Nhà thơ Du Tử Lê (1942-) tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Hà Nam, miền Bắc Việt Nam. Sau Hiệp định Genève, 1954, ông di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa. Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài Bến tâm hồn, đăng trên tạp chí Mai. xin giới thiệu những bài thơ hay của ông.

Bài thơ: K. Khúc riêng chàng

K. Khúc riêng chàng

tôi xa người như xa núi sông
em bên kia suối? – bên kia rừng
em bên kia nắng? – bên kia gió
tôi một dòng sương, lên, mênh mông

tôi xa người như xa biển đông
chiều lên lênh láng chiều, giăng hàng
những cây ghi dấu ngày em đến
đã chết từ đêm mưa không sang

tôi xa người xa đôi môi tham
em biết: rồi em như chim ngàn
thôi còn khua động làm chi nữa
hồn tôi vốn đã là tro than

tôi xa người xa đôi mắt ngoan
vườn tôi trăng lạnh đến hoang tàn
em xa xôi quá làm sao biết
vốn liếng tôi còn: những ngổn ngang

tôi xa người xa trên sân bay
hồn tôi cồn cát dấu chân bầy
em vui đời khác làm sao hiểu
tôi sống âm thầm như cỏ cây

tôi xa người xa hơi thuốc cay
ngày mai tình sẽ bỏ tim này
chiều em không đến hàng cây cũng
nghiêng xuống tôi: từng ngọn heo may

tôi xa người xa bàn tay, vui
bàn tay có ngón đã chôn đời
bàn tay có ngón không đeo nhẫn
có ngón dành riêng cho môi tôi

tôi xa người xa miền thiết tha
hoa xuân đã héo rụng, hiên nhà
phố xưa em buộc đôi hàng bím
nay tóc về đâu? – hồn ở đâu?

tôi xa người xa niềm mê oan
hồn tôi khô xác sợi giây đàn
máu tôi đã gửi trong con chữ
dẫu chết, còn nguyên lời oán than

tôi xa người xa một mùi hương
bãi khuya, hồn ốc, lạc thiên đường
nhớ ai buồn ngất trên vai áo
mưa ở đâu về? – như vết thương

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Đăng Khánh phổ nhạc thành bài hát K. Khúc của Lê.

Bài thơ: Khúc Hạnh Tuyền, núi sông

Khúc Hạnh Tuyền, núi sông

chẻ đôi sông núi: đêm bưng mặt
mưa quấn khăn vào sâu ấu thơ
chẻ đôi thân thế mù tăm tích
ta nghĩa trang nào? chôn cất nhau?

chẻ đôi tâm thất kênh, mương cạn
hương tóc truy tầm vai thất tung
tưởng ai oan khuất vừa quay gót
xương, thịt, đời sau, máu rất buồn

chẻ đôi con gió: cây ly biệt
tim chấn thương cùng môi tháng, năm
phạt ngang ký ức rừng thao thiết
dòng suối trăm năm bỗng mất nguồn.

1993

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc thành bài hát Dòng suối trăm năm.

Bài thơ: Trong tay thánh nữ có đời tôi

Trong tay thánh nữ có đời tôi

hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
tôi buồn như phố cũ như tay
bàn chân từng ngón ngưng không thở
lạc mất đường đi. tạnh dấu bày

hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
tôi gầy như lá nhẹ như mây
gió khuya thổi rớt ngàn tâm sự
thiên đàng tôi là người hay ai?

hỏi gió đi rồi em sẽ hay
cảnh tượng tôi un khói. bụi đầy
ai không ném đá tôi nào biết
riêng người vẫn bay trên ngọn cây

hỏi tóc đi! sông những buồn vui
như tôi qua gần hết cuộc đời
trí khô não kiệt. nghe từ đất
tiếng gọi trời xa. thánh nữ ơi

hỏi mắt đi sẽ thấy rừng cao
biển sâu dưới thấp. đêm quê nhà
con đường núi Sọ, không ai đợi
tôi hỏi tôi: mày, đang ở đâu?

hỏi môi đi! môi còn muối mặn
xát ướp lòng tôi thì đã sao?
chỉ e chẳng kịp cho đời khác
cửa mở nhưng tôi chẳng thể về

hỏi tim đi! tim nói lời gì?
máu còn quy ẩn có đôi khi
chỉ cho em biết hồn tôi khuất
sau những hàng cây đã luống thì

hỏi Chúa đi! ngài sẽ trả lời
trong tay thánh nữ có đời tôi.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Nguồn: Du Tử Lê, Ở chỗ nhân gian không thể hiểu, Văn học nhân chứng xuất bản, 1989

Bài thơ: Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi

Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển. Bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp. tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
buổi chiều chăn, gối thiếu hơi ai!
em đi để lại hồn thơ dại
tôi, vó câu buồn sâu sớm mai.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
em còn gương lược dấu đường ngôi?
nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
và, khoảng trời xanh đến rợn người.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
bàn tay dư mấy ngón chia phôi!
(tặng nhau chính ngón không đeo nhẫn)
và những tàn phai đầy tuổi tôi.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
như trời nhớ đất (rất xa xôi.)
nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
thư nhớ hồi âm. Lệ nhớ môi.

