tất cả những bụi tre, ô môi trong vườn từ lâu đã được xem là nhà của chúng. Mỗi năm, ông còn sửa sang lại “nhà cửa” cho chúng ở, vét sâu thêm các mương rạch, thả thêm cá, ốc, trồng thêm cây xanh cho mát mẻ. Cũng như con người, đất lành thì chim đậu. Thời gian tham quan thích hợp nhất là  lúc 6h-7h sáng từng đàn cò rời khỏi những ngọn cây bay trắng cả một vùng tỏa đi khắp nơi và  đến chiều khoảng 17h-18h chúng lại bay về tổ làm xáo động cả khu vườn.Vườn cò Bằng Lăng là địa điểm du lịch hấp dẫn cho những ai thích tìm hiểu về thiên nhiên, thích khung cảnh một vùng quê thanh bình với đồng lúa, vườn tre, vườn trúc xanh mướt với cánh cò bay lả. Hãy đến và cảm nhận!

Địa chỉ cho bạn: Ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ

Chợ nổi Cái Răng

“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng / Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn”
Chợ đã nổi Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, thuộc quận Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ – thủ phủ của Tây Đô cũ). Xuất phát từ lúc 4 giờ sáng tại Bến Ninh Kiều sẽ thấy được những chiếc thuyền con con lướt trên sóng chở những du khách ra chợ nổi. Phải đi từ lúc 4 giờ sáng vì Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những loại hàng hóa được bày bán trên ghe, thường thì mỗi ghe sẽ chuyên bán một loại mặt hàng. Trước mỗi ghe hàng, thường có một cây xào chống, trên đó treo loại mặt hàng mà ghe có – những chiếc ghe như vậy thường được gọi là “ghe bẹo”. Không chỉ giữ gìn được nét đẹp văn hóa vùng sông nước, ngày nay chợ nổi như một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài rất thích khám phá và như trải nghiệm. Cứ năm chiếc xuồng vào chợ thì có đến bốn chiếc chở người ngoại quốc, họ tỏ ra hiếu kì và thích thú từ khung cảnh đến con người miền sông nước, thậm chí đến cả câu rao hàng ngọt như “ mía lùi” của những cô gái Tây Đô.

Trả lời