*

chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
nói gì kiếp khác với đời sau.
đôi khi nghe ấm trên da, thịt
như thể ai đi mới trở về.

2.1990

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc thành bài hát Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời.

Bài thơ: Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.

12-77

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Bài thơ: Lục bát, 70

Lục bát, 70

tôi đi xuyên qua đêm. mưa
thấy trong lục bát buổi trưa em, về.

tôi đi xuyên qua lời thề,
thấy tôi thơ ấu bèo nhèo chiến tranh.

tôi đi xuyên qua màu xanh
thấy trên khung vải nổi gân nỗi buồn.

tôi đi xuyên qua mùi nhang,
thấy như buổi sáng điệu đàng …vết thương.

tôi đi xuyên qua cội, nguồn
thấy em. thương lắm. chọn nhầm tôi. hư!

tôi đi xuyên qua đời sau,
thấy em kim, chỉ chờ nhau, mỏi mòn.

tôi đi trở ngược thời gian,
thấy em bé xíu. thuở còn …ngậm ti.

tôi đi xuyên qua giấc mơ,
thấy ồ! sáu chữ cũng vừa …bảy mươi!

tôi đi xuyên qua cuộc đời
thấy như lục bát thôi nôi từng dòng.

tôi trôi theo tôi-con-sông…

(Nov. 2012)

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Khoa Nguyễn phổ nhạc thành bài hát Buổi trưa em về.

Bài thơ: 67, Khúc thêm cho Huyền Châu

67, Khúc thêm cho Huyền Châu

Hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn
Trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
Bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
Trời xanh xao chân ngỏ cũng không về
Cây mộng nở từng ngón tay lá nõn
Nôi tương tư cỏ ấm thịt da người

Tôi hiu hắt từ mắt em ngắt tạnh
Môi thâm khô từ thuở định xin hôn
Ngày tháng hạ khi không mà trở rét
Em khi không mà trở mặt điêu ngoa
Tay trông ngón hương đưa mùi tóc mạ
Ngọn me xa theo ký ức rì rào
Chiều qua đó chân ai còn ríu rít
Lời ai say cho trời đất lại gần
Kỷ niệm tôi từ những ngày vỡ tiếng
Nhẩn nha gom từng cọng thiết tha rơi

Con dế nhỏ lớn lên đăm tiếng hát
Khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
Cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
Lá oan khiên lả tả mái hiên người
Tôi èo người từ những người cả gió
Con dế buồn tự tử giữa đêm sương
Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ
Ngọn me xưa già khọm tiếc thương hờ

Em ở đó bờ sông còn ẩm cát
Con sóng tình vỗ mãi một âm quên.

1967

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ nhạc thành bài hát Trên ngọn tình sầu.

Bài thơ: Đêm, nhớ trăng Sài Gòn

Đêm, nhớ trăng Sài Gòn

Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây

Ngỡ hồn ta xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ em xa lộ nhớ nhà Hàng Xanh

Nhớ em kim chỉ khứu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giản trưa hè Tự Do

Nhớ nghĩa trang quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ sầu em bến nào?

1978

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Bài thơ: Ơn em

Ơn em

ơn em thơ dại từ trời,
theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi.
ơn em dáng mộng mưa vời,
theo ta lên núi, về đồi yêu thương.
ơn em ngực ngải môi trầm,
cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan.
ơn em hơi thoáng chỗ nằm,
dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
ơn em tình như mù loà,
như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi.
ơn em hồn sớm ngậm ngùi,
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
tạ ơn em… tạ ơn em…

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ nhạc thành bài hát Giữ đời cho nhau.

Bài thơ: Khúc Thuỵ Du

Khúc Thuỵ Du

1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời

như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được

như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình

trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên

đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?

2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài

ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thuỵ ơi và thuỵ ơi

tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thuỵ ơi và thuỵ ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết

tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thuỵ ơi và thuỵ ơi

không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể

anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển

(03-68)

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Về tên gọi của bài thơ, Thuỵ là tên riêng của bà Thuỵ Châu, vợ cũ của tác giả, còn Du lấy từ bút danh của ông.

Nguồn: Thơ Du Tử Lê (1967-1972), Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản, Sài Gòn, 1972

Trả lời